Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở nhiều huyện: Phong Điền, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy, A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên - Huế); An Lão, Vân Canh, Hoài Ân, Phù Cát (tỉnh Bình Định).
Nguy cơ ngập lụt ở nhiều huyện: Nam Đông, Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền, thị xã Hương Thủy, Hương Trà, thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế); An Lão, Vân Canh, Hoài Ân, Phù Cát, Vĩnh Thạnh, Tuy Phước, Hoài Nhơn, Quy Nhơn, Phù Mỹ, An Nhơn (tỉnh Bình Định). Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ cấp 2
Lũ trên các sông gây ngập lụt các vùng trũng thấp ven sông, ảnh hưởng tới các hoạt động như giao thông thủy, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp, dân sinh và các hoạt động kinh tế - xã hội.
Liên quan đến thời tiết trong những ngày tới (từ ngày 18-27/11), Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia nhận định, ngày 18/11, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ ngày nắng, đêm không mưa, đêm và sáng trời rét. Một số nơi ở vùng núi cao Bắc Bộ cần đề phòng khả năng xảy ra sương muối.
Khu vực Trung và Nam Trung Bộ có mưa vài nơi, phía Bắc trời lạnh. Các khu vực khác có mưa rào và dông vài nơi, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Từ đêm 19 đến ngày 27/11, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, ngày nắng, đêm không mưa; riêng khu vực Bắc Trung Bộ đêm 23 và ngày 24/11 có khả năng có mưa rào rải rác, đêm và sáng trời rét.
Khu vực Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Nam Bộ khoảng ngày 25 - 27/11 có khả năng xảy ra mưa rào, dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to; riêng khu vực Trung Trung Bộ ngày 24/11 có mưa, mưa rào rải rác và có nơi có dông, phía Bắc đêm và sáng trời lạnh.
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và phóng viên TTXVN tại các địa phương, tính từ ngày 13/11 đến tối 17/11, mưa lớn, dông lốc, lũ, ngập lụt đã làm 7 người chết (Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Bình Định), 1 người mất tích (Phú Yên); 4714 nhà vẫn ngập ở mức từ 0,2 - 1m (Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế).
Riêng tại tỉnh Bình Định, tính đến 14 giờ ngày 17/11 toàn tỉnh có hơn 24.000 học sinh nghỉ học trên địa bàn các huyện Tuy Phước, Phù Cát, thị xã An Nhơn và thành phố Quy Nhơn vì nước lũ chia cắt đường đến trường.
Tình hình ngập lụt xảy ra ở nhiều địa phương nhưng chủ yếu xảy ra ở vùng hạ lưu sông Kôn ở thị xã An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát và huyện Hoài Ân. Tại thị xã An Nhơn đã có 50/79 tràn đường trên địa bàn ngập. Có 15 nhà bị ngập nước sâu khoảng 20cm, đã tổ chức di dời 1 hộ dân với 6 nhân khẩu tại thôn Thanh Giang (Nhơn Phong) đến trụ sở thôn.
Đối với huyện Phù Cát ngập một số tuyến đường ĐT640 - Cát Chánh, các tuyến đường khu Chánh Đạt và Tân Tiến - Cát Tiến, một số tuyến giao thông nông thôn ở xã Cát Thắng, Cát Nhơn ngập từ 0,2 - 0,5m. Nhà dân ở xã Cát Chánh ngập khoảng 40 nhà (khoảng 5 - 10cm, thôn Chánh Định 25 nhà, Chánh Hội 15 nhà), ở thị trấn Cát Tiến có 45 nhà bị ngập từ 2 - 5cm (khu phố Tân Tiến), nhiều tuyến đường bê tông bị ngập sâu khoảng 1m, giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn. Huyện Hoài Ân có 27 nhà bị ngập, gồm xã Ân Hảo Đông có 15 nhà, xã Ân Tường Đông có 12 nhà, 42 cái giếng bị ngập.
Mưa lũ đã làm tuyến đường từ xã Ân Nghĩa đi T4, T5 xã Bok Tới có nhiều điểm sạt lở mái taluy dương và gây bồi lấp rãnh thoát nước với chiều dài 500m. Tuyến đường từ xã Ân Hữu đi Đăk Mang bị sạt lở nhiều vị trí trên tuyến, gây xói lở, bồi lấp nền lề đường với chiều dài 1.000m. Các tuyến đường giao thông liên xã, liên thôn bị xói lở lề đường và bị sạt lở với tổng chiều dài trên 6.200m. Tại huyện Vân Canh, mưa lũ cũng làm sạt lở mái taluy cầu tràn Kà Chuối 2 đoạn từ trung tâm xã về làng Kà Nâu; Sụt mấu cầu bản Làng Chồm.
Mưa lũ cũng đã làm xói lở chân móng nhà trạm và gây nứt tường nhà trạm bơm Tân Sơn xã Ân Hảo Tây; Đoạn bờ suối dọc tuyến đường vào xóm 7, thôn Vạn Hội 1, xã Ân Tín sạt lở với chiều dài 170m.
Hệ thống nước sinh hoạt tự chảy xã ĐăkMang, Bok Tới bị bồi lấp đập chính và sạt lở, bồi lấp nhiều đoạn trên tuyến ống dẫn. Kênh mương chính và các tuyến xi phông: Nhiều đoạn bị sạt lở, bồi lấp với tổng chiều dài 8.500m. Các đoạn bờ sông tiếp tục bị sạt lở xâm thực sâu vào trong đất liền với tổng chiều dài sạt lở 3.850m.
Mưa lũ cũng làm sạt lở nhiều đoạn bờ kè, bờ sông gây nguy hiểm cho người dân ở huyện Vân Canh. Cùng với đó, mưa lũ cũng làm sa bồi, gây ngập úng nhiều diện tích lúa, hoa màu của người dân, trong đó làm ngập 256.000 cây mai của người dân ở thị xã An Nhơn…
Ngoài ra, mưa lũ và nhiều thiệt hại nghiêm trọng khác về lúa, cây ăn quả, hoa màu, cây giống lâm nghiệp, cây hoa cúc giống, gia súc, gia cầm, thủy sản... tại các tỉnh, thành phố Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Quảng Nam, Phú Yên; gây ách tắc tại nhiều tuyến đường Quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên thôn, xã ở các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Khánh Hòa.
Hiện cấp ủy, chính quyền các địa phương đã thăm hỏi những gia đình có người bị chết, đồng thời chỉ đạo lực lượng chức năng tích cực tìm kiếm người mất tích, tiếp tục hỗ trợ, đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, phục vụ nhân dân tại tại các vùng khó khăn bị chia cắt bởi mưa lũ; bố trí lực lượng kiểm soát, rào chắn bảo đảm an toàn giao thông, nhất là qua ngầm, tràn, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết, không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người. Các đơn vị chức năng đã và đang phối hợp với chính quyền địa phương khắc phục hậu quả mưa lũ, ổn định đời sống nhân dân.
Để tiếp tục ứng phó, đồng thời khắc phục hậu quả mưa lũ, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các bộ, ngành, tỉnh, thành phố liên quan tiếp tục tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm Công điện số 1095/CĐ-TTg ngày 15/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ tại khu vực Trung Bộ, Công điện số 17/CĐ-QG ngày 12/11/2023 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, các Công văn số 416/VPTT, 421/VPTT và 424/VPTT của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai về chủ động ứng phó với gió mùa Đông Bắc, gió mạnh trên biển và mưa lớn, ngập lụt, nguy cơ lũ, lũ quét, sạt lở đất và vận hành hồ chứa đảm bảo an toàn hạ du lưu vực sông Hương.
Các địa phương căn cứ diễn biến mưa lũ và tình hình thực tế chủ động rà soát, điều chỉnh phương án ứng phó, khắc phục hậu quả phù hợp, đảm bảo an toàn về người, tài sản, phục hồi sản xuất, xử lý môi trường ngay sau khi lũ rút; duy trì lực lượng hướng dẫn, kiểm soát đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông (đường bộ, đường thủy), nhất là các khu vực còn ngập sâu, sạt lở; tổ chức thực hiện vận hành đơn hồ, liên hồ chứa thủy lợi, thủy điện theo đúng quy trình đã được cấp thẩm quyền phê duyệt và triển khai lực lượng rà soát, kiểm tra các công trình đê điều, hồ đập xung yếu; các công trình đang thi công, khu vực dân cư có nguy cơ cao bị sạt lở.