Cuộc hội chẩn có sự tham gia của chuyên gia ở các điểm cầu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Trung ương Huế.
Báo cáo tại buổi hội chẩn, đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, ngoài những diễn biến tích cực trước đó như đã mỉm cười, thực hiện được các y lệnh của bác sĩ, hiện tại bệnh nhân 91 tỉnh táo, phản xạ ho mạnh hơn, sức cơ chi trên ở mức 3/5, chi dưới ở mức 2/5, cơ hoành phải hoạt động mạnh hơn; chức năng thận đã dần hồi phục. Bệnh nhân đã ngưng sử dụng ECMO từ sáng 3/6. Đến nay, sau 24h ngừng sử dụng ECMO, sức khỏe bệnh nhân vẫn ổn định.
Kết quả chụp XQ cho thấy phổi của bệnh nhân đã được cải thiện. Vùng sáng (thông khí) được cải thiện nhiều, đặc biệt phổi trái đã được thông khí hơn 50%, phổi phải hơn 8%. Kết quả CT-ngực và bụng sáng 4/6 cho thấy các tổn thương ở mức bình thường. Bệnh nhân hiện tại đang được thở máy áp lực.
Tại buổi hội chẩn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trường Sơn; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê và chuyên gia từ các điểm cầu gửi lời chúc mừng về kết quả bước đầu trong việc điều trị bệnh nhân 91 của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh và Bệnh viện Chợ Rẫy kế tiếp.
Tham gia hội chẩn, các chuyên gia tại các điểm cầu đều cho rằng bệnh nhân có những tiến triển ban đầu về sức khoẻ, tuy nhiên tình trạng vẫn còn nặng và cần tiếp tục được nỗ lực điều trị nội khoa, hồi sức, dinh dưỡng, tập vật lý trị liệu. Bệnh nhân cần được chăm sóc, theo dõi sát các chỉ số và tình trạng nhiễm trùng nặng, kháng thuốc...
Lắng nghe các ý kiến thảo luận, trao đổi tại buổi hội chẩn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, sự nỗ lực trong việc tìm phương án điều trị tối ưu nhất đối với bệnh nhân 91 đã “cho bệnh nhân một cơ hội sống”.
“Trước đây, tình trạng hô hấp của bệnh nhân với chỉ số đông đặc phổi lên đến 90%, nhưng trong y văn đã có nhiều trường hợp vượt ra ngoài đánh giá của y học. Ví dụ như bệnh nhân 91, ban đầu chúng ta nghĩ khó có thể cai được ECMO và tỷ lệ phổi đông đặc cao như vậy thì khó khăn nhưng đến thời điểm hiện tại bệnh nhân đã ngưng được sử dụng ECMO và tỷ lệ thông khí phổi đã tăng lên khoảng 50-58%”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trường Sơn cho biết.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đề nghị Tổ Điều trị cho bệnh nhân tiếp tục theo dõi điều trị về nội khoa; đảm bảo về mặt dinh dưỡng, chỉ số miễn dịch và tình trạng nhiễm trùng. Bên cạnh điều trị nội khoa để bệnh nhân ngày càng tốt hơn thì cần phải chuẩn bị sẵn điều kiện về ngoại khoa (nhóm ghép phổi) để có thể sẵn sàng tiến hành khi đủ điều kiện.
“Tôi đề nghị hết sức cố gắng trong việc điều trị cho bệnh nhân để làm sao phổi bệnh nhân tăng tiếp diện tích thông khí”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề phục hồi của người bệnh 91, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cũng chuyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch COVID-19, là mong muốn các chuyên gia, tổ điều trị tiếp tục cố gắng điều trị một cách tốt nhất cho bệnh nhân này như một biểu tượng trong cuộc chiến chống COVID-19 ở nước ta.
“Trong trường hợp sức khoẻ bệnh nhân như thế nào thì chúng ta cũng có những can thiệp phù hợp để làm sao giúp cho người bệnh tiếp tục có những tiến triển về sức khoẻ”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) , Phó Trưởng Tiểu ban Điều trị thuộc Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, với những bệnh nhân khác thì những tiến triển nhỏ về sức khoẻ đó là bình thường nhưng với bệnh nhân 91 lại là một nỗ lực lớn, là sự tiến bộ lớn của cả ê kíp điều trị và Hội đồng Chuyên môn cũng như các chuyên gia trong việc chăm sóc, điều trị, đưa ra phương án phù hợp với từng giai đoạn sức khoẻ của người bệnh.
Đặc biệt Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê cũng cho rằng quyết định chuyển bệnh nhân sau khi khỏi COVID-19 sang Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị tích cực là quyết định cực kỳ đúng đắn của Hội đồng Chuyên môn và dù tình trạng sức khỏe của bệnh nhân có diễn biến tốt hơn nhiều nhưng chưa thể nói trước chắc chắn được điều gì.
“Đây là một nỗ lực phi thường, bởi chúng ta đã có những lúc bi quan, nhưng đến hôm nay bệnh nhân đã có ánh mắt, nụ cười như một lời đông viên, khích lệ các thầy thuốc, các chuyên gia để mọi người tiếp tục cố gắng, cống hiến sức lực để điều trị cho bệnh nhân một cách tốt nhất. Cái gì tốt nhất cho người bệnh thì chúng ta cố gắng triển khai”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.