Nhiều đổi mới
Trong những năm qua, công tác cai nghiện cho người nghiện ma túy ở Hải Dương đã được triển khai đúng quy định và đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hải Dương, số người nghiện và tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp.
Nếu như năm 2010, toàn tỉnh có 1.900 người nghiện có hồ sơ quản lý thì đến năm 2018 cho thấy con số này đã ở mức trên 3.400 người, trong đó có trên 2.800 người ở cộng đồng là một áp lực lớn đối với công tác cai nghiện.
Hải Dương đã đặt mục tiêu đến năm 2020, sẽ tăng số lượng, quy mô cơ sở cai nghiện tự nguyện, đa dạng các loại hình cơ sở cai nghiện, tăng tỷ lệ điều trị nghiện tự nguyện, giảm dần tỷ lệ điều trị nghiện bắt buộc tại các cơ sở cai nghiện ma túy.
Theo đó, trong thời gian tới, tỉnh phát triển mạng lưới cơ sở cai nghiện tự nguyện theo hướng xã hội hóa; khuyến khích thành lập từ 1 - 2 cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện. Mỗi cơ sở cai nghiện tự nguyện tiếp nhận không quá 1.000 người, đảm bảo phù hợp với điều kiện cơ sở và việc tiếp nhận không phân biệt nơi cư trú của người nghiện.
Bên cạnh đó, tiếp tục thành lập mới các điểm tư vấn chăm sóc hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng, điểm điều trị Methadone. Phấn đấu đến năm 2020, khoảng 90% số người nghiện có hồ sơ quản lý được tiếp nhận, cung cấp dịch vụ tại các cơ sở cai nghiện, điều trị ma túy tại cộng đồng, tương đương với khoảng 3.700 người.
Hiện nay, công tác điều trị nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy Hải Dương và Trung tâm tư vấn và điều trị nghiện ma túy Hải Dương gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, việc điều trị, quản lý học viên những năm qua không ngừng đổi mới và đặc biệt đội ngũ cán bộ, nhân viên nơi đây luôn nỗ lực trau dồi kiến thức chuyên môn, tận tụy và trách nhiệm với các học viên.
Những đối tượng ở đây phần lớn là những người nghiện có thời gian sử dụng ma túy từ rất lâu, nơi cư trú không ổn định, thiếu sự quan tâm của gia đình, thậm chí là bị gia đình bỏ rơi nên việc phối hợp để điều trị cho học viên rất khó khăn.
Ông Vũ Thành Phương, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Hải Dương chia sẻ: Với quan điểm “người nghiện ma túy là người bệnh” và “cơ sở cai nghiện ma túy là nơi chữa bệnh”, các cán bộ của cơ sở luôn động viên, cảm hóa, tư vấn để học viên lấy lại cân bằng, coi cơ sở như ngôi nhà thứ hai của mình để yên tâm điều trị.
Cơ sở đã xây dựng phòng tập phục hồi chức năng và bằng việc kết hợp các phương pháp chữa bệnh đông y, tây y đã giảm bớt những vật vã, khó chịu của hội chứng cai, giúp học viên nhanh chóng phục hồi sức khỏe.
Tại Trung tâm tư vấn và điều trị nghiện ma túy Hải Dương, học viên không chỉ được cắt cơn, điều trị nghiện, dạy nghề mà còn được nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Trung tâm cung cấp sách báo, trang bị tivi có kết nối truyền hình số vệ tinh K+, tổ chức chơi thể thao, vui văn nghệ để tâm lý học viên thoải mái, hỗ trợ cho quá trình điều trị.
Theo định hướng của tỉnh, những năm tới, Cơ sở cai nghiện ma túy Hải Dương và Trung tâm tư vấn và điều trị nghiện ma túy sẽ sáp nhập, hướng đến hình thành một cơ sở cai nghiện đa chức năng. Cơ sở sẽ hoạt động theo mô hình phân khu quản lý với các khu vực: Điều trị ma túy bắt buộc, điều trị tự nguyện, khu tiếp nhận đối tượng xã hội, khu điều trị bằng thuốc thay thế Methadone. Công suất tiếp nhận cai nghiện ma túy bắt buộc dự kiến sẽ giảm xuống còn 250 người vào năm 2020.
Hải Dương sẽ ưu tiên bố trí nguồn vốn để đầu tư bổ sung cơ sở vật chất, đồng thời thu hút các nguồn tài trợ trong và ngoài nước thông qua các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ, cung cấp những kỹ thuật điều trị, cai nghiện tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng cai nghiện ma túy ở các cơ sở. Đồng thời, đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm công tác y tế, tư vấn, giáo dục, dạy nghề cho người nghiện ma túy.
Điều chỉnh chính sách hỗ trợ cai nghiện
Để phù hợp với những quy định hiện hành của Chính phủ cũng như nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện, tới đây, nhiều nội dung liên quan đến chính sách hỗ trợ người nghiện và công tác cai nghiện đang được Hải Dương điều chỉnh, bổ sung.
Tỉnh đang hoàn thiện dự thảo Quyết định Quy định về sử dụng kinh phí thực hiện chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, chế độ đối với người chưa thành niên, người tự nguyện cai nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập; tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, những chế độ hỗ trợ người cai nghiện và công tác cai nghiện ở Hải Dương sẽ có thêm nhiều điểm mới. Dự kiến, mức tiền ăn cho các học viên cai nghiện bắt buộc và cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở công lập sẽ tăng lên mức 1,2 triệu đồng/người/tháng.
Đối với học viên cai nghiện tự nguyện, mức hỗ trợ hàng tháng tăng lên và khoản tiền ăn phải đóng được giảm so với quy định hiện hành. Các khoản hỗ trợ về tiền thuốc chữa bệnh thông thường, khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần và các bệnh vượt quá khả năng điều trị của cơ sở; mức hỗ trợ sinh hoạt phí, mai táng phí… cho học viên cai nghiện cũng được điều chỉnh tăng.
Quy định đang được tỉnh Hải Dương xây dựng dự kiến có thêm mục chi đối với công tác cai nghiện ma túy tại cộng đồng. Ở những xã, phường, thị trấn có từ 5 người cai nghiện trở xuống được phép bố trí 1 cán bộ theo dõi, quản lý đối tượng. Với những xã, phường, thị trấn có 6 - 10 người cai thì được bố trí 2 cán bộ và từ trên 10 người cai được phép bố trí 3 cán bộ. Mỗi cán bộ theo dõi, quản lý đối tượng sẽ được hỗ trợ 350.000 đồng/người/tháng.
Với những điều chỉnh và bổ sung quan trọng này, Quy định được kỳ vọng sẽ có tác động tích cực, hạn chế người nghiện bỏ việc điều trị, khuyến khích cai nghiện tự nguyện. Học viên cai nghiện tại các cơ sở công lập cũng có chế độ đảm bảo chăm sóc sức khỏe tốt hơn để yên tâm tập trung vào việc điều trị.