Đánh giá khách quan thì vài năm gần đây, tình trạng ùn tắc giao thông đã được cải thiện đáng kể. Năm 2010 - 2011, mức độ ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh rất nghiêm trọng. Năm 2011, Hà Nội có tới 124 điểm thường xuyên ùn tắc, thời gian đi qua các nút giao như Ngã Tư Sở phải mất tới hơn 30 phút, giờ cao điểm còn khủng khiếp hơn. Thậm chí, có những tuyến đường ùn tắc dài 3 - 4 km, phải mất từ 1 - 2 giờ mới thoát. Song, tình trạng ùn tắc như trên hiện nay không còn.
Tuy nhiên, từ năm 2015 - 2016, ùn tắc giao thông đang có xu hướng gia tăng trở lại và nghiêm trọng hơn, bất kỳ tuyến đường trục chính nào cũng rất dễ bị ùn tắc, khi các cầu vượt nhẹ phát huy hết tác dụng, nhu cầu đi lại tiếp tục gia tăng, đặc biệc là việc người dân chuyển từ xe máy sang ô tô… Đây sẽ là những thách thức không nhỏ đối với Thủ đô.
Qua nghiên cứu và thống kê hàng loạt giải pháp khác nhau nhằm kéo giảm ùn tắc giao thông tại nhiều nước trên thế giới, có thể khái quát chung lại chỉ có ba hướng giải pháp chính: Tăng không gian hạ tầng, giảm phương tiện vận tải cá nhân và tối ưu hóa tổ chức quản lý giao thông. Tại các đô thị của Bắc Mỹ, diện tích quỹ đất cho đường phố và đỗ xe chiếm từ 35 - 40% diện tích đô thị; tại các đô thị châu Âu, tỷ lệ này khoảng 20 - 25%. Thế nhưng, tại Hà Nội, tỷ lệ quỹ đất cho giao thông hiện chỉ đạt khoảng 7 - 8%, nên ùn tắc và quá tải giao thông là điều tất yếu.
Tuyến đường Giải Phóng gần khu vực bến xe Nước Ngầm (Hà Nội) ùn tắc nhiều giờ. |
Có một thực tế mà ai cũng có thể nhận thấy là hiện nay, nội đô Hà Nội đang diễn ra tình trạng cao ốc “bức tử” giao thông. Có những khu chung cư có dân số rất lớn, có thể ngang bằng 1 phường ở các khu vực khác. Việc thu hút đông dân cư vào đây đang tạo ra mâu thuẫn giữa đầu tư phát triển hạ tầng giao thông với việc phát triển các dự án nhà ở thu hút dân cư vào nội đô. Trong khi việc giãn dân, giãn nhà cao tầng và công sở đang là chủ trương chung. Thực tế này cho thấy, quy hoạch sử dụng đất và hạ tầng hiện nay còn nhiều điểm bất cập. Mật độ xây dựng cao, trong khi tỷ lệ đất dành cho giao thông, bãi đỗ xe, không gian đi bộ và giao thông phi cơ giới, các không gian công cộng hạn chế… chính là những nguyên nhân dẫn tới hiện tượng quá tải của hệ thống hạ tầng giao thông. Nhìn tổng thể, diện tích đất đô thị của Hà Nội còn nhỏ so với quy mô dân số.
Trong vòng khoảng hai chục năm trở lại đây, Hà Nội đã điều chỉnh quy hoạch thành phố tới 7 lần và việc này có vẻ chưa dừng lại. Việc điều chỉnh quy hoạch là cần thiết, nhưng việc phá vỡ quy hoạch theo kiểu thu hút đông dân cư vào nội đô lại bất hợp lý. Vì vậy, bản thân quy hoạch hiện nay cần phải điều chỉnh, trong đó cần có lộ trình cụ thể để nhanh chóng mở rộng diện tích đất đô thị của Hà Nội, kết nối giao thông và vận tải hành khách công cộng một cách thuận lợi giữa các khu vực chính, đặc biệt cần bảo đảm tỷ lệ đường phố và bãi đỗ xe khoảng 25 - 30% diện tích đô thị. Sau khi có bản quy hoạch hợp lý rồi thì cần kiên quyết thực hiện theo quy hoạch.
Giao thông Hà Nội đang trong một vòng luẩn quẩn. Do bất hợp lý về quy hoạch sử dụng đất và hạ tầng, nên vận tải hành khách công cộng chưa đáp ứng nhu cầu, khiến người dân gia tăng sử dụng phương tiện cá nhân. Do phương tiện cá nhân tiện lợi, nên tỷ lệ sử dụng vận tải hành khách công cộng thấp, càng khiến giao thông thêm ùn tắc. Và người dân càng sử dụng phương tiện cá nhân nhiều thì hạ tầng càng quá tải…
Vì vậy, bên cạnh việc quy hoạch đất và hạ tầng hợp lý để triển khai, TP Hà Nội cần tăng cường thực hiện quyết liệt các giải pháp của Nghị quyết số 16/NQ-CP của Chính phủ về khắc phục ùn tắc giao thông; đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm hoàn thành các dự án đường sắt đô thị đang thi công đúng thời hạn quy định; sớm triển khai các tuyến đường sắt đô thị mới theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; mở rộng các đường vành đai, đường hướng tâm vào thành phố; nghiên cứu các tuyến đường trên cao để nâng cao lưu lượng phương tiện hoạt động. đồng thời xây dựng phương án phân luồng và bố trí lực lượng điều tiết giao thông tại các tuyến trọng điểm, tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động giao thông; thực hiện quyết liệt việc lập lại trật tự, kỷ cương đối với giao thông đô thị, quản lý lòng đường, vỉa hè…
Nói tóm lại, việc quy hoạch sử dụng đất bảo đảm quỹ đất cho hạ tầng giao thông, phát triển vận tải hành khách công cộng và vận tải phi cơ giới là những giải pháp đã được áp dụng thành công trên thế giới. Bởi vậy, giải pháp cơ bản vẫn nằm ở công tác quy hoạch sử dụng đất - quy hoạch giao thông - cơ chế chính sách - tổ chức quản lý, trong đó cần có đơn vị đủ năng lực thực hiện một cách độc lập khách quan, và khi có quy hoạch và các phương án tốt thì kiên quyết thực hiện theo quy hoạch.