Hà Nội quản lý 2.600 học viên cai nghiện ma túy

Hiện tại, các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục Lao động xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội đang quản lý tổng số hơn 2.600 học viên; trong đó, cai nghiện bắt buộc cho 803 người.

Cán bộ y tế tư vấn, giám sát bệnh nhân ma túy cai nghiện bằng Methadone tại cơ sở điều trị Methadone quận Long Biên (Hà Nội). Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Nhằm nâng cao hiệu quả cai nghiện ma túy tại các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục Lao động xã hội, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (trực thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội) đã chỉ đạo các Trung tâm này đổi mới công tác tuyên truyền giáo dục, thực hiện tốt quy trình cai nghiện, rà soát nhu cầu và xây dựng kế hoạch dạy nghề cho các học viên cai nghiện.

Hiện tại, các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục Lao động xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội đang quản lý tổng số hơn 2.600 học viên; trong đó, cai nghiện bắt buộc cho 803 người, quản lý sau cai nghiện ma túy cho 700 người, cai nghiện tự nguyện cho 955 người (không hỗ trợ kinh phí: 72 người; hỗ trợ kinh phí: 883 người), 40 người lưu trú tạm thời, 121 người điều trị Methadone.

Quá trình hoạt động, các Trung tâm đã thực hiện tuyên truyền giáo dục giúp học viên ổn định tư tưởng, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi bằng các hình thức như: tuyên truyền qua hệ thống loa đài, chiếu phim, các kỹ năng phòng, chống tái nghiện; trao đổi, học tập, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động truyền thông tại đội; tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao hưởng ứng các ngày lễ lớn… Cùng với đó, tổ chức luyện tập các hoạt động giao lưu hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy; Ngày Quốc tế và Ngày toàn dân phòng, chống ma túy 26/6.

Ngoài ra, các Trung tâm còn chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức giáo dục, tư vấn, tuyên truyền cho học viên; thường xuyên duy trì từ 15-19 lớp giáo dục chuyên đề cho hơn 1.800 học viên; cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình cho 1.100 học viên.

Để tạo điều kiện cho các học viên sau cai nghiện tìm kiếm được việc làm, từng bước ổn định cuộc sống, các Trung tâm đã tiến hành rà soát nhu cầu học nghề của học viên và xây dựng kế hoạch dạy nghề phù hợp. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức tư vấn hướng nghiệp, học nghề cho học viên tại Trung tâm.


Trong thời gian tới, các Trung tâm có kế hoạch phối hợp với các quận, huyện, thị xã thực hiện việc đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào quản lý, theo dõi, chẩn đoán, cắt cơn, giải độc, phục hồi sức khỏe, tư vấn tâm lý trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và vận động người nghiện ma túy tham gia cai nghiện tự nguyện tại các Trung tâm của thành phố.

Bên cạnh đó, chú trọng đẩy mạnh công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng; tăng cường hướng về cộng đồng trong công tác cai nghiện và quản lý sau cai…

Kim Anh (TTXVN)
Sàng lọc đối tượng trước khi đưa vào trung tâm cai nghiện
Sàng lọc đối tượng trước khi đưa vào trung tâm cai nghiện

Kiểm tra thực tế các cơ sở cai nghiện tại Đồng Nai, Bà Rịa -Vũng Tàu, ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) nhận định: Học viên gây rối ở các cơ sở cai nghiện ma túy do cơ sở chưa đủ điều kiện vật chất, thiếu sàng lọc đối tượng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN