Ngay khi mưa lũ vừa dứt, chính quyền và bà con nhân dân các địa phương khẩn trương tập trung khắc phục hậu quả, ổn định đời sống và khôi phục sản xuất.
Thanh Sơn là một trong những huyện phải gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất khi bão số 3 đi qua. Tính đến ngày 22/7, toàn huyện có trên 3.700 hộ dân bị ngập, trong đó trên 2.700 hộ dân phải di dời đến nơi an toàn. Trên 550ha lúa, 100ha ngô bị ngập úng; thiệt hại trên 2.500 con lợn và 50.000 con gà. 5 doanh nghiệp xuất khẩu gỗ bị ảnh hưởng nặng nề; trên 3.000 ô tô, xe máy bị ngập trong nước. Tổng thiệt hại ước khoảng 277 tỉ đồng.
Đến 11 giờ sáng 22/7, tuy nước đã rút hết nhưng dọc tuyến đường từ cầu Khánh vào đến thị trấn Thanh Sơn, bùn đất vẫn còn đọng hầu hết trong nhà của các hộ dân đã bị nước lũ tràn vào nhà từ đêm ngày 20/7.
Bà Hoàng Thị Hội, ở phố Khánh, vừa cố quét lớp bùn đang bám chặt vào thành tủ, vừa thẫn thờ nhìn những tải ngô, lúa đang phủ 1 lớp bùn đặc quánh. Bà Hội chia sẻ, mặc dù đã được cảnh báo có lũ nhưng không ngờ nước lại lên nhanh như thế. Nước ập vào nhà lúc 3 giờ sáng ngày 20/7 khi gia đình vẫn đang say ngủ. Tỉnh giấc nước đã ngập trên đầu gối, không kịp di dời một cái gì cả chỉ vội kéo nhau chạy ra khỏi nhà để giữ tính mạng. Bây giờ mọi đồ đạc trong nhà đã bị hư hỏng hết. Gần 1 tấn ngô, lúa vừa thu hoạch xong cũng đã trộn toàn bùn đất…
Không chỉ riêng nhà bà Hội, các hộ dân khác ở dọc khu phố Khánh, khu Phú Gia… cũng đang nỗ lực tát nước, vét bùn từ các nền nhà và các vật dụng của gia đình. Chị Nguyễn Thị Hương đang cố gắng múc từng chậu nước đục ngầu từ nền nhà vẫn còn ngập đến 40cm đổ ra ngoài bộc bạch, đã gần 40 tuổi nhưng tôi chưa từng thấy một trận lũ nào lớn như thế này. Hiện điện, hệ thống điện, nước cũng đã mất toàn bộ. Đồ đạc trong nhà bị ngập bùn, đồ để ăn, thức uống vẫn đắp đầy bùn bẩn, thậm chí áo cũng không có để mặc…
Ông Kiều Đức Mạnh, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Thanh Sơn cho biết, trước tình hình thiệt hại xảy ra, để ổn định cuộc sống của bà con sau mưa lũ, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện huyện chỉ đạo các xã, thị trấn ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả thiên tai, khẩn trương thống kê thiệt hại báo cáo cấp trên để có hướng hỗ trợ nông dân ở các vùng thiên tai sớm ổn định cuộc sống, vừa hướng dẫn người dân khôi phục nhanh sản xuất. Trước mắt, huyện chỉ đạo ngành điện lực, nước sạch khôi phục nhanh hệ thống điện, nước để người dân có điện, nước để sử dụng. Bên cạnh đó, tăng cường công tác vệ sinh môi trường khu vực vùng ngập nhằm tránh phát sinh bệnh tật…
Trong buổi thị sát thực tế tại huyện Tân Sơn sáng 22/7, ông Hoàng Dân Mạc, Bí thư Tỉnh uỷ Phú Thọ chỉ đạo, phải tập trung mọi nguồn lực, nhân lực để khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra. Ở một số tuyến giao thông, cầu cống bị sạt lở, hư hỏng nặng tại Tân Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ yêu cầu Sở Giao thông vận tải sớm lên phương án kỹ thuật, thi công, tập trung xử lý nhịp cầu Minh Đài bị đứt gãy, giao UBND tỉnh sớm bố trí nguồn vốn để đưa cây cầu lưu thông trở lại trong tháng 8. Cầu treo Văn Luông bị đứt, hư hỏng hoàn toàn 1 trụ cầu phía khu Bến Gạo, xã Văn Luông, UBND huyện Tân Sơn khẩn trương lập phương án khảo sát, thiết kế kỹ thuật, thi công, đảm bảo tính bền vững của cây cầu đặc biệt là trong mùa bão lũ, vì đây là cây cầu huyết mạch kết nối các khu, xóm của xã với hệ thống các điểm trường mầm non, tiểu học, trạm y tế,... của xã Văn Luông. Tỉnh lộ 316 tại vị trí dốc Tre, xã Kiệt Sơn bị sạt lở hàng nghìn m3 đất đá, phải tập trung thêm máy móc, thiết bị vận chuyển đất đá đang bị sạt lở đi nơi khác, không san gạt sang hai bên đường, sớm đưa tuyến đường lưu thông trở lại, các sở ngành liên quan tính toán phương án xây dựng kè chân, mái bằng bê tông cốt thép để đảm bảo tình trạng sạt lở tại đây không diễn ra trong các đợt mưa bão tiếp theo.
Cùng với huyện Thanh Sơn, Tân Sơn một số huyện bị ảnh hưởng của mưa lũ như: Hạ Hòa, Tam Nông, Cẩm Khê, Yên Lập cũng đã bắt tay vào khắc phục thiệt hại. Ông Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Khê cho biết, huyện đã đi kiểm tra, nắm bắt tình hình thiệt hại các xã, thị trấn; đề nghị các xã, thị trấn chủ động huy động lực lượng dân quân tự vệ, công an xã cùng với nhân dân khẩn trương khắc phục thiệt hại. Trong đó, thực hiện các biện pháp khơi thông dòng chảy, tiêu úng đối với những diện tích bị ngập úng. Những nhà dân bị ngập sâu trong nước, có gia súc, gia cầm bị chết, hoa màu bị ngập úng sẽ có nguy cơ bùng phát dịch bệnh sau lũ. Vì vậy, cần tiến hành phun khử trùng tiêu độc, khử khuẩn nguồn nước để đảm bảo nước sinh hoạt hàng ngày. Đối với diện tích rau màu bị ngập úng, cần căn cứ vào thời vụ gieo trồng của từng loại cây để có biện pháp khôi phục hay thay thế bằng loại cây trồng có chất lượng tốt… qua đó, từng bước ổn định sản xuất, đời sống nhân dân.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Thọ, mưa lũ đã làm 3 người chết; 1 người bị thương; gần 3.800 hộ bị ngập nhà phải di dời; 89 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất; hơn 5.100 nhà bị ngập nước, hư hỏng; 2.491ha lúa và hoa màu bị đổ ngập; 25 cọn nước bọ cuốn trôi; 9.800m đê cấp 4 bị tràn; 205m đường giao thông bị sạt lở; 591ha ao nuôi trồng thủy sản bị tràn và 11.000 con gia súc, gia cầm bị chết…
Mặc dù nước trên các sông đang rút nhưng tỉnh Phú Thọ vẫn tiếp tục chỉ đạo các địa phương, ngoài việc khắc phục thiệt hại, cần theo dõi sát sao tình hình diễn biến thời tiết; gia cố, chằng chống nhà cửa, đề phòng tiếp tục có mưa giông. Tăng cường công tác tuyên truyền và các biện pháp phòng chống, đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão cho bà con nhân dân để tránh xảy ra thiệt hại nặng về tài sản và nguy hiểm đến tính mạng. Các xã, thị trấn cần chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, nhân lực, vật lực; có lực lượng thường trực đảm bảo ứng cứu khi xảy ra sự cố theo phương châm “4 tại chỗ”.