Hà Nội đưa bến xe ra ngoài vành đai 4

Theo quy hoạch từ nay đến 2020, Hà Nội sẽ đầu tư thêm nhiều bến xe mới như bến xe Yên Thường, Yên Viên, bến xe Cổ Bi trên đường 5, bến xe Ngọc Hồi, bến xe Nhổn.

Sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính gấp 3,6 lần với số dân trên 7,5 triệu người so với trước, thì tới nay, hệ thống hạ tầng giao thông; trong đó, có bến bãi đỗ xe không còn đáp ứng được nhu cầu thực tế. Toàn thành phố hiện có 8 bến xe khách liên tỉnh và 3 bến xe nội tỉnh với tổng diện tích 18,55 ha. Tuy cơ bản vẫn đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, nhưng còn rất nan giải, khó khăn, nhất là vào các kỳ nghỉ lễ, Tết. Một số bến bãi chưa đảm bảo được về quy mô và tiện nghi, nằm sâu trong nội thành gây cản trở giao thông.

Bến xe Mỹ Đình - vùng “đất hứa”

Bến xe Mỹ Đình. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN

Từ chỗ "vắng như chùa Bà Đanh", trước đây, bến xe Mỹ Đình phải vận động và thuyết phục các doanh nghiệp vận tải để di chuyển từ bến Kim Mã về đây. Sau hơn 10 năm, bến xe Mỹ Đình đã “vụt sáng” và trở thành vùng “đất hứa” đối với các doanh nghiệp vận tải hành khách liên tỉnh.

Tại sao “sinh sau, đẻ muộn” mà bến xe Mỹ Đình lại có được sự bứt phá ngoạn mục như vậy? Còn nhớ cách đây hơn 10 năm, khi bến xe Mỹ Đình mới đưa vào khai thác, khu vực này dân cư vẫn còn vắng vẻ. Bến xe Mỹ Đình lại nằm ở ngoài đường vành đai 3, không thuận lợi cho người dân so với các bến xe khác, nên khi bến xe Kim Mã giải tỏa di chuyển các tuyến liên tỉnh về bến Mỹ Đình, một số nhà xe e ngại bởi bến mới không có khách đã xin chuyển sang bến xe khác.

Thành công mà bến xe Mỹ Đình có được là kết quả của việc “đi trước đón đầu” khi phát triển mở rộng không gian đô thị. 10 năm qua, tốc độ đô thị hóa ở khu vực Mỹ Đình phát triển vượt bậc. Các khu đô thị lớn đua nhau mọc lên. Bên cạnh đó, số lượng lớn học sinh, sinh viên ở các trường đại học, cao đẳng quanh các khu vực lân cận, khiến mật độ dân cư tăng nhanh và kéo nhu cầu đi lại của người dân.

Hiện nay, bến xe Mỹ Đình tuy đã được đầu tư mở rộng, khang trang, hiện đại nhưng đang đứng trước nguy cơ quá tải. Do lợi thế về mật độ dân cư đông, số lượng hành khách nhiều, nên các doanh nghiệp vận tải hành khách cố tìm cách vào bến xe Mỹ Đình bằng được. Cùng đó là việc di chuyển các doanh nghiệp vận tải ra khỏi bến Mỹ Đình để giảm tình trạng quá tải và ùn tắc giao thông cũng không đơn giản.

Qua tìm hiểu, khi Sở Giao thông Vận tải Hà Nội lấy ý kiến để xây dựng phương án di chuyển các tuyến xe Hà Tĩnh, Nghệ An từ đây về bến xe Nước Ngầm trong thời gian tới, hầu hết các nhà xe đã đề xuất xin được ở lại với nhiều lý do như quen xe, quen khách, mới đầu tư nâng cấp phương tiện sợ về bến mới không có khách sẽ phá sản…

Trong khi đó, bến xe Mỹ Đình đang đứng trước nguy cơ quá tải vì nhu cầu đi lại của người dân ở khu vực này quá cao. Nếu không giải quyết được bài toán “cung – cầu” ở khu vực bến xe Mỹ Đình, sẽ dẫn đến hệ lụy gây ùn tắc giao thông ở các tuyến đường lân cận và tình trạng “xe dù”, “bến cóc” cũng như mất trật tự an toàn giao thông, an ninh khu vực.

Để giảm quá tải tại bến Mỹ Đình cũng như giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trong khu vực, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã và đang nghiên cứu để điều tiết xe từ bến này sang các bến khác, đảm bảo tuân thủ theo đúng định hướng quy hoạch luồng tuyến vận tải, tránh tình trạng xe khách chạy xuyên tâm, gây ùn tắc giao thông.

