Hệ thống giao thông thông minh này được xây dựng dựa trên nền tảng cốt lõi là hệ thống Trung tâm Chỉ huy điều hành giao thông thông minh (một trong những hợp phần của hệ thống Trung tâm Giám sát điều hành tập trung của Hà Nội) và 9 thành phần (10 hạng mục) như: Trung tâm chỉ huy điều hành; hệ thống giám sát và thu thập thông tin giao thông; hệ thống thông tin giao thông; hệ thống điều khiển giao thông; hệ thống bảo đảm an ninh, an toàn; hệ thống quản lý tình huống khẩn cấp; hệ thống quản lý kết cấu hạ tầng giao thông.
Theo đề xuất của FPT, trong năm 2017 sẽ triển khai 4 hợp phần hệ thống giám sát và thu thập thông tin giao thông; hệ thống thông tin giao thông; hệ thống quản lý kết cấu hạ tầng giao thông; hệ thống quản lý vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
Cụ thể, từ tháng 6 - 11/2017 xây dựng hệ thống giám sát và thu thập thông tin giao thông (từ hệ thống camera giám sát và thiết bị GPS...). Hệ thống thông tin giao thông, với bản đồ giao thông và tích hợp dữ liệu, ứng dụng di động, cổng thông tin giao thông tập trung và hệ thống quản lý kết cấu hạ tầng giao thông dự kiến có thể phục vụ người dân vào dịp 2/9/2017.
Hệ thống quản lý vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt dự kiến xong trong tháng 10/2017. Theo kế hoạch, tháng 12/2017 sẽ nghiệm thu và vận hành chính thức giai đoạn 1 của đề án.
Về phương án tài chính, FPT đề xuất, trong giai đoạn 1 (năm 2017), Hà Nội đầu tư theo hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin để có thể nhanh chóng hình thành nền tảng cơ bản của hệ thống giao thông thông minh. FPT chịu trách nhiệm từ đầu tư hệ thống, bảo đảm vận hành đến bảo trì, bảo dưỡng. Giai đoạn 2 từ năm 2018 đến 2020, thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư.
Hiện nay, TP Hà Nội đang hướng tới xây dựng thành phố thông minh để giải quyết các vấn đề cấp bách về giao thông, môi trường, y tế... Việc xây dựng hệ thống giao thông thông minh sẽ giúp thành phố trong việc cung cấp nhiều giải pháp khác nhau nhằm nâng cao chất lượng đi lại trên các loại hình giao thông.
Đồng thời, cung cấp các giải pháp giảm ùn tắc giao thông thông qua các kế hoạch di chuyển tốt hơn; cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác cho người tham gia giao thông, giải quyết các vấn đề xảy ra trên thực tế nhanh hơn. Bên cạnh đó, giảm thiểu các tác động xấu của giao thông đến môi trường thông qua tối ưu hóa di chuyển, giảm ùn tắc và tai nạn, nâng cao chất lượng phương tiện cũng như hệ thống quản lý...