Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, việc phòng, chống bệnh dịch vẫn chưa hết khó khăn do bệnh tả lợn châu Phi chưa có vắc xin phòng bệnh. Hơn nữa, vi rút có đặc tính rất khác với các loại vi trùng khác, độc lực cao nên rất khó khống chế. Ngoài ra, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa chú trọng, thực hiện áp dụng đầy đủ quy trình chăn nuôi an toàn sinh học.
Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện từ tháng 2 đến nay vẫn đang diễn biến phức tạp. Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, số lợn phải tiêu hủy bình quân mỗi ngày ở Hà Nội là trên 6.600 con. Trong nhiều ngày gần đây, số lợn phải tiêu hủy của toàn thành phố lên đến gần 10.000 con mỗi ngày.
Theo quy định của Hà Nội, chậm nhất bảy ngày chính quyền phải hỗ trợ cho người dân có lợn bị tiêu hủy nhưng nhiều huyện như Ứng Hòa, Quốc Oai, Thạch Thất, Sóc Sơn... đến giữa tháng 6 đã hết ngân sách dự phòng để chi trả.
Đến nay, thiệt hại do dịch ước tính 1.000 tỷ đồng, gồm chi phí hỗ trợ tiêu hủy, hóa chất, phòng chống dịch. 10 huyện hết kinh phí dự phòng vừa được thành phố cấp thêm để đảm bảo chi trả nhanh nhất cho người dân.
Để đảm bảo thực phẩm trên thị trường từ nay đến cuối năm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội, Nguyễn Doãn Toản đã yêu cầu ngành nông nghiệp tiếp tục tập trung sâu sát hơn nữa trong việc phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi; chú ý tái đàn và tăng cường kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh; kiểm soát giết mổ và vệ sinh an toàn thực phẩm; đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ để bảo đảm an toàn thực phẩm.
Mặt khác, nhằm đảm bảo trên địa bàn thành phố không thiếu nông sản thực phẩm, thành phố Hà Nội đã phối hợp với các tỉnh, thành phố khác tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa tiêu thụ sản phẩm các địa phương tại thị trường Thủ đô để đảm bảo bình ổn giá và cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng.