Diễn biến dịch COVID-19 tại Việt Nam: 132 giờ không có ca mắc mới; bảo vệ tất cả người dân, không bỏ ai lại phía sau

Việt Nam đã bước sang ngày thứ 6 không ghi nhận ca mắc mới COVID-19. Đến 18 giờ ngày 21/4, cả nước giữ nguyên tổng số 268 trường hợp mắc trong suốt 132 giờ. Trong số các ca mắc, có 160 người từ nước ngoài chiếm 59,7%; 108 người lây nhiễm trong cộng đồng chiếm 40,3%.

Hiện, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 75.799 trường hợp, trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện 268 trường hợp, cách ly tập trung tại cơ sở khác 15.368 trường hợp, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 60.163 trường hợp.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, ngày 21/4 đã có thêm BN248 được Bệnh viện Dã chiến Củ Chi công bố khỏi bệnh. Hiện, số ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với SARS-CoV-2 là 12 ca; số ca có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với SARS-CoV-2 là 8 ca.

Chú thích ảnh
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Ảnh: TTXVN.

Việt Nam - Nga nhất trí đẩy mạnh hợp tác trong bối cảnh dịch COVID-19

Chiều 21/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga Mikhail Mishustin.

Trên tinh thần tin cậy và cởi mở, Thủ tướng Chính phủ hai nước đã trao đổi về hợp tác Việt - Nga trong bối cảnh tình hình bệnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam luôn ủng hộ và sát cánh cùng Liên bang Nga trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc điện đàm với Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga Mikhail Mishustin. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN.

Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đánh giá cao những kết quả Việt Nam đạt được trong việc kiểm soát bệnh dịch, cảm ơn Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã trao tặng Liên bang Nga 150.000 khẩu trang vải chống giọt bắn, kháng khuẩn.

Trên tinh thần đó, hai Thủ tướng nhất trí đẩy mạnh và phát huy hiệu quả hợp tác giữa hai nước trong khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện, cũng như trong phòng chống dịch COVID-19, như trao đổi chuyên gia trong lĩnh vực y sinh học, hợp tác trang thiết bị, vật tư y tế...; đồng thời, tiếp tục quan tâm, hỗ trợ công dân hai nước bị ảnh hưởng trên lãnh thổ của nhau, kịp thời phối hợp xử lý các vấn đề phát sinh; tạo điều kiện thuận lợi cho các công dân có nhu cầu về nước.

Hai bên cũng nhất trí tiếp tục duy trì trao đổi và tiếp xúc các cấp thường xuyên, cũng như triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Năm chéo Việt - Nga năm 2019 - 2020 sau khi hết dịch COVID-19.

Thiết lập nền tảng tăng trưởng toàn diện hơn, không để ai bị bỏ lại phía sau

Chiều 21/4, báo cáo nhanh về tác động của dịch COVID-19 tới thị trường lao động Việt Nam của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam đã phân tích tác động theo lĩnh vực kinh tế và ước tính quy mô việc làm bị ảnh hưởng.

Đến ngày 21/4, Việt Nam chưa phát hiện thêm ca mắc mới trong 5 ngày liên tiếp. Cả nước vẫn đề cao cảnh giác, nhưng việc không có thêm ca mắc mới là tín hiệu quan trọng cho thấy hiệu quả của các biện pháp đồng bộ Chính phủ đã và đang thực hiện nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19.

Theo báo cáo, Việt Nam đã kiểm soát cuộc khủng hoảng y tế dịch COVID-19 rất tốt trong những tháng đầu năm 2020. Để đạt được kết quả này, Việt Nam đã sớm triển khai các biện pháp để kiểm soát dịch bệnh với mức độ quyết liệt ngày càng tăng. Khi ILO thực hiện báo cáo nhanh này, Việt Nam đã nới lỏng biện pháp cách ly xã hội ở một số khu vực trên toàn quốc được khoảng 1 tuần. Việc nới lỏng chưa được áp dụng đối với một số địa phương, cũng như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai trung tâm kinh tế đô thị chính của Việt Nam và các quy tắc giãn cách xã hội vẫn chưa được gỡ bỏ.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, Việt Nam đã giải quyết cuộc khủng hoảng y tế liên quan đến dịch COVID-19 một cách quyết liệt, mạnh mẽ và quan trọng nhất là với mục tiêu bảo vệ tất cả người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau. Cách tiếp cận đó cần được áp dụng để giải quyết các thách thức về kinh tế, xã hội và thị trường lao động. Đây là thời điểm quan trọng phải đảm bảo rằng phản ứng chính sách kinh tế - xã hội được xây dựng một cách bao trùm, dựa trên tham vấn ba bên (Chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động) và có thể tác động tới các đối tượng dễ bị tổn thương nhất trên thị trường lao động. Thời điểm khó khăn này tạo cơ hội cho Việt Nam thiết lập nền tảng cho con đường tăng trưởng toàn diện hơn, không để ai bị bỏ lại phía sau, khi công cuộc hồi phục bắt đầu được thực hiện.

Bộ xét nghiệm COVID-19 của Việt Nam được công nhận đạt tiêu chuẩn châu Âu

Ông Phan Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á cho biết, Bộ Y tế và Chăm sóc xã hội Anh đã cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn châu Âu (CE) và cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) cho bộ sản phẩm xét nghiệm COVID-19 do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) giao Học viện Quân y và Công ty Việt Á phối hợp nghiên cứu, sản xuất.

Theo chứng nhận, bộ sản phẩm xét nghiệm COVID-19 được sản xuất bởi nhà sản xuất hợp pháp thuộc Tập đoàn Công nghệ Việt Á (378A/8 Hồ Văn Huế, Phường 9, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh, 725600, Việt Nam), đại diện ủy quyền là RedCliffe bioscience holding limited (21 Mayfields, Sindlesham, RG41 5BY, Anh) đã được chứng nhận đạt CE theo điều luật về quản lý thiết bị y tế chẩn đoán trong phòng thí nghiệm số 98/79/EC được quy định tương đương của luật pháp Anh (quy định về thiết bị y tế của Anh 2002 SI số 618, đã được sửa đổi). Do đó, bộ sản phẩm này có thể được bán tự do ở tất cả các quốc gia thành viên của khu vực kinh tế châu Âu, bao gồm Anh.

Sau khi được Bộ Y tế và Chăm sóc xã hội Anh cấp phép, bộ sản phẩm xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á đã được một đối tác đặt mua độc quyền để phân phối tại Anh, Ấn Độ, Mexico, Mỹ và một số quốc gia tại châu Âu.

Trước đó, vào tháng 3, có 20 quốc gia đã đàm phán mua bộ sinh phẩm này. Trước mắt, Việt Á sẽ xuất khẩu sang Iran, Phần Lan, Malaysia, Ukraine. Trong số này Iran đặt 200.000 test (4.000 bộ), Ukraine đặt 15.000 test (300 bộ).

Tại Việt Nam, UBND TP Hà Nội cũng đặt 200.000 test để sử dụng cho nhu cầu của Hà Nội và tặng Italy.

Hiện nay, chỉ có một phương pháp duy nhất trên thế giới được WHO công nhận là “tiêu chuẩn vàng” để phát hiện SARS-CoV-2 là Real-Time PCR. Bộ xét nghiệm do Học viện Quân y và Công ty Việt Á phối hợp nghiên cứu và sản xuất cũng sử dụng phương pháp này. 

Hiện tại, năng lực sản xuất của Việt Á đạt khoảng 10.000 bộ/ngày, khi cần huy động có thể tăng công suất lên 3 lần, hoàn toàn đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, hoặc hỗ trợ quốc tế.

Chi phí sản xuất bộ kit xét nghiệm đã được Bộ KH&CN tài trợ, nên hiện giá chỉ khoảng 400.000 - 600.000 đồng/test. Giá thị trường của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cao hơn gấp 2-3 lần, nhưng chưa sản xuất thương mại ở dạng kit “ready to use”. 1 bộ kit gồm 50 test, dùng 50 lần, theo lý thuyết dùng cho 50 bệnh nhân.

Các tiêu chí độ nhạy, độ đặc hiệu 100%, độ chính xác 100%, độ lặp lại tại phòng thí nghiệm chuẩn thức của Học viện Quân y và Công ty Việt Á về bộ xét nghiệm này cho thấy, các tiêu chí tương đương các bộ sinh phẩm do CDC Mỹ và WHO hướng dẫn.

Vân Sơn/Báo Tin tức
Tín hiệu tích cực trong nghiên cứu và phát triển vaccine phòng, chống COVID-19
Tín hiệu tích cực trong nghiên cứu và phát triển vaccine phòng, chống COVID-19

Nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Bern (Thụy Sĩ) hy vọng sẽ là cơ sở đầu tiên sản xuất vaccine chống dịch bệnh COVID-19 và sẽ đưa vào chương trình tiêm chủng vào tháng 10 tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN