Ngày 17/2, Đại diện Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động, các đơn vị đã thực hiện giám sát chặt chẽ việc trả lương tối thiểu cho người lao động.
Thực hiện Nghị định 153/2016/NĐ-CP ngày 14/11/2016 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, LĐLĐ Thành phố đã phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thành phố tổ chức tập huấn cho cán bộ công đoàn về nội dung và phương pháp điều chỉnh lương tối thiểu, chỉ đạo các công đoàn cơ sở chủ động phối hợp với người sử dụng lao động xây dựng phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2017 và công khai cho người lao động được biết.
Các đơn vị thực hiện giám sát chặt việc điều chỉnh lương tối thiểu để bảo vệ quyền lợi cho người lao động |
Công đoàn cấp trên cơ sở cũng phối hợp các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện điều chỉnh lương của các doanh nghiệp trên địa bàn. Tính đến nay, đã có 7.116 doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu vùng với mức điều chỉnh tăng từ 250.000 đến 1.550.000 đồng. Điều này đã khiến nhiều doanh nghiệp ổn định lao động sau Tết, giúp người lao động gắn bó với doanh nghiệp và không xảy ra tình trạng tranh chấp lao động tập thể sau Tết.
Theo thống kê của LĐLĐ, TP Hồ Chí Minh đã xảy ra 8 vụ tranh chấp lao động tập thể với gần 3.400 người tham gia (không có vụ tranh chấp lao động nào xảy ra sau Tết). Nguyên nhân chủ yếu do các doanh nghiệp chậm công khai hệ thống thang lương, bảng lương năm 2017, nợ lương người lao động, không trao đổi với công đoàn và người lao động khi điều chỉnh đơn giá sản phẩm.
Ngay khi xảy ra tranh chấp lao động, LĐLĐ TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các cấp công đoàn chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tham gia giải quyết, ổn định tình hình an ninh trật tự, vận động người lao động trở lại làm việc. Về phía người sử dụng lao động đã cam kết thực hiện và giải quyết các kiến nghị chính đáng của công nhân lao động.