Ngăn chặn nạn tảo hôn ở vùng cao: Cần sự chung tay của toàn xã hội

Tảo hôn là vấn nạn xã hội, vi phạm pháp luật, kéo theo nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội, là lực cản sự phát triển kinh tế, xã hội và chất lượng dân số. Để ngăn chặn vấn nạn này, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.  

Một trong những mục tiêu của Dự án 9 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 là chuyển đổi nhận thức, hành vi trong hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là nhóm các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù.

Nhiều năm qua, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang kéo theo nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội, là lực cản sự phát triển kinh tế, xã hội và chất lượng dân số.

Tại Hà Giang, thực trạng này đã xuất hiện từ lâu do quan niệm, tập quán lạc hậu, song gần đây lại có trường hợp xuất phát từ nhận thức chưa đúng đắn của một số bạn trẻ vùng cao.

Chú thích ảnh
Em S.T.S (Chiến Phố, Hoàng Su Phì, Hà Giang) lấy chồng, sinh con khi mới 16 tuổi. Ảnh: Nam Thái/TTXVN.

Tảo hôn giảm, song chưa đáng kể

Được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, các cơ quan, ban ngành từ Trung ương tới địa phương; nhiều chỉ đạo, phương án, giải pháp được đưa ra để kéo giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Nhờ đó, nhận thức của đồng bào đã có sự chuyển biến rõ rệt, nhận thức được những hệ luỵ, tác hại của kết hôn khi chưa đủ tuổi.

Ở một số địa phương, tình trạng tảo hôn mặc dù có giảm song chưa đáng kể, nguyên nhân xuất phát từ nhận thức chưa đúng đắn của một số bạn trẻ ở vùng cao.

Hoàng Su Phì (Hà Giang) là huyện có đông đồng bào dân tộc cùng sinh sống, trong những năm qua, tình hình tảo hôn có xu hướng giảm, nhưng vẫn còn xảy ra.

Ông Bùi Thanh Hưởng, Trưởng phòng Dân tộc huyện cho biết, trong năm 2021, huyện có 39 cặp tảo hôn, đến năm 2022 giảm còn 29 cặp, trong 6 tháng đầu năm 2023 có 12 cặp.

Trước đây, theo phong tục tập quán, việc tảo hôn, hôn nhận cận huyết phần lớn là do cha mẹ cưỡng ép, tuy nhiên hiện nay nhiều trường hợp là do các em tự đến với nhau, có tình cảm với nhau sớm, quan hệ sớm, dẫn tới tình trạng phải cưới khi chưa đủ tuổi theo quy định.

Theo ông Bùi Thanh Hưởng, thực tế này có phần tác động của công nghệ thông tin, mạng xã hội phát triển mạnh... ảnh hưởng nhiều tới thanh thiếu niên. Các cháu chủ động tìm hiểu, yêu đương và sống cùng nhau; nhiều trường hợp bố mẹ không muốn, nhưng vẫn phải cho cưới vì lỡ có thai...

Chú thích ảnh
Làm mẹ quá sớm khiến các em có thể gặp các nguy cơ về sức khỏe và tâm lý. Ảnh: Nam Thái/TTXVN.

Bác sĩ Lèng Thị Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Hoàng Su Phì cho rằng: Các bà mẹ sinh con khi còn quá trẻ thì sẽ gặp nhiều nguy cơ, gây tổn hại cả về tâm lý lẫn sức khoẻ. Do suy nghĩ chưa chín chắn, nên dễ dẫn tới trầm cảm, bị các bạn cùng lứa tuổi xa lánh, bỏ rơi, đặc biệt là kiến thức làm mẹ, kiến thức nuôi con cũng chưa có. Từ đó, các em bé sẽ dễ bị mắc các bệnh về đường hô hấp, đường tiêu hóa, suy dinh dưỡng, những trường hợp nặng có thể dẫn tới tỷ lệ tử vong cao...

Bác sĩ Lèng Thị Hương thông tin, trong năm 2022, có trên 90 trường hợp là các bà mẹ trẻ, chưa đủ tuổi kết hôn đã sinh con; trong 6 tháng đầu năm 2023, số này là trên 50 ca. Trẻ được sinh ra từ các cặp tảo hôn thường dễ bị mắc các bệnh dị tật bẩm sinh, suy dinh dưỡng, tỷ lệ tử vong sơ sinh cũng rất cao.

 Ngăn chặn tảo hôn và hôn nhân cận huyết 

Tảo hôn là vấn nạn xã hội, vi phạm pháp luật, kéo theo nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội, là lực cản sự phát triển kinh tế, xã hội và chất lượng dân số. Để ngăn chặn vấn nạn này cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Chú thích ảnh
Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật thông qua các phiên toà giả định. Ảnh: Nam Thái/TTXVN

Trưởng phòng Dân tộc huyện Hoàng Su Phì Bùi Thanh Hưởng cho biết, Phòng được UBND huyện giao là cơ quan chủ trì Đề án giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn huyện. Hiện nay, gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, với trách nhiệm của cơ quan chủ trì, Phòng đã tham mưu cho UBND huyện hằng năm ban hành kế hoạch để thực hiện với nhiều giải pháp, trong đó chủ yếu là công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật.

Năm 2023, Phòng Dân tộc đã tham mưu cho UBND huyện ban hành kế hoạch cụ thể đến các cơ quan, ban, ngành, có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Một số cơ quan chủ lực trong đó có Phòng Tư pháp tổ chức tập huấn, hướng dẫn việc xử lý vi phạm hành chính, nếu đủ yếu tố thì chuyển cơ quan chức năng xem xét xử lý hình sự. Huyện Đoàn chủ trì, xây dựng chương trình sân khấu hóa, phiên toà giả định, tuyên truyền ở trường học, các buổi chợ phiên, tạo được tính tích cực, lan toả cao...

Phó Bí thư Huyện đoàn Hoàng Su Phì, bà Nguyễn Thị Minh Mùi, cho biết: Đoàn Thanh niên huyện xác định vấn đề phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết là một trong những nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu niên.

Từ năm 2021, Ban Thường vụ Huyện đoàn đã triển khai các chương trình cụ thể như tổ chức hội thảo, xây dựng các phóng sự truyền thông từ chính những nhân vật là nạn nhân của tảo hôn và hôn nhân cận huyết để từ đó tuyên truyền, giáo dục, giúp các bạn trẻ nhận thức được hậu quả của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết.

Ban Thường vụ Huyện đoàn còn phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức các buổi tuyên truyền về phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết bằng các hình thức như xây dựng phiên tòa giả định, vẽ tranh truyền thông, thi trực tuyến; 24/24 cơ sở Đoàn trên địa bàn thành lập các đội hình thanh niên xung kích tuyên truyền, vận động bà con xây dựng nếp sống văn minh, bài trừ các phong tục, hủ tục lạc hậu. Đoàn viên, thanh niên huyện Hoàng Su Phì hưởng ứng và ký cam kết không thực hiện hành vi tảo hôn và hôn nhân cận huyết.

Pháp luật đã có quy định rất rõ ràng trong việc xử lý tình trạng tảo hôn, cả về hành chính lẫn hình sự. Một số trường hợp tảo hôn do nhận thức chưa đầy đủ, phớt lờ quy định, nhưng cũng có không ít trường hợp, do thiếu hiểu biết về pháp luật mà “lỡ” sa chân. Do vậy, ngoài việc tuyên truyền, vận động, ngăn chặn vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết, rất cần sự chung tay, đồng hành, hỗ trợ của các ban ngành, đoàn thể và xã hội.

PV
Chăm lo người cao tuổi khi dân số 'bắt đầu già'
Chăm lo người cao tuổi khi dân số 'bắt đầu già'

Ngày 9/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Nghị quyết số 124/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2023. Theo đó, Chính phủ đã giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương nghiên cứu trình Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền giải quyết trợ cấp xã hội, hưu trí xã hội đối với người từ 75 đến 80 tuổi; nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN