Hạn mặn kỷ lục, nông dân điêu đứng

Hàng ngàn ha lúa đang làm đòng tại Bến Tre đã “giương cờ trắng” trước nước mặn. Hàng chục ngàn hộ dân ven biển cũng điêu đứng vì thiếu nước ngọt. Theo nhận định của nhiều nông dân, tình trạng hạn mặn năm nay là “chưa từng thấy” trong mấy chục năm trở lại đây.

 

Hạn mặn kỉ lục


Ông Lê Văn Yên, ngụ ấp Phú Hưng, xã Phú Thuận, huyện Bình Đại cho biết, vụ đông xuân năm nay, gia đình ông gieo sạ hơn 1 ha. Thời kì đầu, lúa sinh trưởng rất tốt, gia đình ông rất phấn khởi vì tin chắc sẽ có một vụ mùa bội thu. Tuy nhiên, khi cây lúa bước vào thời kì làm đòng thì xuất hiện tình trạng vàng lá trên diện rộng. Ban đầu, ông nghĩ nguyên nhân là do dịch bệnh nên mua thuốc bảo vệ thực vật về để phun nhưng không hiệu quả. Về sau ông Yên mới biết lá lúa vàng là do nước mặn vào sớm. Khi đó, lúa đang làm đòng lại gặp nước mặn, không ngậm được sữa nên nhiều hạt lép.


Ông Nguyễn Thành Sắt, cán bộ khuyến nông xã Phú Thuận xót xa trước cánh đồng gần như mất trắng.

 

Diện tích lúa của hàng trăm hộ dân trong xã cũng như một số xã lân cận cũng lâm vào tình trạng tương tự. Độ mặn trên cánh đồng của xã Phú Thuận hiện đang dao động từ 10 - 13‰, trong khi ngưỡng chịu mặn của cây lúa chỉ là 3 - 4 ‰. “Với độ mặn này, nông dân sẽ mất trắng. Hộ nào vớt vát được thì năng suất lúa cũng chỉ còn khoảng 2 tạ/ha” - ông Cao Thế Hùng, Phó Chủ tịch xã Phú Thuận cho biết.


Tại huyện Thạnh Phú, nông dân còn điêu đứng hơn do hạn mặn. Ông Huỳnh Đông Hà, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thới Thạnh cho biết, nước mặn xâm nhập vào nội đồng từ trung tuần tháng 2, thời điểm cây lúa mới chỉ được 30 - 40 ngày tuổi nên nông dân hầu như mất trắng. Xã Quới Điền có khoảng 120 ha trong tổng số 150 ha gieo sạ vụ này mất trắng, phần diện tích còn lại năng suất giảm một nửa.

 

80.000 đồng/m3 nước sinh hoạt


Trong khi nông dân trồng lúa buồn rầu nhìn những cánh đồng mất trắng do nước mặn thì hàng chục ngàn hộ dân tại các huyện ven biển Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú cũng khốn khổ không kém do nguồn nước sinh hoạt vừa thiếu vừa bị nhiễm mặn trầm trọng.


Hiệu quả từ cống đập Ba Lai Tuy nằm ngay bên cạnh Phú Thuận nhưng đồng ruộng của xã Châu Hưng (cũng thuộc huyện Bình Đại) lại không bị nước mặn xâm nhập sâu. Ông Phạm Văn Phương, Chủ tịch UBND xã cho biết, phần lớn diện tích lúa trong xã không bị nhiễm mặn là nhờ cống đập Ba Lai. Chỉ có một phần diện tích lúa rất nhỏ (50/410 ha) nằm tiếp giáp sông Cửa Đại là bị ảnh hưởng. Số diện tích lúa còn lại và toàn bộ diện tích dừa cùng các loại cây ăn trái đều không bị hạn mặn ảnh hưởng. Cũng theo ông Phương, hơn 20 ha mặt nước nuôi cá tra của xã nằm trong vùng an toàn cũng là nhờ công trình cống đập này. Các xã ven sông Ba Lai như Phú Thuận, Thới Lai, Long Hòa (Bình Đại); Châu Bình, Châu Hòa, Phong Mỹ (Giồng Trôm); Tân Xuân, Tân Mỹ, Mỹ Hòa (Ba Tri) đều được hưởng lợi nhờ “túi nước ngọt” mà cống đập Ba Lai giữ lại. Được biết, cống đập Ba Lai được xây dựng từ năm 2002 với tổng kinh phí hơn 700 tỉ đồng.

Chị Cao Thị Thúy Hằng, ngụ xã An Thủy, huyện Ba Tri cho biết, năm nay hiện tượng mặn xâm nhập diễn ra bất thường nên gia đình chị không chủ động được nguồn nước sinh hoạt. Do phải mua nước ngọt với giá 30.000 đồng/m3 nên gia đình chị chỉ dám dùng vào nấu nướng, còn tắm giặt thì vẫn phải dùng nước mặn.


Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Bến Tre, hiện toàn tỉnh có hơn 63.000 hộ dân với hơn 250.000 người bị thiếu nước ngọt. Giá nước sinh hoạt cũng tăng cao kỉ lục so với các năm trước. Đơn giá nước sinh hoạt tại huyện Bình Đại lên đến 60.000 đồng/m3. Tại thành phố Bến Tre (cách biển hơn 50 km), độ mặn trong nước sinh hoạt cũng đã lên hơn 2‰. Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường tỉnh đã phải lắp đặt đường ống bơm nước ngọt thô cách đó hàng chục km để giảm độ mặn của nước sinh hoạt. Tuy nhiên, Trung tâm cũng chỉ đặt mục tiêu “khiêm tốn” là giữ độ mặn trong nước sinh hoạt dưới mức 1‰.

 

Cấp bách hỗ trợ người dân chống hạn mặn


Theo Sở NN&PTNT Bến Tre, năm nay nước mặn xâm nhập vào nội đồng sớm hơn mọi năm gần 2 tháng nên cả nông dân lẫn ngành chức năng đều bị bất ngờ. Vụ đông - xuân năm ngoái, năng suất lúa trung bình của toàn tỉnh khoảng 6,5 tấn/ha nhưng năm nay thì thất thu nặng. Hiện có khoảng 1/4 trong tổng số diện tích hơn 19.000 ha bị nước mặn xâm nhập, trong đó có gần 1.000 ha mất trắng.


Ông Huỳnh Kim Mười, Phó Giám đốc Sở cho biết: Để hỗ trợ người dân phòng chống hạn mặn, Sở vừa kiến nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ Bến Tre 53 tỉ đồng giúp các địa phương triển khai các công trình hạn mặn cấp bách; đồng thời kiến nghị UBND tỉnh Bến Tre hỗ trợ chi phí cây trồng, vật nuôi cho nông dân bị thiệt hại theo quyết định số 142/2009/QĐ-TTg. Trước mắt, Sở yêu cầu Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi thường xuyên theo dõi và lên kế hoạch xổ nước hợp lý nhằm hạn chế phần nào thiệt hại về cây trồng, vật nuôi cho bà con nông dân.


Về lâu dài, Sở NN&PTNT Bến Tre kiến nghị Bộ NN&PTNT và các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn vay ODA đối với công trình thủy lợi Bắc Bến Tre, hệ thống thủy lợi Cái Quao; đồng thời bố trí vốn thực hiện công trình đê biển Bình Đại, đê biển Thạnh Phú theo Quyết định 667/QĐ-TTg của Chính phủ; hỗ trợ kinh phí nâng cấp một số tuyến đê bao thuộc dự án 418 giúp ngăn mặn, giữ nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

 

Bài và ảnh: Hưng Thịnh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN