Do ảnh hưởng của bão số 3, tỉnh Phú Thọ có mưa vừa, to đến rất to, kéo dài nhiều ngày đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của người dân. Ảnh: Tạ Toàn/TTXVN |
Cụ thể, trong khoảng 6 giờ tới trên sông Bứa có khả năng xuất hiện 1 đợt lũ với biên độ từ 4 - 6 m. Đến ngày 31/7, trên hệ thống sông trong tỉnh sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 2 - 4 m.
Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên sông Thao ở mức báo động 1, trên sông Lô ở mức dưới báo động 1. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở các huyện vùng núi như Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập, Thanh Thủy; ngập úng ở vùng trũng: Hạ Hòa, Cẩm Khê, Tam Nông.
Tính đến 10 giờ 30 ngày 28/7, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới, ở một số khu vực trên địa bàn tỉnh có mưa vừa, mưa to, một số nơi mưa rất to như: Xã Xuân Đài 121.5 mm, Minh Đài 96 mm (huyện Tân Sơn); xã Cự Thắng (huyện Thanh Sơn): 33.1 mm...
Do trời tiếp tục có mưa to, lưu lượng nước trên sông Hồng vẫn tiếp tục chảy mạnh, dòng chảy đổi chiều và áp sát bờ tạo thành hố xoáy rất nguy hiểm, có chỗ sâu hơn 20 m. Tại xã Kinh Kệ, xã Bản Nguyên huyện Lâm Thao đã xuất hiện vết nứt, sạt lở chân đê với chiều dài gần 100 m.
Mưa lớn kéo dài từ ngày 27/7 cũng đã gây ra tình trạng ngập úng cục bộ một số huyện như Thanh Sơn, Yên Lập, thị xã Phú Thọ. Nước ngập cục bộ tại một số khu vực là do các cống thoát nước vẫn còn đóng bùn, chưa thoát kịp nước.
Trước tình hình thời tiết sẽ diễn biến phức tạp, ngày 28/7, Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ Hoàng Dân Mạc đã đi kiểm tra thực tế tại các huyện bị ảnh hưởng nặng của bão lũ, đồng thời chỉ đạo các cấp, ngành trong tỉnh nhanh chóng xử lý khẩn cấp đoạn sạt lở chân đê tại xã Bản Nguyên và xã Kinh Kệ (huyện Lâm Thao). Quá trình xử lý cần đảm bảo an toàn cho người thi công, tránh tâm lý chủ quan gây thiệt hại về người và tài sản; phân công lực lượng thường trực 24/24 giờ.
Huyện Tam Nông tập trung gia cố đoạn đê bị vỡ trên địa bàn xã Quang Húc, để đảm bảo công tác phòng chống thiên tai cũng như việc đi lại cho người dân. Cấp ủy, chính quyền địa phương cần thực hiện triệt để phương châm “4 tại chỗ”; tăng cường phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão lũ gây ra; tiếp tục làm tốt công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh trên người và đàn vật nuôi. Về lâu dài, các ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ trong việc quy hoạch, quản lý, di dời dân cư ở những vùng trũng thấp, vùng dễ bị sạt lở đến nơi an toàn; xây dựng được quy hoạch cho vùng hạ du sông Bứa gồm quy hoạch dân cư, sản xuất, hạ tầng, đảm bảo yêu cầu phòng tránh lũ và phát triển sản xuất bền vững.
Hoàn lưu bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề trên địa bàn Phú Thọ, nhiều vùng đất đá sạt lở, giao thông chia cắt, hệ thống hồ đập, đê kè bị hư hỏng, người dân thiếu nước sinh hoạt, môi trường ô nhiễm, gây thiệt hại lớn về kinh tế, đời sống người dân hiện gặp nhiều khó khăn.