Nguyên nhân ban đầu của vụ cháy ngày 16/9 tại căn nhà số 416 Nguyễn Trãi tại Thành phố Hồ Chí Minh được xác định là do sự cố về điện, càng khiến nguy cơ cháy nổ do sự cố điện trở thành nỗi ám ảnh với người dân thành phố đông đúc này. Nỗi ám ảnh chập điện Theo báo cáo của Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Thành phố Hồ Chí Minh, tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra hơn 200 vụ cháy, làm chết 15 người, bị thương 8 người, ước thiệt hại khoảng 43,7 tỷ đồng và 24 vụ chưa ước tính thành tiền. Bước đầu, qua điều tra từ 160 vụ cháy, nguyên nhân chủ yếu của các vụ cháy này là do sự cố và vi phạm quy định trong sử dụng điện.
Từ đầu tháng 9/2014 đến nay trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã xảy ra 3 vụ cháy lớn liên quan đến sự cố về điện. Điển hình như vụ cháy lớn tại Công ty sản xuất nguyên liệu làm giày dép vào ngày 12/9, khiến hàng trăm mét vuông nhà xưởng bị đổ sập, nhiều nguyên vật liệu cùng máy móc bị thiêu rụi.
Đồ đạc, vật dụng, xe máy bị cháy đen trong ngôi nhà được đưa ra bên ngoài. Ảnh: Mạnh Linh-TTXVN |
Lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã rất vất vả mới khống chế được vụ hỏa hoạn do trong công ty Minh Nguyên Phát chứa nhiều nguyên vật liệu dễ cháy như mút, cao su, nhựa và dầu. Trong vụ cháy này, Thượng tá Nguyễn Văn Quyên, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy quận 12 cho biết: theo kết quả điều tra nguyên nhân cháy do chập điện từ máy ép nhựa gây cháy lan xung quanh.
Nghiêm trọng là vụ cháy vào rạng sáng ngày 16/9 tại căn nhà số 416 đường Nguyễn Trãi (phường 8, quận 5) đã cướp đi sinh mạng của tất cả 7 thành viên đang ngủ trong căn nhà. Khám nghiệm hiện trường, cơ quan chức năng cho biết: Căn nhà trên là một cửa hàng chuyên kinh doanh dụng cụ, thuốc làm tóc. Đặc điểm căn nhà nhỏ 4mx14m, bên trong chứa nhiều các phụ kiện dễ bắt lửa. Nơi này lại vừa kinh doanh, vừa là nơi ở sinh hoạt nên công tác cứu chữa gặp nhiều khó khăn. Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân ban đầu của vụ cháy được xác định cũng do sự cố về điện.
Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Các sự cố cháy do điện có nhiều nguyên nhân khác nhau như: nghẽn mạch điện, rò rỉ điện hoặc quá tải; đường dây dẫn điện cũ, nhất là trong các góc khuất ở trên các tầng, lâu ngày thiếu kiểm tra; mất điện đột ngột rồi có điện lại... Thậm chí chỉ đơn giản là hai dây điện chạm chập lại thì cũng có thể xảy ra cháy.
Nâng cao ý thức cảnh giác
Theo Đại tá Lê Tấn Bửu, việc nâng cao ý thức phòng cháy của người dân là điều rất quan trọng, nhất là tại các khu dân cư trên địa bàn ở Thành phố Hồ Chí Minh có đặc điểm: nhà vừa là nơi ăn ở sinh hoạt, vừa kinh doanh mua bán. Qua các vụ việc trên, người dân phải luôn cảnh giác đối với “giặc lửa” trong quản lý nguồn lửa, nguồn nhiệt, nguồn điện, nhất là câu mắc điện phải hết sức chú ý đến việc lựa chọn các dây dẫn cho phù hợp với công năng. Các gia đình cần tự trang bị các phương tiện chữa cháy ban đầu như bình chữa cháy xách tay.
Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Thành phố Hồ Chí Minh cũng tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông, UBND 24 quận, huyện đẩy mạnh thông tin tuyên truyền tới người dân về ý thức, phương thức phòng chống cháy nổ. Cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã công bố số 114 chính thức thông báo tất cả các sự cố về tai nạn nói chung, tai nạn về sự cố cháy nổ nói riêng, để lực lượng phòng cháy chữa cháy ứng cứu kịp thời.
Có mặt tại hiện trường vụ cháy ngày 16/9 ở căn nhà số 416 Nguyễn Trãi, ông Tất Thành Cang, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã trực tiếp chỉ đạo Cảnh sát phòng cháy chữa cháy thành phố tăng cường thực hiện các biện pháp phòng cháy chữa cháy, đẩy mạnh kiểm tra các khu dân cư có nguy cơ cháy cao, các khu công nghiệp, cơ sở kinh doanh lớn trên địa bàn. Đồng thời, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy thành phố bám sát tình hình thực tế, tiếp tục tham mưu cho UBND thành phố để có các phương án phòng cháy tối đa, hạn chế thấp nhất những vụ cháy thương tâm xảy ra.
Thành Chung