Chưa xuất hiện vé tàu “chợ đen”

Trước thông tin phản ánh xuất hiện vé tàu tại thị trường “chợ đen” trong dịp tết Nguyên đán sắp tới, phóng viên đã đi tìm hiểu thực tế vấn đề này tại ga Hà Nội.

Đóng vai một người đi mua vé tại ga Hà Nội, phóng viên vừa đi xe chậm lại đã có một vài “phe vé” chạy lại hỏi “có mua vé không, vé chặng nào?”. Sau khi trao đổi, một người trong nhóm cho phóng viên số điện thoại và đề nghị nếu cần vé tàu đi Tết chặng nào thì cứ alo sẽ có ngay.

Cách ga chính khoảng 200 m, một số người tầm trung tuổi cũng ra hỏi “có mua vé tàu không”. Sau khi trao đổi và cho số điện thoại, khoảng 2 tiếng sau phóng viên nhận được điện thoại của một trong những người này (tên là Nga) hỏi cụ thể đi tuyến nào, mua bao nhiêu vé, thời điểm đi.

Hành khách đặt mua vé tại Ga Hà Nội. Ảnh: Quang Quyết-TTXVN

Khi hỏi giá vé đi Hà Nội – Tp. Hồ Chí Minh ngày 26, 27 âm lịch là bao nhiêu, chị Nga cho biết, giá vé 1.584.000 đồng/vé chiều Hà Nội – Sài Gòn, tiền chênh 100.000 đồng và cứ mang tiền ra ga là lấy được vé.

Trao đổi với về vấn đề này, bà Phùng Thị Lý Hà, Phó Tổng giám đốc Công ty Vận tải hành khách Hà Nội, kiêm Giám đốc Chi nhánh vận tải hành khách Hà Nội khẳng định, không có vé tàu tại "chợ đen" và công ty cũng chưa nhận được phản ánh của hành khách về tình trạng này. Ngoài ra, phía công ty cũng kiểm soát rất chặt chẽ, minh bạch nên không có chuyện "găm vé", đầu cơ vé dịp Tết Nguyên đán tới.

Theo bà Phùng Thị Lý Hà, tại ga Hà Nội hiện phần lớn hành khách mua vé qua website và ga Hà Nội đang hoạt động bình thường, phương án bán vé Tết đã được tổ chức bán từ 1/10/2015. Ngoài ra, công tác kiểm soát vé của ngành đường sắt cũng rất chặt chẽ tất cả vé tàu đi của khách hàng đều phải trùng tên với chứng minh thư của hành khách mới được lên tàu.

Bà Phùng Thị Lý Hà khẳng định một lần nữa là không thể mua được vé vào những ngày cao điểm và hệ thống đã báo hết vé. Còn đối với những ngày không cao điểm, hành khách ngại vào ga mua vé, không lên mạng để đăng ký mua vé mà nhờ người khác mua vé nên các “cò vé” có thể lợi dụng vào ga mua giúp để hưởng giá chênh lệch.

Về công tác kiểm soát vé trước lên tàu, có thể nói sau khi ngành đường sắt bỏ quy định kiểm soát vé tại cửa ra vào ga để tạo điều kiện cho hành khách thì công tác kiểm soát vé được đặt trách nhiệm lên đoàn tiếp viện của ngành đường sắt.

Ông Lê Tiến Dũng, Phó Giám đốc Đoàn tiếp viên đường sắt Hà Nội cho biết, đối với kiểm soát vé điện tử đối với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã triển khai rất chặt chẽ. Đối với đoàn tiếp viên đã được Tổng công ty trang bị thiết bị cầm tay để kiểm soát vé điện tử ngay trên tàu. Hiện nay, đối với đầu Sài Gòn hầu như mỗi một toa đều có một máy để kiểm soát vé tàu. Ngoài ra khi tàu chạy, đoàn tiếp viên cũng bố trí mang máy đi theo để kiểm soát vé.

“Theo đó, quy trình đầu tiên là kiểm tra chứng minh thư của hành khách khớp với vé và với sơ đồ toa mà nhà ga đã in ra. Kể cả trong trường hợp máy kiểm tra vé tàu điện tử bị lỗi thì nhân viên đoàn tiếp viên cũng có thể kiểm soát chính xác người đi trên tàu có đúng là đang đi vé của mình hay không. Những trường hợp không đúng tên thì đoàn tiếp viên kiên quyết mời hành khách đó xuống ga gần nhất hoặc yêu cầu mua vé bổ sung”. – ông Lê Tiến Dung khẳng định.

Về công tác đảm bảo an ninh trong và ngoài ga Hà Nội dịp chuẩn bị đón tết Nguyên đán, ông Hà Quốc Hùng, Trưởng ga Hà Nội cho biết, nhà ga thường xuyên có thực hiện các biện pháp ngăn chặn những đối tượng xe ôm vào trong sân ga chào, mời khách gây mất an ninh, trật tự khi tàu về. Lãnh đạo ga đã chỉ đạo lực lượng tự quản của ga phối hợp với lực lượng công an tại ga để giữ trật tự và đảm bảo an ninh.

Tuy nhiên, vào những thời điểm cao điểm, nhất là vào đầu sáng sớm nhiều tàu ở phía Nam và phía Bắc cùng về trong một khoảng thời gian rất ngắn nên có thể xảy ra tình trạng xe ôm vào chào mời khách. Trong thời gian tới, lãnh đạo ga sẽ chỉ đạo quyết liệt để giải quyết vấn đề này.

“Đối với hiện tượng vẫn còn một số đối tượng hoạt động quanh ga cò vé, bán vé, nhà ga đã làm việc với công an tại ga Hà Nội, công an phường Cửa Nam đề nghị phối hợp xử lý, ngăn chặn những đối tượng này”, ông Lê Quốc Hùng cho hay.

Về phía Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), để ngăn chặn hiện tượng cò vé có thể xảy ra cũng như tạo điều kiện cho hành khách đi tàu, ngành đường sắt sẽ đưa ra một số giải pháp cụ thể như từ nay đến hết ngày 19/1/2016, hành khách có nhu cầu trả vé, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ khấu trừ 5% theo đúng quy định quản lý vé tàu điện tử.

Cụ thể, mỗi hành khách chỉ được phép trả tối đa 4 vé; người trả vé phải có giấy tờ tùy thân hợp lệ trùng với thông tin của người mua vé hoặc thông tin của người đi tàu và có đầy đủ giấy tờ hợp lệ của các vé trả. Bắt đầu từ 0h00 ngày 20/1/2016, mức khấu trừ trả vé của các mác tàu có ngày đi tại ga xuất phát trong khoảng thời gian từ ngày 29/1/2016 đến ngày 6/2/2016 và từ ngày 11/2/2016 đến 23/2/2016 là 30% số tiền in trên thẻ đi tàu và phải trả vé trước 24 tiếng so với giờ tàu chạy. Đồng thời, chỉ có người có tên trong thẻ đi tàu mới được trả vé.

Bên cạnh đó, VNR sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát trên tàu dưới ga. Kiên quyết không để hành khách không có giấy tờ tùy thân hợp lệ trùng với thông tin của hành khách đi tàu.

Quang Toàn (TTXVN)
Tạo điều kiện cho hành khách mua, trả, đổi vé dịp Tết Bính Thân
Tạo điều kiện cho hành khách mua, trả, đổi vé dịp Tết Bính Thân

Để người dân có điều kiện và cơ hội sử dụng tàu hỏa đi lại trong dịp Tết Bính Thân và hạn chế tối đa nạn cò vé chợ đen làm ảnh hưởng đến quyền lợi của hành khách, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) sẽ tạo mọi điều kiện hỗ trợ hành khách.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN