Hầu hết các khu vực có chỉ số tia cực tím gây hại cao đến rất cao

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 17/7, chỉ số tia cực tím (UV) cực đại ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc đạt ngưỡng nguy cơ gây hại cao, trong khi các tỉnh, thành phố những khu vực còn lại ở ngưỡng nguy cơ gây hại rất cao.

Chú thích ảnh
Hầu hết các khu vực có chỉ số tia cực tím gây hại cao đến rất cao. Ảnh minh họa: TTXVN

Cụ thể, chỉ số tia cực tím đạt mức cực đại trong ngày 17/7 như sau: Thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), thành phố Hải Phòng và Thủ đô Hà Nội đều ở mức 8.0; thành phố Huế (Thừa Thiên - Huế) và thành phố Đà Nẵng đều ở mức 9.4; thành phố Hội An (Quảng Nam) ở mức 9.6; thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Cần Thơ đều ở mức 9.2 và thành phố Cà Mau (Cà Mau) ở mức 9.4.

Ngày 17/7, chỉ số nóng bức cực đại (HI- Heat Index) tại Thủ đô Hà Nội, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), thành phố Hà Tĩnh (Hà Tĩnh), thành phố Đà Nẵng đạt mức 41-54 (mức nguy hiểm). Với mức nhiệt này, người dân có khả năng bị say nắng, kiệt sức thậm chí có thể bị sốc nhiệt nếu tiếp xúc với nắng nóng hoặc hoạt động thể chất kéo dài.

Từ ngày 18-20/7, chỉ số tia cực tím cực đại trong ngày ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc duy trì ở ngưỡng nguy cơ gây hại cao, các thành phố từ thành phố Huế (Thừa Thiên - Huế) đến thành phố Hội An (Quảng Nam)  duy trì ở ngưỡng nguy cơ gây hại rất cao, các thành phố từ thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) đến thành phố Cà Mau (Cà Mau) hai ngày đầu ở ngưỡng nguy cơ gây hại rất cao sau đó giảm về ngưỡng nguy cơ gây hại cao. Với chỉ số này, tia UV đã vượt ngưỡng an toàn rất nhiều lần. Theo khuyến cáo của ngành y tế, chỉ số tia UV ở mức an toàn là dưới 3, còn trên ngưỡng 3 là gây ra nhiều tác hại khôn lường với sức khỏe.

Tia cực tím trong ánh sáng mặt trời có thể phá hủy các tế bào da. Sự phá hủy này có thể dẫn đến bệnh dày sừng ánh nắng và tiến triển thành ung thư tế bào gai. Ngoài ra, các biểu hiện khác do tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng mặt trời chứa tia cực tím phổ biến như bỏng nắng, đỏ da, tăng sắc tố, nếp nhăn, khô da hoặc nặng hơn là ung thư da.

Để phòng tránh bệnh về da nói chung và ung thư da nói riêng do tác hại của tia cực tím, các bác sĩ khuyến cáo, người dân khi ra đường vào thời điểm chỉ số UV đạt đỉnh trong ngày là từ 11 giờ - 15 giờ cần đội nón rộng vành, đeo mắt kính màu sậm, đeo khẩu trang và tránh nắng trong bóng râm, cây có bóng mát để hạn chế tác động từ tia UV. Cùng với đó, người dân nên bổ sung hoa quả tươi giàu vitamin C, giúp hạn chế tác động có hại từ tia cực tím; uống bù đủ nước khoảng 2 - 2,5 lít nước mỗi ngày; sử dụng kem chống nắng đều đặn mỗi khi ra ngoài, ngay cả khi trời nhiều mây.

Diệu Thúy (TTXVN)
Nhiều thành phố có ngưỡng chỉ số tia cực tím từ cao đến rất cao
Nhiều thành phố có ngưỡng chỉ số tia cực tím từ cao đến rất cao

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, ngày 3/7, nhiều thành phố có ngưỡng chỉ số tia cực tím từ cao đến rất cao. Thời điểm xuất hiện chỉ số tia cực tím cực đại thường xảy ra từ 10 giờ đến 13 giờ. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN