Giải quyết hiệu quả vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số

Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2023, đã giải quyết hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Chú thích ảnh
Giải quyết hiệu quả vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số. Ảnh minh họa: Hữu Quyết/TTXVN

Đây là kết quả được đưa ra tại Hội nghị đánh giá 3 năm thực hiện Dự án 8, do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lạng Sơn tổ chức chiều 11/1.

Tại Hội nghị, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lạng Sơn Nông Thanh Hải nhấn mạnh, với đặc thù là tỉnh miền núi, biên giới, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 83% dân số toàn tỉnh nên việc thực hiện Dự án 8 có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, tập trung giải quyết hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số, miền núi.

Dự án này còn giúp xóa bỏ các định kiến giới và khuôn mẫu giới trong gia đình, cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em; xây dựng mô hình nhằm đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, nhất là hỗ trợ phụ nữ tham gia trong hệ thống chính trị...

Từ nay đến năm 2025, các địa phương triển khai Dự án 8 phấn đấu thành lập mới 20 tổ truyền thông cộng đồng và duy trì hoạt động của 584 tổ này; hỗ trợ ít nhất 28 mô hình tổ, nhóm sinh kế có phụ nữ làm chủ hoặc đồng làm chủ (tổ, nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã) ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và kết nối thị trường. Đồng thời, các địa phương tiếp tục chỉ đạo và ra mắt 30 câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi đảm bảo đạt chỉ tiêu thành lập 101 câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi...

Để Dự án 8 được triển khai thông suốt và hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lạng Sơn đề nghị, các địa phương, đơn vị liên quan, Hội Phụ nữ các cấp cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” để xóa bỏ định kiến về giới; từng bước loại bỏ những tập tục văn hóa có hại. Các địa phương, cấp Hội hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo và làm giàu; đảm bảo tiếng nói và vai trò của phụ nữ, trẻ em trong các vấn đề kinh tế - xã hội; nâng cao năng lực cho cán bộ nữ dân tộc thiểu số để họ tham gia vào hệ thống chính trị...

Dự án 8 được thực hiện tại 88 xã, 664 thôn đặc biệt khó khăn ở 10/10 huyện của tỉnh Lạng Sơn. Sau 3 năm thực hiện Dự án (từ 2021-2023), toàn tỉnh đã thành lập mới và duy trì hoạt động của 584 tổ truyền thông cộng đồng, vượt 15% chỉ tiêu giao; củng cố, nâng cao chất lượng, thành lập mới, duy trì 170 tổ tiết kiệm vay vốn thôn bản; thành lập mới hơn 100 “Địa chỉ tin cậy”; thành lập trên 100 câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi. Dự án góp phần trang bị kiến thức về bình đẳng giới, giám sát, đánh giá về bình đẳng giới, kỹ năng lồng ghép giới cho trên 11.700 lượt người là cán bộ xã, thôn, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo...

Vũ Văn Đạt (TTXVN)
Xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số
Xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số

Tỉnh Sóc Trăng có trên 35% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó, dân tộc Khmer chiếm trên 30%. Giai đoạn 2016 - 2023, tỉnh có hơn 2.500 lao động làm việc có thời hạn ở nước ngoài, bình quân mỗi năm có trên 400 người xuất khẩu lao động. Tỉnh Sóc Trăng đang đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động, phát triển về số lượng, chất lượng và thị trường lao động, góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững ở vùng dân tộc thiểu số.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN