Hiểm họa khó lường từ điện 'chia hơi, câu đuôi'

Ở vùng nông thôn Kiên Giang hiện nay, nhiều nơi người dân tự ý “chia hơi”, “câu đuôi” điện để sử dụng, tiềm ẩn những hiểm họa khó lường, nhưng ngành điện tỉnh này chưa kiểm soát được.

“Chia hơi”, “câu đuôi” điện là hình thức hộ gia đình có điện lưới quốc gia sử dụng đồng ý cho các hộ dân sinh sống ở những khu vực lân cận chưa có lưới điện hạ thế kéo điện về phục vụ sinh hoạt.

Dây điện treo lủng lẳng rình rập người qua đường tại Kiên Giang. Ảnh: Lê Sen – TTXVN


Tình trạng "chia hơi, câu đuôi" điện trên địa bàn tỉnh Kiên Giang tập trung nhiều ở những tuyến vùng lõm, vùng nông thôn sâu, vùng xa chưa được đầu tư lưới điện hạ thế, hoặc có lưới điện hạ thế nhưng hộ dân không khả năng lắp đặt điện kế.

Cụ thể như vùng lõm ở 2 xã vùng sâu của huyện Giồng Riềng là Ngọc Hòa và Hòa Hưng hiện nay còn hơn 200 hộ dân sử dụng điện "chia hơi, câu đuôi" giá cao.

Khu vực kênh 1 Hãng thuộc ấp Đập Đá II và xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận với hàng trăm hộ dân sinh sống được ngành điện đầu tư lưới điện hạ thế, nhưng chỉ có khoảng 40 hộ dân lắp đặt điện kế sử dụng, số hộ còn lại để có điện sinh hoạt phải "chia hơi, câu đuôi".

Tương tự, tại ấp Vạn Thanh, xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất với 112 hộ dân sinh sống được ngành điện đầu tư đường dây hạ thế dài 5,5 km, nhưng chỉ có 40 hộ sử dụng điện sinh hoạt. Số hộ còn lại thỏa thuận "câu đuôi, chia hơi" để có điện sinh hoạt và bà con phải trả tiền điện từ 8.000 đồng/kWh trở lên.

Nhìn những “lưới điện hạ thế” mà bà con tự “xây dựng” để kéo điện sinh hoạt, nhiều người không khỏi giật mình, lo ngại tai nạn về điện có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhất là trong mùa mưa bão. Trụ điện là những cây gỗ không chắc chắn, nhiều trụ cột thân gỗ bị mục, mất khả năng chịu lực, dễ gãy đổ.

Dây dẫn mắc trên trụ thì chồng chéo, có đoạn dây điện sà xuống thấp ngang đầu người, là đà trên mặt đất rất nguy hiểm. Điều nguy hại hơn, nhiều điểm câu móc điện sát với phần tôn của mái nhà, dây dẫn bị bong tróc, vỏ cách điện hư hỏng và nguy cơ xảy ra chập điện, gây cháy nổ, điện giật là rất cao.

Chị Ngô Thị Liễu, Tổ nhân dân tự quản số 10, ấp Vạn Thanh, xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất nói: "Nhà mình có điện sử dụng, bà con xung quanh không có điện nên hỏi "chia hơi, câu đuôi". Tình làng nghĩa xóm, tối lửa, tắt đèn có nhau nên không thể từ chối".

Ông Nguyễn Văn Gul, Trưởng ấp Vạn Thanh, xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất cho biết: Do nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt, bà con tự ý cắm cột để "chia hơi, câu đuôi" nhưng không thể nghiêm cấm.


Địa phương kết hợp với đoàn thể xã vận động người dân không nên "câu đuôi, chia hơi" điện vì rất nguy hiểm, dễ xảy ra các sự cố về điện và tình trạng này đến nay vẫn không chấm dứt. Mặc dù địa phương chưa xảy ra sự cố nghiêm trọng nào, nhưng hiểm họa khó lường trước được.

Theo Sở Công thương tỉnh Kiên Giang, đây là những vùng dân cư sinh sống thưa thớt, không tập trung, rất khó khăn trong việc đầu tư xây dựng lưới điện phục vụ bà con.

Tuy nhiên, ngành điện Kiên Giang cũng đang khảo sát những vùng, khu vực có tính cấp thiết, vừa đáp ứng nhu cầu điện sinh hoạt cho nhân dân, vừa phục vụ bơm tác sản xuất nông nghiệp, dự toán vốn, nguồn đầu tư để xác định thứ tự ưu tiên đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2016 - 2020; tập trung triển khai chương trình, dự án đầu tư lưới điện vùng đồng bào dân tộc Khmer giai đoạn 2. Hiện nay, tỉ lệ hộ dân sử dụng điện sinh hoạt đạt 97,3%, năm 2015, tỉnh phấn đấu nâng tỷ lệ này lên 98%.


Lê Huy Hải

Đưa điện lưới quốc gia ra xã đảo Thạnh An
Đưa điện lưới quốc gia ra xã đảo Thạnh An

Là một trong 7 xã, thị trấn của huyện Cần Giờ, Thạnh An là xã nghèo duy nhất của TP.HCM được bao bọc hoàn toàn bằng các sông và cửa biển Cần Giờ. Mỗi ngày xã chỉ có 6 chuyến tàu ra vào đất liền.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN