Tuy đã có cầu bê tông nhưng hàng trăm hộ dân buôn Tơ Lơ, xã Ea Na, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk muốn sang suối để sản xuất vẫn phải dùng thuyền hoặc lội dưới nước. Cầu suối Đục là một trong những cầu thanh niên được xây dựng tại tỉnh Đắk Lắk do Trung ương Đoàn đầu tư theo Dự án thí điểm cầu nông thôn. Năm 2014, đề án này cấp 3,9 tỷ đồng để xây dựng 10 cầu cho các buôn, làng vùng sâu, vùng xa tại tỉnh Đắk Lắk.
Cầu Suối Đục được xây bê tông cốt thép với chiều dài 18m, bề mặt 3,5 m. Cầu được khởi công xây dựng từ tháng 2 và đến tháng 4/2014 thì hoàn thành với kinh phí trên 390 triệu đồng. Trước khi xây dựng, các công việc như khảo sát, thiết kế được tiến hành một cách kỹ càng. Khi khánh thành, bà con trong buôn Tơ Lơ rất vui mừng vì nó giải quyết được nhu cầu đi lại rất lớn cho họ.
Tuy nhiên, niềm vui của bà con chẳng được bao lâu vì cầu bị ngập trong nước sau vài cơn mưa. Để sang qua suối đi sản xuất thì người dân buôn Tơ Lơ và nhiều buôn khác ở xã Ea Na vẫn phải dùng xuồng hoặc lội qua. Theo quan sát của phóng viên tại bến nơi cây cầu bắc qua, chẳng thấy cầu đâu mà chỉ thấy một một tấm bảng đề “Cầu Suối Đục” cách bờ khoảng hơn 20m. Từ bờ muốn lên cầu Suối Đục, chúng tôi phải lội xuống con suối đầy bùn nhão dưới chân và mực nước có nơi lên đến ngang đùi. Thế nhưng đến lúc này, mặt cầu vẫn chưa xuất hiện mà chỉ có thể cảm nhận nó dưới chân, nằm cách mặt nước chừng 20- 40cm. Khi đến đầu cầu bên kia, muốn vào bờ chúng tôi tiếp tục phải lội dưới nước thêm một đoạn nữa.
Theo những hộ dân sống cạnh cầu Suối Đục, cầu đã bị ngập khoảng gần 2 tháng nay. Nếu vào những lúc cao điểm của mùa mưa thì cầu có thể ngập sâu tới gần 2m. “Họ chỉ xây cầu để đi trong mùa khô. Mà mùa khô nước xuống thì cần gì cầu, chỉ xắn quần lội qua là xong”, chị Phạm Thị Tươi nhà ngay cạnh cầu cho biết.
Ông Nguyễn Đức Chơn, Phó Chủ tịch xã Ea Na cho biết, ở bên kia suối Đục là khu đất sản xuất 134 rộng vài chục héc ta của đồng bào buôn Tơ Lơ. Hàng ngày bà con vẫn phải lội suối sang đó để canh tác và vận chuyển nông sản về nên rất vất vả. Hơn nữa, từ buôn muốn lên thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana mà đi qua cầu Suối Đục thì gần hơn được 5km, rất thuận lợi cho người dân cũng như các em học sinh. Nếu cây cầu này phát huy được tác dụng vào mùa mưa thì đó là một niềm vui rất lớn của người dân.
Cũng theo ông Chơn, cầu được xây dựng trên địa bàn nhưng xã hầu như không nắm được thông tin gì về thiết kế, thi công. Chỉ nghe bên tỉnh Đoàn thông báo là sẽ xây dựng một cây cầu nông thôn ở buôn Tơ Lơ. Sau khi hoàn thành cầu được bàn giao cho địa phương thế là xong. “Họ cho vậy thì biết vậy chứ làm sao đòi hỏi được nữa. Thôi thì bà con đi được lúc nào hay lúc đó”, ông Chơn cho biết.
Theo tỉnh Đoàn Đắk Lắk, cầu Suối Đục được thiết kế theo kiểu cầu tràn. Tức là nước không thoát kịp thì có thể tràn qua mặt cầu. Do kinh phí ít nên cầu được thiết kế và làm ở giữa lòng suối. Người dân không đi được qua cầu là do xã không là đường dẫn ở hai bên bờ vào với cầu. Thế nhưng theo bà con ở đây, vào mùa mưa có làm đường thì đường cũng ngập trong nước.
Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk có hàng trăm điểm cần được xây dựng cầu treo, cầu bê tông bắc qua sông qua suối để phục vụ nhu cầu đi lại và sản xuất của người dân. Việc khảo sát, thiết kế và xây dựng cầu theo kiểu “cầu Suối Đục” thì thật lãng phí. Vì vậy, chủ đầu tư dự án cần nghiêm túc rút kinh nghiệm để những cây cầu nông thôn thật sự mang lại lợi ích thiết thực cho bà con vùng sâu, vùng xa.
Anh Dũng