Hà Nội bùng phát sốt xuất huyết - Bài 1: 'Xì tiền' mới được phun hóa chất triệt để

Diệt bọ gậy song song với phun hóa chất diệt muỗi là 2 giải pháp quan trọng nhất trong phòng chống dịch sốt xuất huyết. Ấy thế nhưng, nhiều người dân Hà Nội đã phải "biếu tiền" kỹ thuật viên thì ổ dịch mới được phun hóa chất triệt để.

Phun hóa chất diệt muỗi cần phải thực hiện đúng quy trình để tránh nguy cơ muỗi kháng thuốc, đảm bảo hiệu quả phòng chống dịch cho cộng đồng. Ảnh: TD

Phát hoảng với thông báo: Chỉ được phun ở tầng một


Đến thời điểm này, Hà Nội đã ghi nhận khoảng 19.000 ca sốt xuất huyết, trong đó 7 ca tử vong. Theo lãnh đạo Sở Y tế thì tuần qua, dịch đã giảm nhẹ, có dấu hiệu đi ngang nhưng vẫn ở mức cao là 3.524 ca/tuần.


Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên báo Tin Tức, số mắc trong cộng đồng chắc chắn còn cao hơn con số mà ngành y tế Hà Nội ghi nhận rất nhiều. Thực tế, rất nhiều bệnh nhân không khai báo, tự điều trị tại nhà và chỉ khi bệnh nặng, mệt mỏi thì họ mới tìm đến điều trị tại các bệnh viện.


Điều mà chúng tôi lo ngại hơn cả là nhiều gia đình có đến 2 - 3 người, thậm chí đến 4 người trong một gia đình mắc sốt xuất huyết nhưng việc giám sát, xử lý ổ dịch, từ việc khai báo, ghi nhận ca bệnh, đến phun thuốc, hướng dẫn người dân xử lý bọ gậy và công tác tuyên truyền tại nhiều địa phương vẫn bộc lộ những bất cập, dễ tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh.


Hoảng nhất là Phường Láng Thượng có hẳn một thông báo về việc phun hóa chất diệt muỗi chống dịch sốt xuất huyết cho toàn phường với những quy định chẳng giống ai. Đó là, "Hộ gia đình (nhà riêng) chỉ phun ở tầng 1 và hướng vòi phun lên tầng 2; Chung cư cũ phun từ tầng 5 trở xuống; Chung cư mới xây dựng phun từ tầng 3 trở xuống...".

UBND Phường Láng Thượng đã ban hành một văn bản phun hóa chất sai chuyên môn, không hiệu quả trong công tác phòng dịch.

Để tìm hiểu thực hư vấn đề, chúng tôi đã tìm gặp chị Trần Huyền My, ngõ Chùa Nền, phường Láng Thượng. Chị Huyền My xác nhận sự việc và cho biết bản thân cũng rất bức xúc về quyết định nêu trên.


"Tôi rất lo vì chị giúp việc đã mắc sốt xuất huyết, xung quanh hàng xóm cũng có nhiều người mắc bệnh. Thế nhưng, khi đến phun hóa chất diệt muỗi thì kỹ thuật viên chỉ phun tầng 1, gia đình tôi phải níu lại, bồi dưỡng 200.000 đồng thì anh ta mới phun nốt các tầng còn lại của ngôi nhà", chị Huyền My cho biết.


Đáng nói, sau đó, bác Tổ trưởng dân phố ngõ Chùa Nền khẳng định cách phun đó là làm đúng theo quy định của Phường Láng Thượng. Ngạc nhiên, lục tìm lại tờ thông báo phun thuốc diệt muỗi của Phường, gia đình chị My mới tá hỏa, hóa ra đúng có quy định tréo ngoe nêu trên.


Diệt muỗi kiểu phong trào


Tiếp tục tìm hiểu công tác phun hóa chất chống dịch sốt xuất huyết tại phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, chị Nguyễn Hải Anh, chủ một tiệm cắt tóc trong ngõ Tự do cho biết: "Ở đây, bệnh nhân sốt xuất huyết nhiều lắm. Ngay tôi cũng mới bị sốt xuất huyết, 2 nhân viên của tôi cũng mắc. Nhưng việc phun hóa chất cũng qua loa, hình thức lắm".


Chị Hải Anh chia sẻ, nhiều hộ gia đình xung quanh đều có bệnh nhân sốt xuất huyết nên khi bị sốt với những triệu chứng đã được cảnh báo, chị vội gọi cho một cơ sơ y tế tư nhân đến xét nghiệm máu. Kết quả sau đó dù là dương tính nhưng chị Hải Anh vẫn cố điều trị tại nhà vì quá sợ cảnh quá tải bệnh viện. Chỉ đến khi tiểu cầu giảm đến mức báo động và người mệt mỏi hơn, chị Hải Anh mới đến cơ sở y tế để truyền nước.


Riêng 2 nhân viên nam tại cửa hàng, một bạn đi xét nghiệm cũng cho kết quả dương tính, một bạn tuy không xét nghiệm nhưng chắc chắn mắc sốt xuất huyết vì có các triệu chứng như: Nổi ban dưới da, sốt lúc nóng, lúc lạnh, nhức đầu và rất đau cơ. Cả 2 nhân viên này đều tự điều trị, không báo với địa phương.


"Khi biết mình mắc sốt xuất huyết, tôi đã báo với Tổ trưởng tổ dân phố . Y tế phường sau đó cũng cử người đến phun hóa chất diệt muỗi. Nhưng nhà có đến 4 tầng mà họ chỉ phun mỗi tầng 1. Tôi buộc phải "biếu" nhân viên đi phun hóa chất 100. 000 đồng để anh ta phun nốt cho các tầng còn lại", chị Hải Anh cho biết.


Nhân đang bức xúc về chuyện phun hóa chất diệt muỗi không triệt để, chị Hải Anh cho biết: "Cụ ông gần 90 tuổi nhà bên cạnh còn suýt chết vì vụ phun hóa chất diệt muỗi".

Gia chủ phải nhắc nhiều lần, kỹ thuật viên mới phun hóa chất vào khoảng trống nhiều muỗi sau nhà. Ảnh: Phương Liên

Để mục sở thị, tôi nhờ chị Hải Anh dẫn sang nhà căn nhà bên cạnh, gặp chủ nhà là ông Nguyễn Văn Bảo, 88 tuổi, ngõ Tự do, phường Đồng Tâm.


Vẫn còn hãi vì tưởng không qua khỏi sau khi hít phải hóa chất diệt muỗi, ông Bảo chia sẻ: "Bên nhà tôi có 3 người mắc sốt xuất huyết gồm 1 cháu bé gần 6 tuổi và hai nhân viên . Tuy nhiên gia đình không báo cáo cụ thể với tổ dân phố về việc này".


Hôm đó, tiện thấy có người phun hóa chất diệt muỗi ở xóm bên cạnh, nên gia đình ông Bảo mới nhờ vào phun. Tuy nhiên, thay vì người già phải tránh xa thì ông Bảo phải đứng cùng nhân viên phun thuốc để "chỉ đạo" để đảm bảo phun hóa chất đúng nơi chứa nhiều muỗi.


Dẫn tôi đến cuối căn nhà, rồi lấy khóa mở chiếc cửa nhỏ đi ra khoảng trống chỉ chừng hơn 40 cm chạy theo bề ngang nhà, ông Bảo cho biết, đó vốn là một đường cống nên tuy đã bịt kín nhưng vẫn ẩm ướt, nhiều muỗi, gián.


"Dù đã trao đổi nhưng thấy kỹ thuật viên đi phun chỉ định đứng từ ngoài cửa phòng để phun vào khu bếp, không phun vào cái ngách nhỏ đó nên tôi phải đứng cùng để đôn đốc. Trong lúc chạy qua chạy lại để mở rồi đóng cửa ngăn với ngách nhỏ đó nên tôi đã hít phải hóa chất và lên cơn khó thở tưởng như không qua nổi", ông Nguyễn Văn Bảo cho biết.


Theo ông Bảo, so với những năm 1978 - 1980, việc phun hóa chất giờ không cẩn thận, hiệu quả bằng. Trước đây, mỗi khi phun hóa chất đều cán bộ y tế đều đi cùng, hướng dẫn cách phun, tập trung vào đâu nhiều muỗi nhất để đạt hiệu quả diệt muỗi cao. Nhưng hiện tại, việc phun hóa chất như kiểu phong trào, làm cho có; đến mức người dân không yên tâm, buộc phải làm thay công việc chỉ đạo của cán bộ y tế.


Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, một chuyên gia y tế đầu ngành về dự phòng cho biết, việc phun hóa diệt muỗi nhưng giới hạn ở tầng 1 như đã triển khai ở một số địa phương, đặc biệt như thông báo của UBND phường Láng Thượng cho toàn phường là không đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Cách phun hóa chất kiểu "nửa chừng xuân" này không thể đạt hiệu quả mong đợi, thậm chí còn có thể gây nguy hại, gia tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.


Bởi dễ nhận thấy là nếu phun hóa chất ở tầng 1 nhưng có thể muỗi bay lên hoặc vẫn còn ở tầng 2 - 3, thậm chí còn nhiều ở tầng thượng là nơi các hộ dân vẫn thường trồng cây cảnh, đây cũng là địa điểm trú ngụ lý tưởng của cả muỗi và bọ gậy truyền bệnh. Trong trường hợp này, những thành viên khác trong gia đình hoặc cộng đồng rất dễ mắc bệnh do muỗi vằn vẫn lẩn quất ở những tầng còn lại của ngôi nhà.


Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đối với nhà chung cư, nhà ở có nhiều tầng, nhiều phòng cần phun tất cả các phòng, các góc, cầu thang, sân thượng... với nguyên tắc phun từ tầng trên xuống tầng dưới, từ trong ra ngoài bằng cách đi giật lùi hết phòng này qua phòng khác. Khi di chuyển từ phòng này sang phòng kia giữ đầu vòi hướng lên trên để phần còn lại của thuốc được phát tán ra khu vực. Không chĩa đầu vòi xuống đất.


*Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi


Phương Liên/Báo Tin Tức
Làm gì khi trong nhà có người bị sốt xuất huyết?
Làm gì khi trong nhà có người bị sốt xuất huyết?

Nhiều người khi thấy người thân, bạn bè bị mắc sốt xuất huyết thì có tâm lý rất lo sợ bị lây bệnh. Cần phải hiểu rõ đường lây truyền của bệnh để xử trí và tránh bị lây khi trong nhà có người bị mắc sốt xuất huyết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN