Tỉnh Phú Thọ có 34 khu vực dân cư nằm ngoài bãi sông, thuộc các tuyến đê Tả sông Đà, sông Lô, sông Hồng, sông Chảy, sông Bứa với diện tích hơn 1.115 ha và 24.503 nhân khẩu.
Tuy nhiên, theo Quyết định 257/QĐ-TTg ngày 18/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Quy hoạch phòng, chống lũ hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình và Quy hoạch chi tiết phòng, chống lũ các tuyến sông có đê trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thì các hộ dân trên đều ngoài danh mục các khu dân cư tập trung hiện có. Thực tế này đang tồn tại nhiều bất cập, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Thực tế nhiều bất cập
Xã Sai Nga, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ có 9/12 khu dân cư nằm dọc Quốc lộ 32C, đây cũng chính là đê hữu sông Hồng. Hiện xã có hơn 200 hộ với 772 nhân khẩu sống ngay sát chân đê. Hàng trăm năm nay, bờ sông Hồng khi lở khi bồi, nước sông Thao có lúc dâng cao, nhưng nhiều thế hệ người dân Sai Nga vẫn sinh ra, lớn lên, trưởng thành, sản xuất, sinh sống ổn định trên mảnh đất này.
Tuy nhiên, trong quá trình quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch hệ thống đê điều sông Hồng, sông Thái Bình, do thu thập số liệu và điều tra, khảo sát chưa kỹ với tình hình thực tế nên toàn bộ khu vực dân cư tập trung ngoài đê hữu Thao, ven Quốc lộ 32C của xã Sai Nga bị bỏ ngoài danh mục các khu dân cư tập trung hiện có.
Theo phụ lục III của Quyết định 257/QĐ-TTg ngày 18/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phòng, chống lũ hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, thì khu vực nhà cửa, vườn cây và các công trình phụ trợ kiên cố của người dân xã Sai Nga đang sinh sống đê hữu Thao được tính trùng với chỉ giới hành lang thoát lũ. Cũng do nằm trong khu vực quy hoạch hành lang thoát lũ nên trong khi đợi rà soát, điều chỉnh hay quyết định di dời, khu vực này phải được giữ nguyên hiện trạng.
Người dân muốn xây dựng công trình phải thỏa thuận với đơn vị quản lý đê và phải tuân thủ các qui định chuyên ngành. Đặc biệt, từ khi Quyết định 257 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, việc chuyển mục đích sử dụng đất từ đất vườn sang đất ở của bà con nơi đây dừng lại. Nhiều hộ dân sinh sống 3 - 4 thế hệ trong một nhà, nay con cháu trưởng thành, muốn tách hộ làm nhà riêng nhưng không được. Nhiều nhà ở dân cư đã hư hỏng, cấp thiết phải xây dựng lại, nhưng chỉ được cấp giấy phép có thời hạn và việc xây dựng lại nhà ở phải dựa trên cơ sở nguyên trạng… Đây cũng chính là nguyên nhân khiến địa phương gặp nhiều khó khăn trong xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội phục vụ đời sống người dân.
Ông Nguyễn Đức Trường - Phó Chủ tịch UBND xã Sai Nga chia sẻ: Không chỉ gây khó khăn trong sản xuất, sinh hoạt và ổn định cuộc sống của người dân, những bất cập trong việc quy hoạch hành lang thoát lũ hiện nay còn gây trở ngại đáng kể cho việc phát triển kinh tế của người dân và địa phương. Một số hộ đầu tư phát triển sản xuất, muốn tiếp cận các tổ chức tín dụng phải có xác nhận bất động sản không tranh chấp, không trong diện giải tỏa và không trong quy hoạch mới được vay vốn. Tuy nhiên, vì nằm trong quy hoạch hành lang thoát lũ, nếu xã xác định đúng thực trạng bất động sản thì người dân không thể vay vốn ngân hàng, còn nếu muốn tạo điều kiện xác nhận cho bà con là không nằm trong quy hoạch thì xã lại làm sai.
Huyện Cẩm Khê có hơn 25km đê hữu Thao, chạy qua địa phận 13 xã. Một số hành lang thoát lũ trùng với tuyến đê chính - hiện nay đồng thời là Quốc lộ 32C và có chỉ giới hành lang thoát lũ cách đê chính 200-300m. Đúng theo qui định trên, Cẩm Khê có 21 khu dân cư với hơn 1.000 nhân khẩu tại khu vực ngoài đê trùng với khu vực thuộc hành lang thoát lũ. Theo nguyên tắc, đã nằm trong không gian chứa lũ thì phải di dời, giải tỏa để đảm bảo khả năng thoát lũ.
Trong khi đó, để chuyển những khu dân cư trên ra khỏi khu vực bãi sông cần nguồn kinh phí rất lớn và rất khó tìm được quỹ đất tái định cư. Thực tế này không chỉ gây khó khăn cho sự phát triển kinh tế - xã hội mà còn gây ra những bức xúc trong nhân dân... Những bất cập này không sớm được giải quyết sẽ là trở ngại rất lớn đối với việc ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất của người dân cũng như địa phương có khu vực dân cư tập trung nằm ngoài đê.
Tương tự, ở xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy có gần 400 hộ dân với 1.268 nhân khẩu của 4 khu dân cư đang sinh sống ngoài tuyến đê tả sông Đà cũng không có tên trong phụ lục III của Quyết định 257/QĐ-TTg. Sinh sống ngoài đê, không có tên trong danh mục các khu dân cư tập trung hiện có được tồn tại, bảo vệ, điều đó dẫn đến nguy cơ phải di dời, ...
Theo Chủ tịch UBND xã Xuân Lộc Lê Quốc Kỳ, không chỉ nhà cửa, ruộng vườn, xã còn có một quần thể di tích cấp quốc gia gồm đình Hạ Bì Trung và 2 đền, 1 chùa có từ mấy trăm năm nay cũng nằm trong diện này. Khi chưa được xây kè thì khu vực này có xảy ra sạt lở nhưng được nhà nước đầu tư xây kè, nhiều năm nay tình trạng này đã chấm dứt. Năm 2017 vừa qua, đập thủy điện Hòa Bình mở gần chục cửa xả đáy nhưng mực nước ở dưới sông không thể dâng lên khu dân cư được. Mong muốn của người dân ven sông nơi đây là cấp trên cần xem xét, điều chỉnh lại hành lang thoát lũ cho phù hợp với thực tế hiện nay. Đồng thời bổ sung các khu dân cư ngoài đê hiện đang sinh sống ổn định nhiều năm qua vào danh mục được tồn tại, bảo vệ; được cải tạo, xây dựng mới công trình, nhà ở để người dân ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất.
Tôn trọng tự nhiên
Ông Trần Quốc Bình - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, so với Quy hoạch năm 2007 thì Quy hoạch phòng, chống lũ hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình năm 2016 có một số nội dung khác biệt như: Không gian thoát lũ được xác định bao gồm, khu vực lòng sông và bãi sông nằm giữa hai đê; không đề cập đến chỉ giới thoát lũ, tuyến thoát lũ; không nâng cao tuyến đê bối hiện có; không xây mới đê bối.
Đặc biệt, Quy hoạch năm 2016 đã đề cập đến việc quản lý, sử dụng bãi sông, đưa ra quan điểm ứng xử với các khu dân cư hiện hữu, khu vực bãi sông chưa có công trình…Tuy nhiên, do thu thập số liệu và điều tra, khảo sát chưa sát với tình hình thực tế cũng như chưa cập nhật, xem xét kết nối, thống nhất với các quy hoạch khác, đặc biệt là quy hoạch sử dụng đất trước đó của tỉnh cũng như cập nhật các công trình phòng, chống lụt bão mới được xây dựng thời gian qua, đơn vị tư vấn xây dựng Quy hoạch đã bỏ sót nhiều khu dân cư tập trung thuộc vùng bãi sông trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở Quyết định 257/QĐ-TTg, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Thọ phối hợp với Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đứng ra lập quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết cho các tuyến sông có đê trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Sau khi hội thảo, xin ý kiến các sở, ban, ngành, các huyện, thành, thị (vào tháng 3/2017), Sở đã báo cáo thường trực UBND tỉnh và xin ý kiến tham gia của các tỉnh lân cận như: Hà Nội, Vĩnh Phúc… và xin ý kiến thỏa thuận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (tháng 5/2017).
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Thọ cũng đã có văn bản tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung, điều chỉnh một số nội dung liên quan đến tỉnh Phú Thọ vào Quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình. Trong đó, có bổ sung 34 khu vực dân cư quy hoạch xác định được tồn tại, bảo vệ vào danh mục Phụ lục III, Quyết định 257/QĐ-TTg và bổ sung thêm 3 bãi sông tại xã Tề Lễ, xã Quang Húc, huyện Tam Nông vào Phụ lục V, Quyết định 257/QĐ-TTg nhằm tận dụng tối đa nguồn tài nguyên ven sông và quản lý, khai thác tốt nhất khu vực bãi sông…
Cũng theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Quốc Bình: “Việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết của từng tuyến sông có đê trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được thực hiện trên cơ sở điều tra, khảo sát kỹ tình hình thực tế với nguyên tắc “tôn trọng tự nhiên”; cập nhật, xem xét kết nối, thống nhất với các quy hoạch, đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt quy định của Luật đê điều, cũng như các quyết định của Thủ tướng Chính phủ...
Việc chậm thông qua quy hoạch phòng, chống lũ sẽ là rào cản đối với người dân và các địa phương trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội phục vụ đời sống người dân. Trong khi chờ phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, Sở tiếp tục rà soát, bổ sung, điều chỉnh cho hợp lý. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Sở sẽ hoàn thiện Quy hoạch chi tiết, báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua. Lúc đó, những bất cập, bức xúc của người dân về quy hoạch đê điều và hành lang thoát lũ sẽ được giải quyết ”.
Đã bước vào mùa mưa bão 2018. Năm nay, dự kiến mùa mưa đến sớm hơn nửa tháng và lượng mưa sẽ nhiều hơn ở khu vực Bắc Bộ. Bên cạnh việc xúc tiến điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi Quy hoạch phòng chống lũ, thiết nghĩ chính quyền và các ngành chức năng trung ương và tỉnh Phú Thọ cần có sự phối hợp đưa ra hướng dẫn, tổ chức thông tin kịp thời cho bà con sống ngoài đê trước mắt đảm bảo an toàn trong cuộc sống và sản xuất trong các thời điểm xả lũ.