Giảm nguy cơ cháy tại chung cư cao tầng

Theo Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC-Bộ Công an), hiện số lượng chung cư cao tầng trong cả nước gần 3.600 tòa nhà, mặc dù công tác kiểm tra PCCC của lực lượng tại chỗ diễn ra thường xuyên, nhưng việc bảo đảm an toàn PCCC cho công trình chỉ được phát hiện khi các cơ quan chức năng kiểm tra định kỳ hoặc khi sự cố đã xảy ra.

Nguyên nhân gây mất an toàn PCCC

Thực tế tại các đô thị lớn hiện nay, nhiều chung cư cao tầng có lắp đặt hệ thống PCCC, nhưng công tác vận hành, bảo trì, bảo dưỡng còn mang tính hình thức. Vì vậy, tại nhiều công trình dù được trang bị đầy đủ các thiết bị PCCC, nhưng khi xảy ra sự cố lại không sử dụng được.

Bên cạnh đó, kiến thức và kỹ năng xử lý tình huống ứng phó với sự cố cháy nổ của người dân hạn chế, hầu hết thường hoảng loạn, mất bình tĩnh dẫn tới nhiều hậu quả đáng tiếc. Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, hầu hết các chung cư hiện nay không bảo đảm an toàn PCCC. Trong đó, lỗi ở các chung cư mới thường gặp là không bảo đảm yêu cầu về lối thoát nạn. 

Do có kết cấu gồm khối đế và khối cao tầng với nhiều loại công năng kết hợp như văn phòng, trung tâm thương mại, nhà trẻ, lớp học, dịch vụ ăn uống, giải trí, gara... nên các nhà cao tầng càng nhiều công năng thì nguy cơ cháy nổ càng lớn, càng tiềm ẩn nguy cơ gây thiệt hại lớn về người và tài sản khi có cháy. Bên cạnh đó, nhiều chủ đầu tư chạy theo lợi nhuận và tăng diện tích sàn bán; thiết kế mật độ dày đặc căn hộ trên một tầng nhà, dẫn đến nguy hiểm khi có sự cố và mất cân đối khi sử dụng tiện nghi của tòa nhà.

Chú thích ảnh
Diễn tập PCCC nhà chung cư. Ảnh: TTXVN.

Trong quy chuẩn QCVN 06/2020/BXD của Bộ Xây dựng quy định rõ, việc thiết kế thang bộ thoát nạn của chung cư cao tầng có chiều cao trên 28 m phải có ít nhất 1 thang bộ tiếp xúc trực tiếp với không gian bên ngoài nhà. Tuy nhiên, đa phần các tòa nhà có xu hướng bố trí hệ thống thang theo kiểu tiết kiệm diện tích, nên thường đặt trong không gian lõi, nhằm tạo điều kiện tối đa thiết kế các căn hộ hướng ra mặt tiền. Vì vậy,  nhiều trường hợp thang thoát nạn bị vây kín, thiếu không khí và ánh sáng tự nhiên. Trường hợp có cháy xảy ra trong nhà cao tầng, thường gây nên hậu quả nghiêm trọng cho người sử dụng.

Hiện tại, các chung cư cao tầng thường được bố trí nhiều hệ thống kỹ thuật như: Trạm biến áp, máy phát điện, hệ thống cấp thoát nước... Do đó, chỉ cần gặp sự cố hoặc sử dụng không đúng quy trình PCCC là có thể gây mất an toàn về PCCC.

Chưa kể, hàng loạt chung cư hiện nay đã qua sử dụng nhiều năm, hệ thống thiết bị PCCC được trang bị đã xuống cấp, không được bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời hoặc chủ đầu tư đã bán hết các căn hộ, nên không quản lý, không có kinh phí cho hoạt động PCCC. Thực tế này khiến các phương án chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn gặp nhiều khó khăn, người dân không được phổ biến, hướng dẫn ứng phó thoát nạn thường xuyên khi có sự cố xảy ra...

Ngoài ra, do thực tế phát triển của ngành Xây dựng trong những năm gần đây, một số công trình được đầu tư xây dựng trên 150 m, nhiều hơn 3 tầng hầm đã hoặc đang chuẩn bị đầu tư xây dựng chưa có quy định cụ thể về PCCC; các công trình nhà ở riêng lẻ, đặc biệt là nhà ở riêng lẻ kết hợp các mục đích sử dụng khác không thuộc phạm vi áp dụng của các quy chuẩn hiện hành và chưa có các tiêu chuẩn phù hợp. 

Quy chuẩn quốc gia về PCCC

Sau hàng loạt sự cố PCCC tại các dự án nhà chung cư cao tầng, Bộ Xây dựng đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình (ban hành kèm theo Thông tư 02/2021/TT-BXD ngày 19/5/2021). Quy chuẩn này quy định các yêu cầu chung về an toàn cháy cho gian phòng, nhà và các công trình xây dựng (gọi chung là nhà) và bắt buộc áp dụng trong tất cả các giai đoạn xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa hay thay đổi công năng; đồng thời, quy định phân loại kỹ thuật về cháy cho các nhà, phần và bộ phận của nhà, cho các gian phòng, cấu kiện xây dựng và vật liệu xây dựng.

Khi thiết kế và xây dựng nhà và công trình, ngoài việc tuân thủ quy chuẩn này, còn phải tuân thủ các quy chuẩn và bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật bắt buộc khác theo quy định của pháp luật hiện hành, như: Quy hoạch, kiến trúc, kết cấu, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống điện, chống sét...

Tại hội thảo "PCCC cho công trình cao tầng-Thực trạng và giải pháp" do Bộ Xây dựng tổ chức ngày 17/12, các chuyên gia xây dựng cũng nêu nhiều giải pháp chủ động giảm nguy cơ mất an toàn cháy cho chung cư cao tầng hiện nay.

Đơn cử, đối với các công trình cao tầng thiết kế theo dạng khối kín, khi xảy ra sự cố cháy nổ, thì hành lang căn hộ và hệ thống cầu thang bộ là lối thoát nạn duy nhất giúp người dân thoát nạn. Vì vậy, khi thiết kế kiến trúc, lối hành lang phải thông thoáng gió và tận dụng ánh sáng tự nhiên, hệ thống cầu thang bộ thoát nạn phải bảo đảm theo quy định. 

Đối với các khu nhà chung cư cao tầng cần phân cách khoảng không thoát khí, thoát nạn, hạn chế cháy nổ theo cả chiều ngang và chiều cao của công trình cao tầng. Khuyến cáo tổ hợp công trình cao tầng nên chia thành nhiều hơn 2 khối, tạo khoảng hở trên cả phân vị đứng lẫn phân vị ngang, nhưng hạn chế không làm giếng trời trong lõi các tòa nhà. Đối với các công trình cao trên 100 m phải bố trí tầng lánh nạn, trên tầng lánh nạn phải bố trí gian lánh nạn bảo đảm các yêu cầu theo tiêu chuẩn. Khuyến khích việc bố trí giữa các sàn có công năng khác nhau như: Căn hộ ở-dịch vụ thương mại-ga ra ô tô thì có 1 tầng trống làm tầng lánh nạn.

Trong các công trình cao tầng thường bố trí với nhiều công năng khác nhau, do vậy phải tuân thủ các quy định của quy chuẩn, tiêu chuẩn khi thiết kế, bố trí các không gian hợp lý như: Nơi tập trung đông người (khối thương mại, hội trường, nhà trẻ mẫu giáo...) phải được bố trí ở tầng thấp để đảm bảo thoát nạn thuận lợi và nhanh chóng trong công tác cứu nạn...

Hiểm họa cháy nổ là nguy cơ tiềm ẩn ở tất cả mọi nơi, đặc biệt khi công trình chung cư là xu thế tất yếu tại các đô thị lớn. Bên cạnh những giải pháp trên, trách nhiệm của chủ đầu tư và ý thức của người dân trong công tác PCCC phải luôn đặt lên hàng đầu, quan trọng là phải hạn chế nguy cơ và khi xảy ra cháy nổ, phải thật bình tĩnh để xử lý an toàn sự cố.

Vân Sơn/Báo Tin tức
Đề nghị dừng hoạt động chung cư Monarchy (block B) do vi phạm phòng cháy chữa cháy
Đề nghị dừng hoạt động chung cư Monarchy (block B) do vi phạm phòng cháy chữa cháy

Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng Phùng Phú Phong cho biết, Sở vừa có công văn số 4109/SXD-TTS ngày 10/6/2021 gửi UBND thành phố Đà Nẵng về việc báo cáo một số nội dung liên quan đến dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng Monarchy (block B) do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà Đà Nẵng làm chủ đầu tư.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN