Đảm bảo môi trường học đường an toàn để phụ huynh yên tâm trong mùa dịch COVID-19

Ngày 22/2, trong lúc một số quốc gia có thêm bệnh nhân bị dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) thì Việt Nam không phát hiện thêm trường hợp nhiễm mới nào. Thông tin này thêm củng cố sự vững tin vào khả năng đưa học sinh đi học trở lại.

“Đã bước vào trường học phải đảm bảo môi trường an toàn hơn trụ sở cơ quan nhà nước; bởi chỉ riêng việc kiểm soát người ra vào các trường học có điều kiện hơn khi biết rõ từng học sinh, giáo viên trong khi tại các trụ sở cơ quan nhà nước việc làm này thực hiện khó hơn; huy động nhà trường phụ huynh, học sinh cùng chung tay, tham gia vào các giải pháp cụ thể, thực tế; đảm bảo vệ sinh trường học, phụ huynh yên tâm khi con em đến trường”. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19 phát biểu.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm cho biết, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định cho học sinh nghỉ học đến hết tháng 2/2020. Tuy nhiên, căn cứ vào diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19 trên thế giới và tính toán phương án chủ động cho các địa phương nên vừa qua UBND TP Hồ Chí Minh đã đề xuất phương án cho học sinh cả nước nghỉ học đến hết tháng 3/2020.

Chú thích ảnh
Trường THCS Lương Thế Vinh hoàn thành phun thuốc khử khuẩn lần thứ tư kết hợp dọn dẹp, tổng vệ sinh toàn diện cơ sở vật chất trong ngày 22/2. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Cũng theo ông Lê Thanh Liêm, riêng đối với các trường học, Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện đúng hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế về vệ sinh, khử khuẩn trường lớp, thiết bị đồ dùng học tập, bàn ghế… đảm bảo môi trường an toàn; tập huấn các biện pháp phòng, chống dịch cho cán bộ công nhân viên, tập thể giáo viên, phụ huynh, học sinh.

“Nếu Thành phố Hồ Chí Minh cho học sinh đi học thì môi trường trong trường học an toàn hơn các môi trường chỗ khác, an toàn hơn trụ sở UBND Thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, đã đi học thì không phải đeo khẩu trang” - Phó Chủ tịch Lê Thanh Liêm nhấn mạnh.

Đồng quan điểm đảm bảo môi trường trong trường học an toàn khi học sinh quay trở lại trường học, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội đề xuất ngày 2/3/2020, học sinh sẽ đi học trở lại. Đến nay, thành phố Hà Nội đã thực hiện 4 lần vệ sinh, tiêu độc khử trùng trường học, đến khi học sinh đi học sẽ phun lần thứ 5; đồng thời, hướng dẫn, tập huấn cho giáo viên cách ứng xử, kỹ năng phát hiện, xử lý khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ; không tổ chức chào cờ tập trung toàn trường, thực hiện chào cờ trong lớp học; giảm bớt các hoạt động tập thể tập trung đông người... để bảo đảm an toàn cho học sinh.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bàn kỹ và đang xây dựng quyết định chuẩn bị trình Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ký quyết định điều chỉnh khung chương trình thời gian năm học và thời gian thi trung học phổ thông quốc gia một tháng, theo đúng thẩm quyền của Bộ. Theo đó, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, học sinh cả nước nghỉ 4 tuần (tính đến hết ngày 29/2/2020) nên thời gian kết thúc năm học dự kiến vào ngày 30/6/2020 và thời gian thi trung học phổ thông quốc gia dự kiến diễn ra từ ngày 23 đến 26/7/2020.

Tại Hà Nội, ngày 21/2, liên ngành y tế, giáo dục và đào tạo, lao động thương binh và xã hội đã có văn bản hướng dẫn về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 trong các cơ sở giáo dục, giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, các trường cần thực hiện vệ sinh khử khuẩn trường, lớp trước khi đón học sinh trở lại và thực hiện hàng ngày; chuẩn bị đủ các điều kiện vệ sinh phục vụ học sinh và giáo viên như nơi rửa tay, nước sạch và xà phòng, giấy sạch hoặc khăn để lau tay; hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh (có nồng độ cồn tối thiểu 60%); lưu ý, tại nơi sát khuẩn tay nhanh, để dung dịch sát khuẩn trên giá, kệ và treo biển báo “dung dịch sát khuẩn tay nhanh”, đồng thời hướng dẫn sử dụng; chuẩn bị dung dịch sát khuẩn tay nhanh để ở trong thang máy; vệ sinh khử khuẩn ô tô đưa đón học sinh và có dung dịch sát khuẩn tay nhanh gắn ở vị trí lên xuống xe. Đồng thời, chuẩn bị khẩu trang y tế để sử dụng trong các trường có học sinh, cán bộ, giáo viên, người lao động có biểu hiện viêm đường hô hấp cấp tính (ho, sốt, khó thở...) được phát hiện trong nhà trường; đảm bảo đủ nước uống cho học sinh, mỗi em nên có cốc uống riêng được vệ sinh hàng ngày hoặc bình nước riêng, khuyến khích sử dụng bình nước uống cá nhân...

Các trường chuẩn bị vật tư, cơ số thuốc, trang thiết bị thiết yếu dùng trong phòng y tế của trường học. Cán bộ y tế học đường phải có mặt liên tục trong suốt thời gian dạy và học để sẵn sàng đáp ứng y tế khi cần; treo, dán tờ rơi, poster về phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại cổng trường, bảng tin của trường, khu vực phòng y tế và các lớp học; tập huấn cho cán bộ, giáo viên, người lao động trong trường những kiến thức cơ bản về phòng, chống dịch COVID-19; tuyên truyền, hướng dẫn phụ huynh, học sinh thực hiện các khuyến cáo của ngành y tế để phòng, chống dịch bệnh.

Nhà trường yêu cầu cán bộ, giáo viên, học sinh thuộc đối tượng bị cách ly y tế, cần tuân thủ tuyệt đối việc cách ly y tế theo đúng quy định. Đối với các trường hợp có ít nhất một trong các triệu chứng (ho hoặc sốt hoặc khó thở) thì chủ động báo cho nhà trường, đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và xử lý y tế khi cần.

Khi học sinh trở lại trường học, nhà trường vẫn tiếp tục thực hiện khử khuẩn trường, lớp, đồng thời thường xuyên tuyên truyền cho học sinh, cán bộ, giáo viên, người lao động về phòng, chống dịch COVID-19 bằng các kênh và tài liệu truyền thông; không tổ chức các hoạt động tập thể, tập trung đông người, hoạt động ngoại khóa, tham quan thực tế...; không chào cờ tập trung toàn trường, chỉ tổ chức chào cờ tại lớp học, hạn chế hoạt động có sự tham gia của nhiều lớp; không sử dụng đồ chơi, dụng cụ học tập bằng vật liệu chưa khử khuẩn được (đồ chơi điện tử, đồ chơi thấm nước...); thực hiện ăn chín, uống sôi, đảm bảo an toàn thực phẩm tại bếp ăn của nhà trường; không tổ chức ăn tập trung đông người, nên tổ chức ăn tại phòng học hoặc chia thành nhiều đợt đối với các trường có ăn bán trú.

Nhà trường bố trí người đón và giao học sinh tại cổng trường, cha mẹ học sinh không vào trường học. Đối với các phương tiện đưa, đón học sinh thực hiện khử khuẩn sau mỗi chuyến đi bằng chất tẩy rửa thông thường hoặc chất khử khuẩn có chứa clo hoạt tính.

Nhà trường yêu cầu cán bộ, giáo viên, học sinh thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh trước khi vào lớp học, trước và sau ăn, sau mỗi giờ ra chơi, sau khi đi vệ sinh và khi thấy tay bẩn; phối hợp với phụ huynh học sinh theo dõi sức khỏe của học sinh hằng ngày để kịp thời phối hợp với trạm y tế xã, phường, thị trấn, xử lý y tế theo quy định; khuyến khích học sinh, giáo viên nên đeo khẩu trang thông thường khi đến trường, khi tham gia giao thông, nơi tập trung đông người; hướng dẫn cán bộ, giáo viên, học sinh đeo khẩu trang đúng cách theo hướng dẫn của ngành y tế; đảm bảo các phòng học được thông thoáng, tăng cường thông gió tự nhiên bằng cách mở cửa sổ, cửa ra vào, hạn chế sử dụng điều hòa; giám sát việc thực hiện vệ sinh khử khuẩn trường lớp, bỏ rác đúng nơi quy định, đặc biệt là khăn giấy sau khi sử dụng, khẩu trang (nếu dùng một lần) khi thay phải được bỏ ngay vào thùng rác và rửa tay bằng xà phòng và nước sạch.

Đối với cán bộ y tế, đảm bảo có mặt liên tục trong suốt thời gian dạy và học, sẵn sàng đáp ứng y tế khi cần; phối hợp với giáo viên chủ nhiệm để theo dõi sức khỏe, kịp thời xử lý đối với những học sinh có vấn đề về sức khỏe; khi có học sinh, giáo viên, người lao động của trường có biểu hiện sốt, ho, khó thở hoặc các bất thường khác về sức khỏe, cần kiểm tra, theo dõi tại phòng y tế của trường; cho người có biểu hiện viêm đường hô hấp đeo khẩu trang y tế ngay và thông báo cho ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm, trạm y tế xã, phường, thị trấn để xử lý.

Liên ngành y tế, giáo dục, lao động, thương binh và xã hội cũng hướng dẫn cụ thể đối với giáo viên, người lao động và học sinh tuân thủ các quy định, hướng dẫn phòng, chống dịch của ngành y tế đã khuyến cáo.

Đối với các trường đại học, học viện, cơ sở khác có hoạt động giáo dục nghề nghiệp thực hiện vệ sinh, khử khuẩn trước khi học viên, sinh viên quay lại trường và trong khi dạy/học. Riêng việc theo dõi sức khỏe, học sinh, sinh viên cần tự theo dõi sức khỏe và đo thân nhiệt hằng ngày. Khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe (ho, sốt, khó thở...) phải thông báo cho nhà trường, trạm y tế nơi đang ở và đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị.

Cũng trong ngày 22/2, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn việc theo dõi sức khỏe đối với người dân đến từ khu vực đang có dịch. Theo đó, với các trường hợp người dân về địa phương từ huyện Bình Xuyên, Tam Dương và Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, căn cứ vào nơi đi của các trường hợp này để áp dụng các biện pháp theo dõi sức khỏe cho phù hợp. Với người đến từ hoặc đi qua các xã đã có trường hợp mắc bệnh và có lây lan thứ phát tại cộng đồng (xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc): áp dụng biện pháp cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung trong vòng 14 ngày kể từ ngày rời khỏi xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, theo quy định của Bộ Y tế. Đối với các trường hợp có dấu hiệu: sốt, ho và khó thở cần được đưa ngay đến cơ sở y tế để cách ly, điều trị kịp thời và lấy mẫu xét nghiệm, đồng thời yêu cầu những người này không tiếp xúc với người khác khi không cần thiết, trong trường hợp phải tiếp xúc thì áp dụng các biện pháp dự phòng theo hướng dẫn của ngành y tế như: Đeo khẩu trang, giữ khoảng cách với người tiếp xúc trên 2 mét, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc chất sát khuẩn thông thường.

Chú thích ảnh
Có 12 chốt trạm kiểm tra dịch bệnh COVID-19 tại các lối vào của xã Sơn Lôi (ảnh chụp chốt kiểm soát số 1 lối vào quan trọng nhất của xã Sơn Lôi). Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN.

Đối với người đến từ hoặc đi qua các xã có trường hợp bệnh nhưng chưa có lây lan thứ phát tại cộng đồng (xã Quất Lưu, xã Thiện Kế và thị trấn Gia Khánh, huyện Bình Xuyên; xã Minh Quang, huyện Tam Đảo; thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc): Phải khai báo, đăng ký qua chính quyền địa phương nơi đến hoặc nơi lưu trú và áp dụng biện pháp theo dõi sức khỏe tại nơi ở hoặc nơi lưu trú trong vòng 14 ngày kể từ ngày rời khỏi các xã trên. Trong trường hợp có dấu hiệu: Sốt, ho và khó thở cần báo ngay cho cơ quan y tế địa phương nơi gần nhất và chuyển đến cơ sở y tế để cách ly, điều trị kịp thời và lấy mẫu xét nghiệm; đồng thời yêu cầu những người này hạn chế tiếp xúc với người khác, trong trường hợp phải tiếp xúc thì áp dụng các biện pháp dự phòng theo hướng dẫn của ngành y tế như: Đeo khẩu trang, giữ khoảng cách với người tiếp xúc trên 2 m, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc chất sát khuẩn thông thường.

Đối với người đến từ những xã chưa có trường hợp bệnh (các xã còn lại của huyện Bình Xuyên, Tam Dương, Tam Đảo và các huyện khác của tỉnh Vĩnh Phúc): Thực hiện việc đi lại, ăn ở, sinh hoạt và các biện pháp phòng, chống dịch như các địa phương khác trong cả nước theo các khuyến cáo và hướng dẫn của Bộ Y tế đã ban hành.

Ở một góc độ khác, hưởng ứng phong trào hiến máu tình nguyện trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động, ngày 17/2, Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn, Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn, Trung tâm Hiến máu Nhân đạo TP Hồ Chí Minh tổ chức Ngày hội hiến máu tình nguyện trong cán bộ, công chức, người lao động. Tại Đà Nẵng, Thành đoàn Đà Nẵng đã tổ chức Ngày hội hiến máu tình nguyện để bổ sung vào lượng máu thiếu hụt. Ngày hội thu hút đông đảo cán bộ, đoàn viên, thanh niên tham gia và đã tiếp nhận gần 500 đơn vị máu.

Còn tại Quảng Nam, theo báo cáo nhanh của Phòng Văn hóa - Thông tin thành phố Hội An trong thời gian chịu ảnh hưởng dịch bệnh từ nơi khác, khu vực phố cổ có sụt giảm về lượng khách mua vé tham quan. Tuy nhiên, những ngày gần đây, bình quân mỗi ngày có hơn 3.000 du khách, chủ yếu là khách đến từ thị trường châu Âu, Bắc Mỹ mua vé tham quan khu di sản. Hiện nay, khách lưu trú tại Hội An bình quân mỗi đêm có hơn 10.000 khách, trong đó, hơn 90% là khách quốc tế, chủ yếu là khách châu Âu, Bắc Mỹ, công suất sử dụng phòng đạt xấp xỉ 50%.

Theo thống kê của Bộ Y tế, đến 21 giờ ngày 22/2, thế giới có 77.925 người bệnh COVID-19, có 2.363 người chết, 20.868 trường hợp hồi phục. Trong đó, Trung Quốc có 76.291 người nhiễm, 2.345 người chết, 20.695 người hồi phục. Số nghi nhiễm là 5.365. Đáng chú ý, số người nhiễm tại Hàn Quốc và Nhật Bản tăng nhanh trong ngày 22/2. Dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã lan ra 17 tỉnh, thành trên toàn Hàn Quốc, với tổng cộng 433 ca nhiễm nCoV, 2 ca tử vong, 413 người vẫn đang được điều trị cách ly.
Việt Nam không có trường hợp nào nhiễm mới, 15/16 ca bệnh đã được xuất viện.

Thành phố đã chỉ đạo các ngành liên quan hướng dẫn các cơ sở lưu trú, các doanh nghiệp du lịch, các điểm du lịch trên địa bàn thành phố chủ động phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh dịch, bảo vệ sức khỏe cho đội ngũ kinh doanh, phục vụ trong lĩnh vực dịch vụ du lịch đồng thời giữ được ấn tượng tốt đẹp với du khách, tiếp tục phát huy những giá trị, truyền thống hiếu khách của người Hội An.

PV/Báo Tin tức
Những tấm gương tiêu biểu ngành y tế Việt Nam
Những tấm gương tiêu biểu ngành y tế Việt Nam

Trong thời đại Hồ Chí Minh, ngành y tế Việt Nam không ngừng lớn mạnh và đạt nhiều thành tựu với nhiều tấm gương thầy thuốc tiêu biểu về y đức và tài năng, góp phần quan trọng vào công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân; tạo dựng vị thế của y khoa Việt Nam mang tầm quốc tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN