Để đảm bảo công tác dạy nghề cho lao động nông thôn đạt hiệu quả, cần một số lượng lớn các giáo viên dạy nghề. Hiện toàn quốc thiếu khoảng 5.000 giáo viên. Nhiều giải pháp đang được gấp rút triển khai để khắc phục tình trạng này.
Thiếu giáo viên cơ hữu
Theo đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1956/QĐ- TTg, trong giai đoạn 1 (2009- 2010), sẽ triển khai thí điểm các mô hình đào tạo phù hợp cho các nhóm đối tượng lao động nông thôn, gồm lao động làm nông nghiệp (gồm cả lao động ở các vùng chuyên canh), lao động chuyển sang phi nông nghiệp ở nông thôn, lao động làm việc trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp, lao động làng nghề... với khoảng 50 nghề. Ông Dương Đức Lân, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, dự kiến, trong năm nay, đề án sẽ đào tạo khoảng 430.000 lao động ở các nhóm đối tượng.
Lớp dạy nghề may cho lao động nông thôn, dân tộc thiểu số của Trung tâm dạy nghề Sơn Dương (Tuyên Quang). Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN |
Để việc đào tạo nghề hiệu quả, theo quy định của đề án, ở mỗi trung tâm dạy nghề, với mỗi nghề phải có 1 giáo viên cơ hữu. Nhưng đánh giá của Tổng cục Dạy nghề cho thấy, hiện nay cán bộ làm công tác dạy nghề cấp huyện còn thiếu và yếu, chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm. Các trung tâm dạy nghề thiếu giáo viên cơ hữu. Việc bổ sung giáo viên còn chậm. Một minh chứng cho thấy là theo báo cáo tình hình thực hiện đề án tính đến hết tháng 9/2010, ở vùng đồng bằng sông Hồng, chỉ có 3/10 tỉnh là Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phúc đã bố trí đủ biên chế cho các trung tâm dạy nghề.
Lãnh đạo Vụ Giáo viên, Tổng cục Dạy nghề cho biết, cả nước hiện có khoảng hơn 800 trung tâm dạy nghề. Hiện nay, giáo viên ở mạng lưới các trường dạy nghề khoảng 29.500 người. Ngoài ra, còn có khoảng 16.000 giáo viên nằm ở các cơ sở khác có hoạt động dạy nghề ví dụ như ở các trường cao đẳng, đại học, các trung tâm hướng nghiệp, một số trung tâm việc làm... Ước tính, cả nước thiếu khoảng 5.000 giáo viên để đáp ứng nhu cầu dạy nghề theo đề án.
Ba giải pháp
Theo Tổng cục Dạy nghề, trong dạy nghề cho lao động nông thôn, có 2 mảng cần quan tâm là trình độ sơ cấp và trình độ dưới 3 tháng. Giáo viên dạy nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 gồm 2 dạng: Giáo viên chuẩn công tác ở các trung tâm, cơ sở dạy nghề và người dạy nghề (gồm cán bộ kỹ thuật, các nghệ nhân, nông dân giỏi... là những người có tay nghề cao, có tham gia dạy nghề).
Với 2 đối tượng này, hiện nay, để bổ sung lượng thiếu, Tổng cục đang triển khai nhiều hướng. Hướng thứ nhất là đào tạo bổ sung giáo viên đạt chuẩn cho các cơ sở dạy nghề còn thiếu. Tuy nhiên, thời gian chờ đào tạo bổ sung khá dài, không thể đáp ứng ngay được các yêu cầu của đề án. Một hướng khác là đón những học sinh đã tốt nghiệp trung cấp nghề, cao đẳng nghề có học lực loại khá, giỏi và có nguyện vọng làm giáo viên dạy nghề để đào tạo. Kinh phí để đào tạo đối tượng này sẽ lấy từ nguồn của Chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn kinh phí của Đề án 1956.
Một giải pháp khác, mất ít thời gian hơn là bồi dưỡng kỹ năng dạy học cho đối tượng là những người dạy nghề. Những người này đã có chuyên môn giỏi, chỉ cần đào tạo thêm kỹ năng sư phạm, sẽ có thể tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn. Trước mắt, trong năm nay, Tổng cục sẽ mở khoảng 63 lớp cho đối tượng này ở 63 tỉnh, thành phố. Tổng cục Dạy nghề đã gửi công văn cho các địa phương để thống kê nhu cầu các địa phương, đang tổng hợp, kinh phí đã phê duyệt và có kế hoạch để chuẩn bị triển khai. Mỗi tỉnh mở một lớp với 35 học viên, học trong 5 ngày, trang bị những kỹ năng dạy học cơ bản, để giúp họ có thể đứng lớp tự tin. Dự kiến, với hình thức này, Tổng cục sẽ đào tạo khoảng hơn 2.000 người dạy nghề đạt yêu cầu.
Với những cách làm đó, Tổng cục hy vọng trong năm nay có thể đáp ứng được gần một nửa số giáo viên đang thiếu.
Mạnh Minh