Từ thực tế kiểm tra cơ sở cai nghiện tại Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, theo Thứ trưởng cần điều chỉnh gì trong công tác quản lý cai nghiện ma túy hiện nay?
Qua kiểm tra cho thấy, do thiếu cơ sở vật chất, nên việc thu gom học viên sử dụng ma túy ngoài cộng đồng đưa vào cơ sở cai nghiện quá đông, phát sinh bức xúc. Vì vậy, nơi tạm tiếp nhận đối tượng xã hội không nơi cư trú ổn định phải đảm bảo điều kiện tối thiểu như nơi ăn ở, vệ sinh, không khí thoáng mát.
Lực lượng chức năng đưa một số học viên bỏ trốn trở lại Trung tâm Giáo dục, Lao động và Dạy nghề tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày 9/11 vừa qua.Ảnh: Đoàn Mạnh Dương-TTXVN |
Bên cạnh đó, xu hướng sử dụng ma túy đá, tổng hợp, tăng lên nhanh chóng. Loại ma túy này gây cho người dùng tình trạng ảo giác, tổn thương tinh thần và hoang tưởng, dễ bị kích động. Tại các tỉnh phía Nam, có cơ sở tổng hợp được 80 - 82% những người nghiện đưa vào sử dụng ma túy đá.
Từ đó, Bộ LĐTBXH đã yêu cầu các địa phương phải thực hiện sàng lọc kỹ với từng nhóm đối tượng, đúng theo pháp luật. Việc xác định ai có nơi cư trú ổn định, ai không có nơi cư trú ổn định phải rất rõ ràng. Địa phương chỉ khai lệch một chút là có thể đã xếp họ vào diện không có nơi cư trú ổn định, như vậy, thay vì đưa họ về địa phương để chấp hành xử lý vi phạm hành chính chúng ta lại giữ ở trung tâm. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới việc quá đông học viên trong cơ sở và cũng không đúng chính sách.
Cũng có những người mới sử dụng lần đầu nhưng chúng ta đã đưa vào trại. Như vậy, chúng ta đã làm mất cơ hội học hành, việc làm của họ. Nếu để lẫn lộn, chỉ cần vài học viên chuyên gây rối, kích động sẽ lôi kéo người khác, làm tình hình bất ổn hơn.
Vậy là trong chính sách đưa người đi cai nghiện hiện nay còn nhiều vấn đề phải điều chỉnh?
Sau khi có Luật Xử lý vi phạm hành chính và các nghị định liên quan, việc xem xét lập hồ sơ đưa người nghiện về cai nghiện ở xã phường hay ở trung tâm bắt buộc (với người không có nơi cư trú) vẫn cần một cơ sở lưu giữ tạm thời.
Tuy nhiên, Bộ LĐTBXH nhận thấy không có cơ sở hay tổ chức xã hội cấp xã phường, quận huyện đủ điều kiện để lưu giữ người nghiện trong lúc chờ lập hồ sơ. Do vậy, Chính phủ giao cho Chủ tịch UBND các tỉnh bố trí cơ sở xã hội và tổ chức tiếp nhận họ trong khi chờ làm hồ sơ. Nhưng hầu hết các địa phương sử dụng một phần cơ sở cai nghiện bắt buộc là cơ sở tiếp nhận xã hội. Giai đoạn tạm thời này nhằm giúp họ cắt cơn nghiện và giải độc, chờ làm hồ sơ.
Vì thiếu tuyên truyền, nhiều người hiểu nhầm đã là bị đưa vào trung tâm bắt buộc ngay. Do đó, tâm lý có phần bất hợp tác. Việc tuyên truyền để họ hiểu là vào đây sẽ được giúp đỡ, chứ không phải là bị quản thúc và giam hãm rất cần thiết. Nếu không, học viên sẽ nung nấu tư tưởng không hợp tác. Cơ sở mà sơ hở thì nguy cơ xuất hiện tình trạng gây rối.
Nhiều ý kiến vẫn cho rằng việc cai nghiện tập trung chưa phải là giải pháp tối ưu, quan điểm của Thứ trưởng ra sao?
Thực tế cai nghiện tập trung trong 20 năm qua cho thấy phương thức cai nghiện tập trung chưa phải là tối ưu. Sau cai nghiện bắt buộc, người nghiện trở về hầu hết vẫn tái nghiện.
Do đó, phải đổi mới phương thức theo hướng cai nghiện tại cộng đồng bằng giải pháp y tế và xã hội, bằng nhiều loại thuốc truyền thống và biện pháp dùng thuốc thay thế như Methanol. Trong đó coi người nghiện ma túy là một dạng bệnh cần chữa trị.
Qua sử dụng phương pháp thay thế như Methanol, dù chưa được như mong muốn nhưng theo đánh giá của Bộ LĐTBXH là có hiệu quả hơn phương pháp cũ. Thống kê cho thấy, hơn 45% người sử dụng Methanol ở cộng đồng sau 2 năm không quay lại với hêrôin.
Tuy nhiên, việc triển khai ở cộng đồng có bất cập. Số người tham gia cũng chưa được nhiều. Chỉ tiêu đặt ra với khoảng 80.000 người sử dụng Methanol trong cộng đồng, nhưng nay mới chỉ có 50.000 người. Do đó, việc cai nghiện cho các đối tượng nghiện này cần sự chung tay của cả cộng đồng.
Xin cảm ơn ông!