Đầu tư thêm nhiều bến xe mới ở vành đai 4

Trên địa bàn Hà Nội hiện có 8 bến xe khách gồm các bến: Gia Lâm, Giáp Bát, Nước Ngầm, Yên Nghĩa, Sơn Tây, Mỹ Đình, Trôi, Phùng.

Theo quy hoạch từ nay đến 2020, tầm nhìn đến 2030 thì Hà Nội sẽ đầu tư thêm nhiều bến xe mới như bến xe Yên Thường, Yên Viên, bến xe Cổ Bi trên đường 5 (gần ngã ba chạy vào cao tốc đi Lạng Sơn), bến xe Ngọc Hồi, bến xe ở Nhổn (gần Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia). Ngoài ra, còn có các bến xe ở khu vực Sóc Sơn, hay ở Láng - Hòa Lạc.
Nhìn chung theo quy hoạch này các bến xe khách sẽ nằm ở vành đai 4, kết nối với các tuyến xe khách liên tỉnh. Theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội, việc đưa các bến xe ra đường vành đai 4 sẽ giải quyết vấn đề xe khách đi xuyên tâm, gây ùn tắc giao thông.


“Lúc đó Hà Nội cũng đã phát triển hệ thống giao thông công cộng kết nối giữa các bến với nhau. Chẳng hạn như ở ga Hà Nội có xe buýt đi bến xe Gia Lâm, bến xe Yên Nghĩa. Ở đó phương tiện giao thông công cộng đã kết nối với các bến xe liên tỉnh để giảm mật độ giao thông, phương tiện cá nhân đi xuyên tâm. Khi phương tiện giao thông công cộng phát triển thì việc di chuyển của người dân đến các bến xe sẽ thuận tiện hơn”, ông Liên cho biết.

Quy hoạch và xây dựng bến xe nhằm giảm ùn tắc là điều đã được thành phố Hà Nội tính đến từ lâu nhưng việc triển khai gặp nhiều khó khăn, do nhà đầu tư không mặn mà.

Trong bối cảnh đó, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) đã mạnh dạn đầu tư các dự án bến xe, từng bước hiện thực hóa một trong ba khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XV đề ra “… đột phá trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; trong đó, chú trọng hạ tầng giao thông đô thị…”.

Ngoài bến xe Mỹ Đình, với phương châm “đi trước, đón đầu”, năm 2012, Transerco đã đề nghị và được UBND Thành phố Hà Nội chấp thuận cho phép Tổng công ty nghiên cứu, lập và thực hiện xây dựng 4 bến xe khách tại các điểm đầu mối, cửa ngõ đi vào trung tâm thành phố gồm bến xe khách phía Nam (xã Duyên Hải, huyện Thường Tín), bến xe khách phía Đông (xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm) và bến xe khách phía Tây (xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức) bằng nguồn vốn tự huy động của Transerco.

Phó Tổng Giám đốc Transerco Nguyễn Huy Quang, cho biết, hiện Transerco đang tập trung xây dựng bến xe khách phía Đông (xã Cổ Bi) để đưa vào hoạt động trong thời gian tới để giảm tải cho khu vực cửa ngõ phía Đông bắc Thủ đô. Từ bến xe Cổ Bi, người dân đi về các tỉnh như Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn sẽ hết sức thuận tiện.
Theo đồ án Quy hoạch Giao thông Vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì Hà Nội sẽ có 22 bến xe khách liên tỉnh; trong đó, khu vực phía bắc Sông Hồng có 4 bến (1 bến cũ và 3 bến xây dựng mới); khu vực phía nam Sông Hồng có 7 bến (4 bến cũ và 3 bến mới); khu vực đô thị vệ tinh xây dựng 8 bến mới. Ngoài ra còn 3 bến sẽ quy hoạch cho giai đoạn trung hạn. Trong quy hoạch nói trên, hiện nay thành phố mới hoàn thành dự án xây dựng Bến xe Yên Nghĩa và dự án mở rộng Bến xe Mỹ Đình.

Tuyết Mai (TTXVN)
Đưa công nghệ vào quản lý bến xe
Đưa công nghệ vào quản lý bến xe

Tại các địa phương, việc quản lý các bến xe bằng công nghệ lạc hậu, phụ thuộc nhiều vào con người, nhất là các khâu tra cứu thông tin, lịch trình tuyến chạy chủ yếu bằng các lệnh vận chuyển... đã gây ra tình trạng lộn xộn, thiếu tổ chức. Do đó, áp dụng công nghệ để thay đổi cung cách quản lý là yêu cầu cấp bách.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN