Điều đáng nói là nhiều người dân chưa đồng thuận với cách thức triển khai của quận Tây Hồ dù họ ủng hộ chủ trương xây dựng một không gian văn hóa ở đây. Trước thực tế này, quận Tây Hồ có những điều chỉnh cho phù hợp, đồng thời tuyên truyền, vận động người dân hiểu được mục đích xây dựng không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực đường phố khu vực phố Trịnh Công Sơn.
Triển khai vội vàng
Chủ trương xây dựng phố đi bộ Trịnh Công Sơn theo mô hình không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực đường phố hình thành từ năm 2016, được UBND thành phố Hà Nội thông qua. Kỳ vọng của quận Tây Hồ muốn biến khu vực ven hồ Tây (thuộc phường Nhật Tân) thành sản phẩm du lịch mới, từng bước đưa Tây Hồ thành trung tâm văn hóa, du lịch của cả thành phố.
Đến đầu tháng 8/2017, khi phố đi bộ Trịnh Công Sơn bắt đầu triển khai một số hạng mục để chuẩn bị cho ngày khai trương dự kiến vào dịp 19/8, mọi người mới biết tới. Các hộ dân khu vực phố Trịnh Công Sơn phản ứng với cách thức triển khai của quận Tây Hồ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến phố đi bộ Trịnh Công Sơn phải hoãn ngày khai trương.
Theo các hộ dân, việc xây dựng tuyến phố đi bộ của quận Tây Hồ có phần vội vàng, chưa chuẩn bị tốt đã triển khai xây dựng. Người dân chưa được chính quyền quận Tây Hồ cũng như phường Nhật Tân thông báo cụ thể về dự án, chưa biết các thông tin liên quan đến dự án.
Họa sĩ Nguyễn Thọ Tường, tổ 10, cụm 2 phường Nhật Tân khẳng định, ông đồng ý với chủ trương xây dựng phố đi bộ Trịnh Công Sơn nhưng cho rằng, quận Tây Hồ triển khai khi chưa đủ điều kiện. Theo ý kiến của ông, quận nên xây dựng thành tuyến phố văn minh đô thị xanh – sạch – đẹp, gắn liền tên tuổi của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Hiện nay, để biến khu vực này thành không gian văn hóa, quận Tây Hồ phải có quá trình chuẩn bị chu đáo.
Chị Vũ Thị Uyên, một người dân đang sinh sống trên phố Trịnh Công Sơn băn khoăn: “Tôi thấy quận triển khai không có tính quy củ, vì khi thực hiện bất kỳ dự án nào liên quan trực tiếp đến người dân, người dân được quyền biết các thông tin trước khi triển khai”. Chị Uyên cũng cho biết, chị và hầu hết người dân ở khu vực phố Trịnh Công Sơn không nắm được bất kỳ thông tin gì về quy hoạch tổng thể dự án, chi tiết về thiết kế, kiến trúc, quy trình triển khai...
Tháo gỡ vướng mắc
Khi quận Tây Hồ bắt đầu lắp dựng một số ki-ốt cố định trên phố Trịnh Công Sơn đã bị người dân phản đối. Người dân cho rằng, việc lắp dựng ki-ốt cố định không đúng với chủ trương ban đầu là dựng ki-ốt di động, che chắn hướng gió vào nhà dân, ảnh hưởng mỹ quan chung của cả khu phố. Trong khi đó, phố đi bộ Trịnh Công Sơn chỉ hoạt động vào ba tối cuối tuần, việc để tồn tại các ki-ốt này là không cần thiết. Hơn nữa, việc kinh doanh ẩm thực tại đây nếu không quản lý tốt dễ biến thành cái chợ, không đảm bảo vệ sinh môi trường.
Trước phản ứng của người dân, quận Tây Hồ chỉ đạo dừng việc lắp dựng, tháo dỡ các ki-ốt. Ông Nguyễn Đình Khuyến, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ giải thích, một đơn vị đề nghị đặt mẫu ba gian hàng để các nhà quản lý, nhà nghiên cứu và người dân cho ý kiến, trình quận phê duyệt sau đó triển khai. Cũng theo lãnh đạo quận Tây Hồ, sẽ không có việc tiếp tục đặt các ki-ốt cố định ở phố đi bộ Trịnh Công Sơn. Quận cho lắp dựng khoảng 100 ki-ốt di động để thuận lợi trong việc tháo dỡ vào những thời điểm phố đi bộ không hoạt động để không ảnh hưởng đến cuộc sống thường nhật của người dân. Trong giai đoạn đầu thử nghiệm, quận Tây Hồ sẽ rút kinh nghiệm, điều chỉnh, có thể số lượng ki-ốt tăng lên hoặc giảm đi phụ thuộc nhu cầu của người dân và du khách tham quan.
Với vấn đề vệ sinh môi trường, đơn vị thường trực triển khai phố đi bộ Trịnh Công Sơn đã ký kết hợp đồng với công ty vệ sinh môi trường đảm bảo nơi này luôn sạch sẽ. Về an ninh, trật tự, ngoài những chốt cứng ở vòng ngoài và đầu khu phố, quận bố trí hai tổ lưu động xử lý vấn đề liên quan.
Về việc tuyên truyền, vận động người dân, ông Nguyễn Đình Khuyến thừa nhận, quận Tây Hồ và phường Nhật Tân đã triển khai nhưng chưa đầy đủ, mới tuyên truyền trong hệ thống chính trị, cán bộ cơ sở còn chưa triển khai sâu rộng đến người dân. Khi người dân phản đối, quận Tây Hồ tổ chức tuyên truyền, vận động, đối thoại với 300 hộ dân ở khu vực tổ chức phố đi bộ Trịnh Công Sơn để bà con hiểu rõ lợi ích, ủng hộ việc triển khai phố đi bộ. Những vướng mắc của người dân cũng như của phố đi bộ sẽ được phường Nhật Tân và quận Tây Hồ từng bước tháo gỡ nhằm tạo sự đồng thuận trong dân.