Cấp bách bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn

Tỉnh Đồng Nai hiện còn khu rừng phòng hộ ngập mặn với diện tích trên 8.611 ha, nằm tại hai huyện Long Thành và Nhơn Trạch. Đây là hệ sinh thái rừng ngập mặn có ý nghĩa rất quan trọng, có tác dụng giữ đất, ngăn gió chắn sóng, bảo vệ dân cư ven sông, ven biển. Ngoài ra, khu rừng này được coi là “lá phổi xanh” của khu vực Long Thành và Nhơn Trạch.

 

Nhiều thách thức trước tác động môi trường


Theo điều tra mới nhất về tính đa dạng sinh học ở khu rừng ngập mặn này, nơi đây vẫn còn giữ được sự đa dạng về quần xã thực vật, gồm các kiểu sinh thái: quần xã cây bụi, quần xã cây Mấm, quần xã Đước và quần xã dừa nước. Trong đó, các loài thực vật đã thống kê được có 97 loài với 81 chi. Về đa dạng loại động vật, đã xác định có 6 loài thú, 52 loài chim, 14 loài bò sát, 8 loài lưỡng cư và còn nhiều loại động vật khác chưa được phát hiện.


 

Một góc rừng tràm U Minh Hạ. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

 

Ông Lê Sỹ Tuấn, Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành cho biết: Rừng ngập mặn này nằm dọc theo dòng sông Thị Vải giáp với huyện Cần Giờ, đây là khu vực bị tàn phá trong nhiều thập niên trước. Hiện nay, do nhu cầu phát triển kinh tế, hàng loạt cảng nước sâu, khu công nghiệp tập trung đã phát triển bên bờ sông Thị Vải, khu dân cư Nhơn Trạch đang hình thành, đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây đang trong giai đoạn thi công. Sự phát triển của các công trình công nghiệp và dân sinh đã phát sinh các loại chất thải rắn và nguồn nước bị ô nhiễm do sinh hoạt đô thị và công nghiệp, diễn biến khí hậu phức tạp đã tác động thường xuyên, liên tục trên dòng sông Thị Vải. Đây là thách thức không nhỏ đối với rừng ngập mặn Long Thành.


Theo các nhà khoa học, biến đổi khí hậu và nhiệt độ môi trường tăng cao có thể làm cho rừng ngập mặn dịch chuyển lên những vùng vĩ độ cao hơn và thậm chí rừng sẽ không thể quang hợp được nếu nhiệt độ tăng quá cao. Hơn nữa nồng độ CO2 tăng cao cũng khiến các rặng san hô ven bờ bị suy thoái, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái rừng ngập mặn do thiếu mất rào chắn tự nhiên từ các rặng san hô này. Các nhà khoa học còn cho rằng, quá trình phát triển công nghiệp và đô thị sẽ phát sinh những hậu quả về môi trường như chất thải rắn, ô nhiễm nguồn nước, nên cần có sự đồng bộ và nhất quán trong quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội tại các địa phương theo hướng gắn với bảo vệ môi trường...

 

Bảo vệ và tái tạo rừng ngập mặn là ưu tiên số một


Ông Lê Sỹ Tuấn, Ban quản lý rừng phòng hộ Long Thành cho biết, tỉnh Đồng Nai đã đầu tư trên 3 tỷ đồng để triển khai mô hình trồng rừng, nhằm tạo sự đa dạng sinh học về loài và tạo mật độ thích hợp cho rừng ngập mặn từ nay đến năm 2014. Hiện nay, Ban quản lý rừng phòng hộ Long Thành đang thực hiện mô hình trồng thử nghiệm một số cây bản địa rừng ngập mặn thuộc dự án bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ. Mô hình được thực hiện trên khu vực có nhiều cây bụi, độ che phủ rừng thấp. Các loài cây được chọn trồng thử nghiệm gồm: gõ biển, su, dà và cây cóc vàng, với tổng diện tích trồng gần 70 ha.


Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai, hệ sinh thái rừng ngập mặn phòng hộ Long Thành là một hệ sinh thái lồng ghép, có nhiều chức năng quan trọng, đó là chức năng ứng phó với biến đổi khí hậu, chức năng lá phổi xanh cho khu đô thị Nhơn Trạch, chức năng đa dạng sinh học đối với Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, chức năng bảo vệ môi trường ven sông, ven biển. Việc bảo vệ và phát triển được hệ sinh thái này theo hướng đa chức năng hoàn toàn không khó nếu chúng ta có giải pháp phù hợp. Vì vậy, trong công tác bảo vệ môi trường, Đồng Nai rất chú trọng quy hoạch kiến trúc không gian, quy hoạch hạ tầng cơ sở ở khu vực theo hướng gắn với bảo vệ đa dạng sinh học đối với khu rừng ngập mặn này và cân nhắc đưa việc bảo vệ rừng ngập mặn Long Thành lên hàng ưu tiên số một.


Lê Hiền

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN