Tháng 10/2017, tỉnh Phú Thọ phê duyệt quy hoạch bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo hướng sắp xếp lại hệ thống bến thủy nội địa hiện có; đồng thời, xây dựng các bến mới nhằm phát huy lợi thế vận tải đường thủy phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, môi trường trên địa bàn.
Tuy nhiên, hiện hầu hết chủ của những bến bãi trái phép vẫn đang loay hoay tìm cách hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép bến bãi. Trong khi đó, các cấp, các ngành liên quan cũng đang tìm giải pháp tháo gỡ những thủ tục hoàn thiện hồ sơ bởi “đụng đâu vướng đó” từ các ngành liên quan khiến cho công tác cấp phép trở nên khó khăn.
Đụng đâu vướng đó
Thông tư số 50 của Bộ Giao thông Vận tải (quy định về quản lý cảng, bến thủy nội địa, có hiệu lực từ ngày 1/1/2015) phân cấp cho Sở Giao thông Vận tải các địa phương cấp mới và cấp lại giấy phép hoạt động bến thủy nội địa, bến khách ngang sông trên cả tuyến đường thủy quốc gia, thay vì do cơ quan cảng vụ đường thủy nội địa cấp như trước.
Việc phân cấp này được xem là bước cải cách, tăng cường vai trò quản lý của ngành chức năng địa phương đối với giao thông đường thủy nội địa; tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, tại Phú Thọ tiến độ việc cấp phép, nhất là cấp lại giấy phép cho các bến, bãi đã hết hạn hoạt động triển khai rất chậm, thậm chí còn "vấp" phải nhiều khó khăn do phải phụ thuộc vào các ngành liên quan đối với những chủ bến bãi khi đi xin cấp phép bến bãi để hoạt động kinh doanh, chủ yếu là vật liệu xây dựng như cát, sỏi…
Ông Nguyễn Xuân Thường, Giám đốc công ty Trách nhiệm hữu hạn Thường Xuyên cho biết, nguyên nhân bến chưa được cấp phép là do nhiều bến, bãi có từ những năm 2000 được cấp phép hoạt động từ trước khi có Luật Giao thông đường thủy nội địa, Luật Đất đai 2013.
Còn hiện nay, hợp tác xã tại địa phương không cho thuê đất nữa khiến cho các chủ bến, bãi đã và đang hoạt động cấp tốc hoàn thiện hồ sơ gửi cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng chưa biết bao giờ mới xong.
Còn ông N.Đ.H- chủ bến, bãi vật liệu xây dựng không phép ở huyện Đoan Hùng cho hay, bãi của ông đã hoạt động 3 năm nay. Nay tỉnh Phú Thọ quy hoạch lại để cấp phép cho bến hoạt động đúng quy định.
Tuy nhiên, việc hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép đang gặp nhiều khó khăn do quy định về đất đai, môi trường, đê điều cũng như liên quan đến thuế và kế hoạch đầu tư xây dựng bến bãi… bởi có quá nhiều ngành tham gia xây dựng hồ sơ cấp phép, dẫn đến có thể bị chậm, thấm chí không được cấp phép…
Theo ông Thường: Ở Phú Thọ đa phần các bến bãi đã và đang hoạt động về cơ bản là đã có quỹ đất để xin cấp phép. Tuy nhiên, để được cấp phép còn cần rất nhiều nội dung khác để hoàn thiện hồ sơ như: Đánh giá tác động môi trường; đảm bảo hành lang đê điều; quy trình nộp thuế ngân sách… Vì thế, nhiều doanh nghiệp hiện nay vẫn đang loay hoay tìm cách hoàn thiện hồ sơ cho đủ, khiến việc cấp phép trở nên khó khăn và cần phải có thời gian…
Thực tế cho thấy, ngoài một số bến, bãi được cấp phép từ trước thì còn lại đa phần các bến bãi chưa được cấp phép hoặc trái phép vẫn hoạt động để chờ xin cấp phép. Việc các bến, bãi này vẫn hoạt động dẫn đến nhiều hệ lụy như: Thất thu thuế, phí môi trường, khó kiểm soát soát nguồn gốc sản phẩm, nguy hiểm hơn là gây ô nhiễm môi trường khu vực, vi phạm nghiêm trọng hành hành đê điều…
Ông Nguyễn Hùng Sơn, Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Thọ cho rằng:Vướng mắc nhất trong cấp phép bến thủy hiện nay là vấn đề đất đai. Trước kia, chủ bến chỉ cần có hợp đồng thuê đất của xã, phường là tự mở bến, bãi kinh doanh.
Nhưng theo Luật Đất đai hiện hành, nếu chủ bến là doanh nghiệp phải được thành phố hoặc tỉnh cho thuê đất, còn là hộ kinh doanh cá thể phải được cấp huyện cho thuê. Thời hạn cho thuê phụ thuộc vào từng quỹ đất, dài thì từ 30 đến 49 năm, ngắn thì chỉ vài năm.
Sở Giao thông Vận tải tỉnh Phú Thọ là đơn vị cấp mới và cấp lại giấy phép hoạt động bến thủy nội địa. Vì vậy, đơn vị này cũng muốn cấp phép nhanh để tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh, tránh thất thu thuế, phí và các loại phí, đồng thời cũng kiểm soát được môi trường, cũng như đảm bảo an toàn đê điều… Thế nhưng đơn vị lại phải chờ lấy ý kiến của các các sở, ngành liên quan như: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư…
Ai chịu trách nhiệm?
Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về bến thủy nội địa trên địa bàn đã được tỉnh Phú Thọ quan tâm chỉ đạo và đạt được một số kết quả. Hoạt động bến bãi trái phép đã từng bước được chấn chỉnh, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, qua kiểm tra, rà soát cho thấy công tác quản lý, giám sát về việc mua bán, vận chuyển, tập kết cát sỏi tại các bến bãi chưa được kiểm soát chặt chẽ. Đoàn liên ngành đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 71 bến với số tiền xử phạt 585 triệu đồng.
Ngoài ra, các bến bãi không phép không phải chịu bất kỳ ràng buộc nào với Nhà nước, thậm chí trách nhiệm với xã hội như đảm bảo an ninh trật tự. Ngân sách thất thu, xã hội phải gánh những hệ lụy từ các bến bãi “tặc”, còn tiền thì chảy vào túi một vài cá nhân.
Ông Nguyễn Hùng Sơn, Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Thọ cho hay, theo phân cấp quản lý, hoạt động các bến bãi thuộc trách nhiệm của Sở Giao thông Vận tải quản lý, thanh tra Sở Giao thông Vận tải có trách nhiệm kiểm tra, xử lý nếu có trường hợp bến bãi không phép, trái phép so với giấy cấp phép.
Sở Tài chính kiểm tra việc phản ánh về hoạt động bến bãi hoạt động gây thất thu tiền, phí, thuế; sở Xây dựng sẽ quản lý kiểm tra việc cấp phép xây dựng hạng mục công trình; sở Tài nguyên và Môi trường quản lý chịu trách nhiệm về đất đai…
Thực tế tại nhiều địa phương, tình trạng hút cát, vận chuyển, tập kết vật liệu xây dựng ngay trên hành lang đê diễn ra suốt ngày đêm. Vì lợi nhuận mà nhiều doanh nghiệp đã bất chấp, không quan tâm đến an toàn đê điều.
Ông Nguyễn Xuân Thường, Giám đốc công ty Trách nhiệm hữu hạn Thường Xuyên chia sẻ, hiện nay, hàng loạt bến bãi không phép tồn tại đã phá giá thị trường về vật liệu xây dựng. Khách hàng sẽ chọn mua sản phẩm bến không phép vì trốn được thuế, giá rẻ… Việc này, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu suất kinh doanh của các bến chính quy.
Theo ông Trần Long, Giám đốc Cảng Việt Trì, việc mở bến bãi, cảng nhỏ lẻ, không được cấp phép thì xảy ra tình trạng trốn thuế, phí, làm thất thu ngân sách. Các bến bãi này, cơ sở hạ tầng không được ổn định, chất lượng không tốt vì không được đầu tư bài bản, tuân thủ những quy định, tiêu chuẩn xây dựng bến thủy nội địa; công tác về môi trường không được đảm bảo, nhất là trong quá trình vận chuyển, việc chấp hành về trọng tải, biện pháp bảo vệ môi trường… không được chú trọng nên khi đi qua khu dân cư sẽ làm ảnh hưởng bụi, bẩn, tiếng ồn đến đời sống, sinh hoạt…
Ngoài ra, bến bãi không phép sẽ làm phá vỡ quy hoạch bến thủy nội địa (lượng hàng hóa; chiến lược lâu dài về kết nối đường thủy và đường sắt…; phương thức vận tải…) trên địa bàn tỉnh…
Rõ ràng, việc bến bãi mở ra tràn lan và không có sự tính toán, quy hoạch sẽ đem lại nhiều hệ lụy khôn lường. Đã đến lúc cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, kiên quyết của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương. Mỗi người dân cũng cần có ý thức ngăn chặn với các hoạt động phi pháp.