Đồng bằng sông Cửu Long “khát” nước

Do chịu tác động của xâm mặn và thời tiết khô hạn, người dân tại nhiều địa phương như Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang, Bến Tre... đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sản xuất và sinh hoạt ngày càng nghiêm trọng.


Căng thẳng nước ngọt


Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn tỉnh Cà Mau ghi nhận, độ mặn các sông trên địa bàn tỉnh hiện đã tăng cao hơn 1-3‰ so với cùng kỳ năm 2013 và dự báo độ mặn trên sông còn tiếp tục tăng vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5.


Khoảng 50 hộ dân đã tụ tập đòi phá cống tạm kênh Xáng Mới để dẫn nước vào nuôi tôm vùng ngọt hóa của huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.

 

Tại huyện U Minh, hầu hết các sông lớn như Cái Tàu, Biện Nhị đều bị xâm nhập mặn và lấn sâu vào nội đồng. Ông Phạm Văn Sóng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện U Minh lo lắng nói: “Tình hình khô hạn đang diễn biến ngày càng phức tạp và ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp ở vùng ngọt hóa. Hiện nay, do thời tiết nắng nóng kéo dài, nguồn nước ở các tuyến kênh mương vẫn còn nhưng trên mặt ruộng thì đã khô. Nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài sẽ làm cho sinh hoạt, sản xuất của bà con gặp nhiều khó khăn hơn nữa”.


“Trạm thủy lợi huyện U Minh đã liên tục ghi nhận mực nước ngọt ở các kênh mương nội đồng trong những ngày qua, kết quả cho thấy, mực nước một số kênh mương chỉ trong thời gian ngắn đã thấp hơn 1 mét so với đầu mùa khô”, anh Nguyễn Tấn Anh, Phó Trạm thủy lợi huyện U Minh cho biết.


Tại tỉnh Hậu Giang, theo thông tin từ Sở NN&PTNT, có khoảng gần 10.000 ha diện tích trồng lúa tại thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ đang bị ảnh hưởng bởi nắng nóng kéo dài. Nếu tình hình thời tiết không thay đổi, trong khoảng một tháng nữa, tại các xã Hòa An, Hòa Mỹ, Tân Long, Phương Bình... hơn 40 tuyến kênh cấp 2, 3 sẽ bị thiếu nước cục bộ và có thể ảnh hưởng đến 9.700 ha đất trồng lúa.


Tình trạng thiếu nước tại các huyện Ba Tri, Thạnh Phú, Bình Đại, tỉnh Bến Tre cũng khá trầm trọng. Mặc dù, cả ba huyện nói trên đã có 17 nhà máy nước với công suất từ 5 - 330 m3/giờ nhưng cũng chỉ đủ phục vụ cho hơn 30.000 hộ dân (chiếm khoảng 40% dân số). Tại đây, mỗi ngày dọc các tuyến đường liên ấp qua các xã thuộc huyện Bình Đại, Thạnh Phú... có hàng chục xe chở nước ngọt bán cho các hộ gia đình với giá gần 30.000 đồng/m3.


Ông Cao Văn Viết, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre cho biết: “Các xã thuộc huyện Bình Đại như: Thới Thuận, Thừa Đức, Thạnh Phước nằm trong vùng nước mặn nên áp lực thiếu nước sinh hoạt của bà con trong mùa khô rất gay gắt. Tuy tỉnh đã có hệ thống dẫn nước thô từ cống đập Ba Lai nhưng chỉ đến được xã Thạnh Phước. Nguồn kinh phí hàng năm của Trung tâm nước sạch cũng không đủ để đầu tư hệ thống xử lý nước sạch cho các vùng trên. Do vậy ngoài việc sử dụng nước ngầm, bà con tại đây còn phải mua nước để sử dụng”.


Hệ thống thủy lợi chưa đồng bộ


Ngoài tác động tiêu cực của thời tiết, thời gian qua, tại một số địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), người dân còn đưa nước mặn vào vùng ngọt hóa để nuôi tôm. Điều này cũng gây ảnh hưởng rất lớn đến việc ngăn mặn trữ ngọt, đảm bảo nguồn nước ngọt sản xuất và sinh hoạt.

 

Đơn cử tại tuyến kinh Xáng Mới, xã Khánh Hội, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau có khoảng 50 hộ dân đã đưa máy móc cơ giới vào đào đắp bờ bao để nuôi tôm. Do sản xuất lúa không hiệu quả nên người dân đã tự ý đắp bờ bao nuôi tôm. Vào mùa khô năm nay, cống tạm Xáng Mới được đắp kín ngăn mặn nên những hộ này không thể nuôi tôm được. Đến giữa tháng 2 vừa qua, các hộ dân nói trên đã tụ tập đòi phá cống tạm ngăn mặn để đưa nước mặn vào nhưng bị cơ quan chức năng ngăn cản.


Ông Phạm Văn Sóng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: “Đây là vùng quy hoạch ngọt hóa thuộc Tiểu vùng 2 Bắc Cà Mau và là vùng ngọt phải bảo vệ nghiêm ngặt. Nếu mở cống cho người dân có nước mặn nuôi tôm sẽ ảnh hưởng đến phần rừng tràm của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ, Vườn Quốc gia U Minh Hạ và cả vùng ngọt thuộc xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời”.


Sự việc này cũng cho thấy, ý thức của người dân về việc bảo vệ nguồn nước chưa cao và hệ thống kênh mương nội đồng còn nhiều bất cập. Anh Nguyễn Tấn Anh, Phó Trạm thủy lợi huyện U Minh nhìn nhận: “Dù có đầu tư hàng năm nhưng nguồn thủy lợi phí không đủ để cải tạo toàn bộ hệ thống kênh mương các xã nên dẫn đến tình trạng nơi thiếu, nơi thừa nước cục bộ. Bên cạnh đó, hệ thống cống tiêu úng, xổ phèn, trữ ngọt cũng chưa được đầu tư đầy đủ nên việc sản xuất lúa của bà con gặp nhiều khó khăn. Nhưng để đầu tư đồng bộ thì phải cần nguồn vốn rất lớn. Kinh phí để đầu tư mỗi cống dự kiến khoảng 22 tỷ đồng”.


Ông Nguyễn Văn Tranh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cho biết: “Dù tỉnh rất quan tâm đầu tư vào hệ thống thủy lợi nhưng để hoàn thiện thì đòi hỏi một nguồn kinh phí rất lớn và vượt ngoài khả năng của tỉnh. Hiện nay, hệ thống thủy lợi của tỉnh chưa được đầu tư đồng bộ khép kín, nhất là hệ thống đê biển, đê sông do không có kinh phí”.


Nhiều tỉnh vùng ĐBSCL mong muốn được Trung ương hỗ trợ nguồn vốn để ứng phó với tình hình xâm mặn, khô hạn, thiếu nước ngọt do diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, việc rót vốn từ Trung ương xuống các địa phương còn chậm, dù rằng các tỉnh đã đề xuất hàng loạt những dự án cần triển khai cấp bách.


Như tại tỉnh Kiên Giang, dự án “Đầu tư xây dựng công trình cống sông Kiên, thành phố Rạch Giá” với tổng vốn đầu tư hơn 236 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2012-2015, nhưng đến năm 2013 mới nhận được vốn thực hiện dự án là 34 tỷ đồng. Tại tỉnh Cà Mau, dù đã có dự án đầu tư xây dựng đê biển Đông với vốn trên 900 tỷ đồng, nâng cấp đê biển Tây cần 1.600 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương. Tuy nhiên chỉ được cấp vốn 30 tỷ đồng để nâng cấp đê biển Tây, còn đê biển Đông vẫn chưa được cấp vốn.


Xã Hiệp Thạnh, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh với chiều dài bờ biển hơn 8 km nhưng chỉ mới đầu tư xây được hơn 1.300 m đê kiên cố. Để kiên cố hóa hơn 6 km đê tạm còn lại phải cần thêm khoảng 1.500 tỷ đồng nữa, nhưng hiện nay tỉnh không đủ vốn để tiếp tục đầu tư. Dù rằng đây là tuyến đê bảo vệ 180 ha đất nông nghiệp ven biển nằm trong vùng cần được bảo vệ khẩn cấp.


Ông Đoàn Tấn Triều, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh cho biết thêm: “Đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn mặn, trữ ngọt, bảo vệ sản xuất cho bà con, nhưng hệ thống thủy lợi Nam Măng Thít vẫn chưa hoàn thiện. Về lâu dài, tỉnh đã đề nghị Trung ương hỗ trợ thực hiện hai dự án thủy lợi nội đồng hiện vẫn chưa hoàn thành với tổng số vốn đầu tư 1.700 tỷ đồng”.


Bên cạnh đó, tỉnh Hậu Giang cũng đề nghị được Trung ương sớm hỗ trợ dự án ưu tiên về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn vùng dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu và nước biển dâng tại các huyện Phụng Hiệp, Long Mỹ và thành phố Vị Thanh. Đó là chưa kể đến 13 dự án ưu tiên khác mà tỉnh Hậu Giang đã đề xuất với Trung ương hỗ trợ với tổng vốn hàng nghìn tỷ đồng.

Vào ngày 21/3, tại Cần Thơ đã diễn ra hội thảo "Chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam" do Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội tổ chức. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng đã cảnh báo, dưới tác động của biến đổi khí hậu, nếu mực nước biển dâng cao như dự báo năm 2030 thì khoảng 45% diện tích của ĐBSCL đối mặt với nguy cơ nhiễm mặn.


Bài và ảnh: Anh Đức

 Khẩn trương giải quyết nước sinh hoạt cho dân vùng nhiễm mặn
Khẩn trương giải quyết nước sinh hoạt cho dân vùng nhiễm mặn

Nhằm chủ động đối phó với diễn biến hạn mặn ngày càng gay gắt, đe dọa đến đời sống và sản xuất vùng ven biển Gò Công, tỉnh Tiền Giang triển khai mở 73 vòi cấp nước miễn phí cho các hộ dân nghèo sống ven biển...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN