Công nhân tại một doanh nghiệp thực phẩm tại Khu công nghiệp Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) được đảm bảo mức lương cao hơn lương tối thiểu vùng và các khoản trợ cấp độc hại theo quy định. |
Đảm bảo mức lương 3,9 triệu đồng/ ngườiBà Nguyễn Thị Ngọc Thoan, Phó Giám đốc nhân sự công ty Crystal Martin (Bắc Giang) cho biết: “Ngay từ tháng 1/2017, công ty đã điều chỉnh lương cho lao động tăng thêm 300.000 đồng, bình quân đạt mức lương khoảng 3,9 triệu đồng/người/tháng. Công ty luôn xác định người lao động là tài sản quý của doanh nghiệp để đạt mục tiêu kế hoạch sản xuất. Do đó, chế độ lương thưởng luôn được quan tâm”.
Cũng chia sẻ về việc áp dụng Nghị định, bà Phạm Thị Mai Dung, Phó chủ tịch Công đoàn công ty SD Việt Nam, cho biết: “Sau khi được phổ biến Nghị định 153/2016/NĐ-CP về mức lương tối thiểu, công đoàn và chủ sử dụng lao động đã họp bàn và điều chỉnh mức lương tăng theo quy định mức lương tối thiểu vùng. Theo đó, mức lương bình quân đơn vị đạt 3,9 triệu đồng/ người/ tháng”.
Ông Đinh Quốc Toản, Chủ tịch Công đoàn Khu công nghiệp – Khu chế xuất Hà Nội cho biết: Qua tổng hợp của các doanh nghiệp trong KCN – KCX thì đa phần đã điều chỉnh theo mức tăng lương tối thiểu vùng I là 3,75 triệu đồng, như công ty Canon là 4,15 triệu đồng, Công ty điện tử Asti Hà Nội là 4,038 triệu đồng… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vẫn duy trì cho công nhân lao động các khoản phụ cấp 500.000 đồng đến trên 1 triệu đồng như phụ cấp ngành nghề, chuyên cần, nhà ở…
Tăng cường giám sát
Theo Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động, công đoàn cấp trên cơ sở cần tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện tăng lương tối thiểu cho người lao động tại các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động.
"Khi thực hiện mức lương tối thiểu vùng, doanh nghiệp phải đảm bảo mức tổng thu nhập của người lao động gồm tiền lương, phụ cấp phải tăng lên; đồng thời doanh nghiệp không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với các chức danh nghề nặng nhọc, độc hại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động", đại diện Tổng LĐLĐ khẳng định.
"Đặc biệt, công đoàn cơ sở cần rà soát, xem xét lại các khoản phụ cấp, trợ cấp mà doanh nghiệp đã thỏa thuận với người lao động trong hợp đồng, thỏa ước lao động tập thể để không xảy ra tình trạng doanh nghiệp “né” quy định của luật thực hiện tăng lương bằng cách bớt thưởng. Thông báo công khai kế hoạch nâng lương của doanh nghiệp cho người lao động biết trước để yên tâm sản xuất”, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết.
Theo ông Kiều Hùng, Trưởng ban Chính sách pháp luật (Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội), qua đợt kiểm tra, giám sát tại các doanh nghiệp mới đây, các doanh nghiệp làm ăn tốt trong thời gian qua đã thực hiện tăng lương tối thiểu vùng theo đúng quy định. Trong khi đó, một bộ phận công ty làm ăn khó khăn vẫn còn tình trạng nợ lương, thưởng người lao động. Do đó, công đoàn cơ sở tăng cường giám sát việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng phải đảm bảo nguyên tắc tổng thu nhập của người lao động gồm tiền lương, phụ cấp phải tăng lên.
“Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã yêu cầu công đoàn cơ sở phải chủ động phối hợp với doanh nghiệp, xác định mức điều chỉnh trong thang lương, bảng lương của doanh nghiệp và mức lương ghi trong hợp đồng lao động, đảm bảo thực hiện quy định tăng lương”, ông Kiều Hùng cho biết.
Bộ LĐTBXH cũng đề nghị các địa phương nắm tình hình thực hiện lương tối thiểu vùng thuộc khu vực quản lý theo quy định của Nghị định 153/2016/NĐ-CP. Đặc biệt là các điểm được và chưa được, nguyên nhân và cách thức điều chỉnh mức lương theo thang lương, bảng lương từ hợp đồng lao động của người lao động trong các loại hình doanh nghiệp.
Các địa phương tổng hợp số liệu tình hình thực hiện mức lương tối thiểu vùng của các doanh nghiệp thuộc địa bàn quản lý và gửi báo cáo về Bộ LĐTBXH hạn là ngày 30/4/2017.