Chất lượng nước biển ven bờ đang suy giảm

Sự gia tăng hàm lượng chất hữu cơ và dầu mỡ là những vấn đề cần quan tâm đối với chất lượng nước biển ven bờ trong những năm gần đây.

Theo đánh giá của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, chất lượng nước biển ven bờ ở nước ta còn khá tốt, với hầu hết giá trị các thông số đặc trưng cho chất lượng nước biển nằm trong giới hạn cho phép của Quy chuẩn Việt Nam (QCVN 10-MT:2015/BTNMT).

Nhưng do ảnh hưởng từ khu vực cửa sông và sự tiếp nhận chất thải của các hoạt động phát triển kinh tế ven biển, một số vùng biển có hàm lượng tổng chất rắn lơ lửng (TSS) cao.

Ô nhiễm chất hữu cơ phổ biến


Số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, hàng năm có khoảng 70% chất thải đổ ra biển có nguồn gốc từ đất liền bởi các nhà máy, xí nghiệp, khu dân cư, bệnh viện, sản xuất nông nghiệp...

Phần lớn các chất thải này chưa được xử lý, thông qua hệ thống thoát nước xả thẳng ra các sông, trăm sông đổ về biển hoặc xả trực tiếp ra biển, mang theo một lượng lớn các chất bồi lắng, nhựa, hóa chất, kim loại, cặn dầu, thậm chí cả những chất phóng xạ. Bởi vậy ô nhiễm bởi chất hữu cơ trong nước biển ven bờ đã và đang diễn ra khá phổ biến ở các tỉnh, thành phố ven biển.

Hàm lượng các thông số quan trắc như COD, NH4 trong giai đoạn 2011 -2015 tại hầu hết các khu vực đã ở mức cao vượt ngưỡng QCVN (mục đích nuôi trồng thủy sản và bãi tắm), đặc biệt là ở khu vực biển phía Bắc và miền Nam. Chẳng hạn như Âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng) là một trong những điểm nóng về ô nhiễm môi trường nước biển trong những năm gần đây.

Đặc biệt, hiện tượng thủy triều đỏ đã và đang diễn ra ở vùng biển Nam Trung Bộ. Cụ thể tại các bãi biển dọc các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận hiện tượng thủy triều đỏ đã xuất hiện và gây nhiều hậu quả khá nghiêm trọng đến tài nguyên sinh vật và môi trường.

Nguyên nhân do quá trình phát triển du lịch, đô thị hóa, nông nghiệp, công nghiệp... dẫn đến lượng chất thải hữu cơ và dinh dưỡng quá nhiều trong nước (hiện tượng phú dưỡng). Đồng thời, nghề sản xuất giống thủy sản và nuôi lồng các loài tôm hùm, cá mú cũng thải ra môi trường lượng dinh dưỡng đáng kể, tạo điều kiện thuận lợi cho tảo phát triển.

Trong lĩnh vực thủy sản, giai đoạn vừa qua diện tích mặt nước sử dụng cho nuôi trồng không tăng, nhưng sản lượng thủy sản lại gia tăng liên tục với mức tăng bình quân 9,07%/năm.

Tổng diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản hàng trăm nghìn ha, trong đó diện tích nước mặn và nước lợ chiếm 72% tổng diện tích. Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực nuôi trồng và xuất khẩu thủy sản chính của nước ta, với tổng sản lượng xuất khẩu hàng năm chiếm 65% tổng sản lượng thủy sản toàn quốc.

Bên cạnh những thành tựu về mặt kinh tế, áp lực môi trường trong nuôi trồng thủy sản (thiên tai, dịch bệnh, xử lý thức ăn dư thừa) là một trong những vấn đề mang tính thời sự hiện nay. Việc xây dựng đầm ao nuôi trồng thủy sản ở vùng cửa sông ven biển dẫn đến những thay đổi về nơi sinh sống của quần xã sinh vật, độ muối, lắng đọng trầm tích và xói lở bờ biển.

Hơn nữa, tại một số khu vực nuôi tôm, cá tập trung (trong đó có nuôi trên cát), việc xả thải các chất hữu cơ phú dưỡng, chất độc vi sinh vật (cả mầm bệnh) và các chất thải sinh hoạt bừa bãi từ chăn nuôi..làm cho môi trường suy thoái, bùng nổ dịch bệnh và gây thiệt hại đáng kể về kinh tế cũng như về điều kiện môi trường sinh thái.

Trung bình mỗi năm Việt Nam cần khoảng 4,4 triệu tấn thức ăn cho nuôi trồng thủy sản. Đáng lưu ý là hiện chưa có quy chuẩn kỹ thuật về thức ăn nuôi trồng thủy sản để có thể công bố, cấp chứng nhận như quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Việc nuôi trồng thủy hải sản cũng làm phát sinh chất thải đáng kể khi mà người dân xả trực tiếp chất thải rắn ra biển gồm những phân bón, thức ăn nhân tạo sử dụng trong nuôi trồng.

Bình quân một ha nuôi tôm sẽ thải ra môi trường khoảng 5 tấn chất thải rắn và hàng chục nghìn mét khối nước thải chỉ trong một vụ nuôi. Điều này dẫn tới các nơi cư trú sinh vật bị hủy hoại, dịch bệnh xuất hiện tràn lan… Chẳng hạn như ở Vườn quốc gia Cát Bà với 5.400 ha mặt nước, từ một hòn đảo trong lành, kể từ khi được đưa vào khai thác du lịch và nuôi trồng thủy sản mà ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, bởi mỗi ngày có hàng nghìn tấn rác đổ trực tiếp ra biển.

Mặt trái của kinh tế biển

Với lợi thế là quốc gia nằm sát đường hàng hải quốc tế, nơi có mật độ tàu biển qua lại cao nhất nhì thế giới và thuận lợi về điều kiện địa lý, nước ta có nhiều điều kiện để xây dựng và phát triển hệ thống cảng biển, kể cả các cảng biển nươc sâu trên khắp các vùng biển.

Tính đến tháng 9/2014, các tỉnh, thành phố duyên hải đã có tổng cộng 44 cảng biển các loại. Đặc biệt, không gian xây dựng cảng biển thường ở những nơi có các hệ sinh thái nhạy cảm và rất giá trị. Điều đó dẫn tới các hoạt động của cảng đều tác động tiêu cực đến sinh thái và môi trường tự nhiên, như làm mất các nơi sinh cư của động thực vật, gây ô nhiễm nước, không khí và đất xung quanh khu vực cảng.

Những tác nhân gây ô nhiễm vùng cảng biển lớn nhất là dầu mỡ khoáng, các phế thải trên tàu và phế liệu xây dựng xả xuống biển. Do đó, hàm lượng dầu mỡ khoáng trong nước biển cũng có xu hướng gia tăng tại các khu vực vịnh và cảng biển.

Một số khu vực cảng biển có hàm lượng dầu mỡ khoáng vượt ngưỡng QCVN. Nguyên nhân chủ yếu do hoạt động của các tàu thuyền làm rò rỉ nhiên liệu gây ra.

Tại một số khu vực như Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), biển Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh), bãi Trước và bãi Sau (Bà Rịa - Vũng Tàu), hàm lượng dầu mỡ khoáng cũng được phát hiện nhưng chưa vượt QCVN 10-MT:2015/BTNMT. Phát triển về số lượng cảng biển và mật độ tàu thuyền trong những năm qua đã làm gia tăng mối đe dọa về ô nhiễm môi trường biển.

Việc đầu tư mở cảng ở những địa phương không có nhiều lợi thế cảng nước sâu trong khi hàng hóa ít, điều kiện tự nhiên không cho phép khiến một số cảng phải làm đê chắn sóng, nạo vét luồng hàng hải, thường xuyên duy tu bảo dưỡng, làm mới hệ thống giao thông đường bộ... thậm chí phá vỡ quy hoạch, gây ô nhiễm nghiêm trọng đến môi trường biển.

Đặc biệt, nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt đổ ra biển chưa qua xử lý nên chỉ số vi trùng học luôn ở mức cao. Ở một số cảng đáng báo động là hàm lượng thủy ngân đã vượt ngưỡng cho phép, đơn cử như cảng Vũng Tàu vượt 3,1 lần, cảng Nha Trang vượt 1,1 lần…

Trung tâm quan trắc và Phân tích môi trường tỉnh Quảng Ninh cho biết: Ô nhiễm dầu mỡ khoáng tại vùng ven bờ Vịnh Hạ Long tại khu vực Cửa Lục - cầu Bãi Cháy, hàm lượng dầu có xu hướng tăng trong giai đoạn 2011 - 2015, đạt giá trị từ 0,012mg/L đến 0,826mg/L so với quy chuẩn là 0,2mg/L.

Khu vực ven bờ bến chợ Hạ Long 1 và khu vực ven bờ cột 5, cột 8 thuộc thành phố Hạ Long hàm lượng dầu mỡ khoáng tuy có xu hướng giảm trong năm 2013 và 2014, nhưng vẫn vượt ngưỡng cho phép trong tất cả các đợt quan trắc.

Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch: Mặc dù chịu sự ảnh hưởng của những biến động toàn cầu và khu vực, du lịch Việt Nam vẫn tăng trưởng với lượng khách quốc tế tới tham quan, nghỉ dưỡng tăng theo hàng năm. Năm 2014, lượng khách du lịch từ 5 nước Tây Âu đến Việt Nam đạt hơn 635.000 lượt người, so với gần 516.000 lượt người năm 2010, trung bình giai đoạn 2010 - 2014 tăng 5,35%/năm.

Năm 2015 cũng chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của khách du lịch nội địa với 48,8 triệu lượt người (cả năm 2014 đạt 38,5 triệu lượt người). Cùng với đó là sự mở rộng quy mô về cơ sở vật chất kỹ thuật dịch vụ du lịch; hệ thống hạ tầng, lưu trú, vận chuyển, giải trí...

Do tốc độ phát triển nhanh chóng và việc gia tăng lượng khách du lịch, tăng cường hoạt động xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch; gia tăng nhu cầu sử dụng các giá trị tài nguyên thiên nhiên như các nguồn nước, cảnh quan tự nhiên, bãi biển, hồ nước,... đã gây tác động không nhỏ đến môi trường được thể hiện rõ nét nhất là vấn đề rác thải, nước thải, chất thải độc hại và vấn đề vệ sinh môi trường từ hoạt động du lịch...

Tại nhiều khu vực, do hoạt động du lịch phát triển “nóng” vượt năng lực quản lý, hoặc do nhận thức của những người có trách nhiệm và điều hành còn hạn chế nên các hoạt động du lịch đã vượt quá khả năng đáp ứng của tài nguyên thiên nhiên và môi trường, gây tình trạng ô nhiễm cục bộ và nguy cơ suy thoái môi trường về lâu dài.

Nhất là công tác vệ sinh tại các khu du lịch ven biển chưa được chú trọng, rác thải chưa được thu gom xử lý triệt để, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân còn kém dẫn tới tình trạng vứt rác, thức ăn thừa bừa bãi trên biển biến bãi biển thành nơi chứa rác khổng lồ, tác động ngược trở lại quá trình phát triển du lịch.

Những nguyên nhân nêu trên đã và đang làm tình trạng ô nhiễm môi trường biển ngày càng trầm trọng, nguồn tài nguyên từ biển bị suy giảm đáng kể, đòi hỏi phải các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng phải nỗ lực hơn nữa trong công tác ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển từ mọi nguồn, để bảo vệ môi trường sống của chính con người trong hiện tại và tương lai.

Văn Hào (TTXVN)
Nước biển Nghệ An đạt chuẩn quốc gia về chất lượng
Nước biển Nghệ An đạt chuẩn quốc gia về chất lượng

Từ cuối tháng 4/2016 đến nay, qua thực hiện 19 lần quan trắc với 41 mẫu nước biển ven bờ, ngày 8/6, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An đã có kết luận, tất cả các chỉ tiêu phân tích tại 41 mẫu nước biển ở Nghệ An đạt chuẩn quốc gia về chất lượng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN