Dù mới được đội xung kích đến kiểm tra, hướng dẫn diệt bọ gậy, nhưng cán bộ dịch tễ vẫn tìm thấy nhiều ổ bọ gậy ở trong ổ dịch. Ảnh: BYT |
Rời rạc, thiếu kỹ năng diệt muỗi, tìm bọ gậy
Ôm bé gái nhỏ chừng 4 tuổi trong tay, chị Nguyễn Thu Trang*, ngõ 121 Kim Ngưu, phường Thanh Lương, mệt mỏi dường như không thể còn sức chịu đựng vì từ ngày 31/7 đến nay, lần lượt con trai, chồng, cháu chị bị mắc sốt xuất huyết. Cứ hết người này bị rồi người khác lại bị.
Khi nhà có 3 người mắc sốt xuất huyết thì chị Trang đã báo cáo với tổ dân phố, đề nghị được phun hóa chất nhưng Tổ trưởng Tổ dân phố cho biết: Quy định là nhà có 3 người mắc bệnh và phải nằm viện mới được phun. Biết là cấp cơ sở triển khai chống dịch sai lè lè nhưng chị Trang vẫn không nói lại được.
Ức quá, chị Trang đành phải cậy nhờ đến mối quan hệ để tác động xuống phường, để được phun hóa chất diệt muỗi. Nhưng vấn đề mà chị Trang lo ngại nhất là diệt bọ gậy, tuy gia đình cũng đã tự tổng vệ sinh nhưng e rằng vẫn còn ổ bọ gậy ở đâu đó vì muỗi sốt xuất huyết có thể sinh sản ở những nơi rất khó lường như khay nước tủ lạnh hoặc điều hòa nhiệt độ...
"Nghe nói Hà Nội đã thành lập các đội xung kích, rồi tổ giám sát diệt bọ gậy nhưng tuyệt nhiên tôi chẳng thấy ai đến hỗ trợ. Trong khi tôi rất rất mong có cán bộ y tế phường hay người có chuyên môn đến kiểm tra giùm ổ bọ gậy, vì hôm kia, một bé cháu khác sống cùng vợ chồng tôi lại bị sốt xuất huyết", chị Trang nói như sắp khóc.
Hiện tại, chị Trang rất lo cho sức khỏe của cô con gái mới 4 tuổi và mẹ đẻ sống cùng mắc bệnh tiểu đường, những đối tượng có sức đề kháng kém, dễ trầm trọng nếu bị muỗi sốt xuất huyết "hỏi thăm". Vậy nên, chị chỉ mong được cán bộ y tế sớm đến kiểm tra, chứ nếu thêm một người trong nhà mắc sốt xuất huyết hay ai đó bị tái phát có lẽ chị Trang sẽ khụy mất, không thể còn sức để chăm sóc người thân.
Khác với khu vực chị Trang cư ngụ, tại phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, các đội xung kích đã bắt đầu khởi động. Tuy nhiên, thực tế các thành viên đội xung kích vẫn rất thiếu kinh nghiệm trong việc tìm, diệt bọ gậy.
Chính vì vậy, dù mới được thành viên đội xung kích "ghé thăm" hỗ trợ, nhưng khi giám sát nhà dân ở phường Thụy Khuê, các chuyên gia Viện Sốt rét ký sinh trùng Trung ương vẫn phát hiện tới 5 ổ bọ gậy, trong đó tới 4 ổ chứa muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Các chuyên gia y tế lo ngại cho biết, chỉ 1 - 2 ngày tới là những ổ bọ gậy này sẽ nở thành muỗi trưởng thành và gây bệnh cho cộng đồng.
Trước thực tế này, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, đã lên tiếng, đề nghị Hà Nội sớm chấn chỉnh hoạt động của các đội xung kích diệt bọ gậy, vẫn phát hiện bọ gậy tại những nơi đã kiểm tra, giám sát thể hiện hoạt động chưa hiệu quả, chưa đạt yêu cầu.
Thiếu tập huấn chuyên môn
Phân bố ổ bọ gậy nguồn Ae. Albopictus tại Hà Nội 2017. |
Theo quy định của Sở Y tế Hà Nội, mỗi đội xung kích (2 - 3 người) sẽ phụ trách từ 30 - 50 hộ gia đình. Tiêu chí là có sức khỏe, có tinh thần trách nhiệm, thông thạo địa bàn, được tập huấn và có kỹ năng hướng dẫn người dân tìm bọ gậy, diệt bọ gậy, diệt muỗi... Trường hợp có ổ dịch sốt xuất huyết, mỗi thành viên đội xung kích được hỗ trợ 100.000 đồng/ngày.
Nhưng thực tế giám sát, việc thành lập các đội xung kích ở cấp cơ sở khác hẳn so với quy định. Nhiều nơi do các bác Tổ trưởng, Tổ phó đã cao tuổi, sức yếu làm Tổ trưởng. Không ít đội thay vì phụ trách 30 - 50 hộ thì được giao phụ trách lên tới 100, thậm chí 190 hộ/đội... Do ngày 1/8 thành phố Hà Nội cũng mới có quyết định thành lập các đội xung kích nên việc tập huấn cũng chưa được bài bản, các thành viên đội xung kích chủ yếu chỉ đảm nhiệm được khâu phát tờ rơi, hướng dẫn về lý thuyết cho người dân tìm bọ gậy ở một số vị trí thường gặp... chứ thực bản thân họ cũng ít tìm được ổ bọ gậy sốt xuất huyết nào.
Theo ông Đào Đắc Hùng, Tổ trưởng tổ dân phố 48, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Đội xung kích diệt bọ gậy do ông làm đội trưởng mới thành lập khoảng cuối tháng 7/2017, y tế phường cũng gọi lên tập trung thông báo nhưng chủ yếu là lấy cá, lấy tờ rơi... về phát cho dân, chứ chưa được tập huấn bài bản. Mà tờ rơi thì người dân vứt đi ngay, chẳng mấy ai xem.
Mới đây, ông Hùng cũng mới nhận được công văn chính thức thành lập đội và nhận vợt muỗi, đèn pin để đến từng nhà tìm ổ lăng quăng nhưng chủ yếu là hướng dẫn người dân phòng muỗi đốt, thường xuyên thay nước trong bình hoa... Đến nay, đội xung kích của ông Hùng vẫn chưa bắt được một ổ bọ gậy nào.
"Tham gia công tác dân phố hơn 30 năm nay, từng tham gia nhiều lần chống dịch nên tôi biết, nếu một địa phương có dịch mà chủ động triển khai phòng chống tại các địa phương khác thì dịch đâu có nóng. Đằng này, cứ lừng khừng, để đến khi hình thành ổ dịch, rồi mới phun hóa chất thì rất khó, đó là chưa nói đến các hoạt động phun hóa chất chưa triệt để, thiếu trang thiết bị, đến nỗi Hà Nội là đàn anh mà phải nhờ đến sự hỗ trợ về máy móc của nhiều địa phương khác", ông Đào Đắc Hùng chia sẻ.
Trao đổi về những khó khăn trong quá trình tham gia phòng chống sốt xuất huyết tại cộng đồng, ông Hùng cho biết, đến nay, tổ 48 ghi nhận khoảng 10 người mắc bệnh qua báo cáo. Nhưng thực tế, con số thực cao hơn vì nhiều người ốm nằm trong nhà nên Tổ trưởng chẳng thể hay biết.
Mà việc đề nghị phun hóa chất cho dân cũng phải qua nhiều cấp, mất thời gian. Tức là người dân báo tổ, tổ báo phường, phường báo quận và trong lúc đó thì người dân ngồi chờ.
"Lẽ ra khi có ổ dịch, người dân yêu cầu phun thì cần khẩn trương phun ngay nhưng thực tế thì không được như vậy. Nhiều khi người dân đến hỏi khi nào được phun, tôi chỉ biết động viên bà con tổng vệ sinh, chịu khó mua bình xịt về để diệt muỗi, tự bảo vệ mình trước. Do đó, tôi kiến nghị các cấp cần phải triển khai công tác chống dịch nhanh hơn nữa, tránh tình trạng chờ mãi mà không thấy ai đến phun hóa chất cho bà con", ông Đào Đắc Hùng nhấn mạnh.
Trao đổi riêng với phóng viên báo Tin Tức, một thành viên trong đoàn giám sát sốt xuất huyết của Bộ Y tế khẳng định, không chỉ đơn thuần là vấn đề người dân, các đội xung kích còn lúng túng, chưa được hướng dẫn cách phát hiện ổ bọ gậy và cách xử lý triệt để, công tác phòng chống sốt xuất huyết ở Hà Nội còn bất cập ở các khâu như: Dự báo dịch yếu, chưa chuẩn bị nhân lực, trang thiết bị chống dịch; truyền thông, tập huấn không cụ thể, chung chung, xử lý phun hóa chất hời hợt, đặc biệt là không giám sát và đánh giá.
* Tên nhân vật đã được thay đổi