Phú Thọ: Giảm tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số

Theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn, cụ thể là nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên. Tuy nhiên, xuất phát từ quan điểm, tập quán lạc hậu, coi việc lấy vợ, lấy chồng cho con sớm là để nhà có thêm người làm, người lao động, hay chỉ đơn thuần từ suy nghĩ tuổi trẻ thì đẻ con sẽ khỏe mạnh hơn… nên tình trạng tảo hôn ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Phú Thọ vẫn xảy ra.

Chú thích ảnh
Trung bình một năm trên địa bàn huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ có đến 20 cặp vợ chồng tảo hôn. Ảnh: TTXVN

Thực tế tại địa phương

Vừ Thị G (sinh năm 2007, dân tộc Mông quê ở huyện Văn Chấn, Yên Bái) gặp Sùng A Dinh (ở Mỹ Á, xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn, Phú Thọ) trong một lần Dinh tới bản chơi. Năm 2022, G “theo chồng” về bản sinh sống, kết quả là con gái nhỏ ra đời khi G mới 16 tuổi.

Cháu Chảo Thị Sênh, ở khu Mỹ Á, xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn năm nay mới 15 tuổi nhưng lấy chồng đã hơn một năm. Cũng có lúc Sênh ước thời gian quay ngược trở lại để được đến trường cùng các bạn. Sênh chia sẻ, em lấy chồng sớm, có con sớm nên kinh tế gia đình rất khó khăn.

Trước năm 2015, trung bình một năm trên địa bàn huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ có đến 20 cặp vợ chồng tảo hôn. Nguyên nhân do quan niệm lạc hậu trong hôn nhân, những hủ tục như hứa hôn vẫn còn tồn tại cùng các quan niệm mang tính duy tâm đã dẫn đến nhiều gia đình dựng vợ, gả chồng cho con em mình khi chưa đến tuổi kết hôn.

Nhiều trường hợp có vợ, có chồng sớm với tâm lý để có thêm người lao động trong gia đình. Sự thiếu hiểu biết do trình độ học vấn thấp cùng nhiều yếu tố khác đã dẫn đến tình trạng tảo hôn. Cũng có gia đình buông lỏng quản lý con cái nên dẫn tới tình trạng mang thai ngoài ý muốn phải nghỉ học dẫn đến tảo hôn.

Theo ông Trần Khắc Thăng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn, huyện có dân số trên 88 nghìn người, trong đó 32 dân tộc, dân tộc thiểu số chiếm 83,5%. Nhờ sự chung tay, góp sức của chính quyền và các tổ chức đoàn thể, những năm gần đây, nhận thức của bà con đã thay đổi rõ rệt, nạn tảo hôn đã giảm.

Từ năm 2021 đến hết tháng 6/2023, tổng số cặp kết hôn trên địa bàn huyện là 1.392 cặp; có 9 cặp tảo hôn, chiếm 0,7%, giảm 5 cặp so với giai đoạn 2019 - 2020. Chủ yếu là tảo hôn ở nữ giới với lứa tuổi tảo hôn từ 16 đến dưới 18 tuổi.

Nỗ lực toàn tỉnh

Ông Cầm Hà Chung, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Phú Thọ cho biết, Đề án ”Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025" nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của xã hội, cộng đồng và người dân vùng dân tộc thiểu số trong thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình. Qua đó tạo sự đồng thuận trong xã hội, thay đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số nhằm ngăn ngừa tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số.

Thực hiện đề án, từ năm 2021 đến tháng 6/2023, tỉnh đã tổ chức 17 hội nghị với trên 2.100 lượt người tham gia, trong đó đã tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số, cán bộ cơ sở tham gia tuyên truyền; các tổ chức đoàn thể; già làng, Bí thư Chi bộ, trưởng khu, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số và nhân dân vùng dân tộc thiểu số về pháp luật dân số, Luật Hôn nhân và Gia đình.

Tỉnh Phú Thọ đưa các nội dung giáo dục giới tính, các quy định pháp luật về hôn nhân và gia đình; tác hại, hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để tuyên truyền, giáo dục trong các trường Trung học Phổ thông và trường Dân tộc nội trú nhằm nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật về hôn nhân và gia đình cho học sinh, đặc biệt là học sinh người dân tộc thiểu số.

Nhờ nỗ lực triển khai các giải pháp, nhận thức của đồng bào đã có sự chuyển biến rõ rệt, nhận thức được những hệ luỵ, tác hại của việc cho con em kết hôn khi chưa đủ tuổi nên tình trạng hôn nhân cận huyến thống đã không còn, tảo hôn đã giảm đáng kể.

Số liệu từ Ban Dân tộc tỉnh Phú Thọ, tỉnh có 50 dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 17,15%, đông nhất là dân tộc Mường 14,92%. Qua điều tra, tại thời điểm năm 2019, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh, hôn nhân cận huyết thống là 0,13%. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có 16 cặp tảo hôn, tập trung là hai huyện Thanh Sơn và Tân Sơn; trong đó, huyện Tân Sơn có 9 cặp, huyện Thanh Sơn 7 cặp. Các huyện Đoan Hùng, Thanh Thủy, Yên Lập từ năm 2021 đến nay không còn tình trạng tảo hôn.

Theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2025, tỉnh Phú Thọ sẽ giảm bình quân 2% - 3%/năm số cặp tảo hôn đối với các địa bàn, dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn cao; đến năm 2025, phấn đấu ngăn chặn, hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động, tư vấn để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của đồng bào dân tộc thiểu số trong hôn nhân, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; biên soạn, cung cấp thông tin, tài liệu, sản phẩm tuyên truyền về hôn nhân và ngăn ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tham gia thực hiện đề án…

Đào An (TTXVN)
Giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số
Giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số

Lai Châu là tỉnh biên giới với gần 85% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Tỉnh đã triển khai các giải pháp nhằm từng bước giảm thiểu tình trạng tảo hôn và xóa bỏ hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN