Video cầu Đuống xuống cấp nghiêm trọng do quá tải:
Theo ghi nhận của phóng viên báo Tin tức, mỗi lần có xe tải trọng lớn đi qua, toàn bộ mặt đường, thành lan can cầu rung lên bần bật, người và xe cơ giới xóc long sòng sọc. Thêm vào đó, hàng loạt thanh tà vẹt gỗ đường sắt đã bị mục ruỗng, nứt, cũ mới xen kẽ kiểu "xôi đỗ" do không được đầu tư đồng bộ, cộng với trụ cầu đã xuống cấp nghiêm trọng, trơ cốt thép. Thực tế này cho thấy cầu cần phải được đại tu, sửa chữa gấp để đảm bảo an toàn giao thông.
Cầu Đuống dài 225 m, gồm 3 phần đường riêng rẽ: Đường sắt khổ đơn 1.435 mm ở giữa, hai bên là đường bộ cho hai chiều phương tiện từ trung tâm Hà Nội đi Bắc Ninh và ngược lại. Tàu hỏa thỉnh thoảng mới có chuyến chạy qua, nhưng do là tuyến huyết mạch quốc lộ 1A cũ, nên các phương tiện đường bộ, nhất là xe tải chở hàng hóa từ Hà Nội đi các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang hàng ngày qua cầu nườm nượp.
Cầu Đuống được xây dựng và đưa vào khai thác năm 1902, với công năng kết hợp giao thông đường bộ quốc lộ 1 cũ và đường sắt tuyến Hà Nội - Đồng Đăng). Trong chiến tranh chống Mỹ, cầu bị bom đánh sập, đến năm 1981 cầu mới được xây dựng lại và đưa vào sử dụng đến nay. Năm 2010, cầu được sửa chữa lớn nhân dịp đón 1.000 năm Thăng Long, với các hạng mục thay tấm đan phía hạ lưu, thảm lại mặt cầu đường bộ, hàn gia cố một số liên kết, sơn cầu... nhưng do không được bảo trì thường xuyên trong nhiều năm qua, cầu hiện nay đã xuống cấp.
Theo đại diện Công ty CP Đường sắt Hà Hải (Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, đơn vị quản lý, bảo trì cầu, nguyên nhân xuống cấp là do do vốn duy tu hàng năm không đáng kể, không đáp ứng được yêu cầu bảo trì thường xuyên. Năm 2021, kinh phí được bố trí bảo dưỡng cầu khoảng 2,2 tỷ đồng, nhưng chỉ đáp ứng khoảng 50% yêu cầu sửa chữa theo định mức kinh tế kỹ thuật.
Trong khi đó, lưu lượng các phương tiện đường bộ qua cầu hàng ngày lớn, trong đó có nhiều xe quá khổ, quá tải, mặc dù tải trọng cho phép qua cầu chỉ được 13 tấn, dẫn đến mặt cầu đường bộ, khe co giãn thường xuyên bị phá hoại, cầu thường xuyên rung lắc. Trong điều kiện vốn duy tu hạn hẹp, Công ty CP Đường sắt Hà Hải chỉ sửa chữa bảo dưỡng 1 lần/năm, bảo quản 3 lần/năm, với các hạng mục như: Hàn lan can, hàn khe co giãn, trám vá đường bộ... Song, kinh phí chủ yếu dành cho bảo trì đường sắt, vốn được duyệt cho đường bộ không đáng kể, nên chỉ có thể hỏng đâu sửa đó.
Dự kiến, cầu Đuống hiện tại sẽ chỉ khai thác đến năm 2025. Bộ GTVT đang triển khai Dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống (cầu đường sắt Đuống), với tổng vốn dự kiến gần 1.900 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Dự án được triển khai do cầu Đuống hiện tại có tĩnh không hạn chế, chỉ 2,8 m; bề rộng khoang thông thuyền nhịp giữa 26 m, nguy cơ cao xảy ra va chạm giữa tàu và trụ cầu, tiềm ẩn mất an toàn giao thông đường thủy, đường bộ, đường sắt.
Dự án xây dựng mới riêng rẽ 2 cầu đường bộ, đường sắt thay vì kết hợp hai loại hình đi chung một cầu như hiện nay. Sau khi hoàn thành xây dựng cầu mới, sẽ dỡ bỏ cầu hiện tại. Mục tiêu của dự án, nhằm từng bước tăng cường năng lực vận tải đường thủy trên hành lang đường thủy số 1, cải thiện điều kiện giao thông kết nối qua sông Đuống trên tuyến giao thông huyết mạch phía Bắc thành phố; đồng thời, tách cầu đường bộ ra khỏi cầu đường sắt để đảm bảo an toàn và tránh ùn tắc.
Trong khi chờ triển khai xây lắp và hoàn thành dự án, cầu Đuống hiện tại vẫn khai thác bình thường. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn giao thông qua khu vực cầu, Công ty CP Đường sắt Hà Hải kiến nghị đẩy nhanh xây dựng cầu mới; trong khi chờ đợi, TP Hà Nội cần cấm triệt để các loại xe quá khổ, quá tải qua cầu.
Bộ GTVT mới đây đã lựa chọn phương án kiến trúc xây dựng cầu Đuống đường sắt có chiều dài dự kiến khoảng 330 m, kết cầu phần trên dự kiến sử dụng nhịp bằng thép, kết cấu phần dưới bằng bê tông cốt thép. Cầu Đuống đường bộ, chiều dài cầu dự kiến khoảng 472 m và chiều rộng cầu 16 m. Cả 2 cầu đều đạt tiêu chuẩn thiết kế với tốc độ 80 km/giờ.