Tăng kết nối hành lang, tạo đột phá vận tải thủy nội địa

Những thí điểm kết nối hành lang vận tải đường thủy của ngành Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Việt Nam đã và đang khơi dậy tiềm năng kết nối vận tải thủy bộ, mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp và thu hút đầu tư ngày càng tăng vào lĩnh vực này.

Vận tải ĐTNĐ "chia lửa" cho đường bộ

Từ năm 2015 – 2017, Bộ GTVT đã thí điểm mở tuyến vận tải hành lang ven biển Quảng Ninh - Quảng Bình - Bình Thuận - Kiên Giang dành cho tàu pha sông biển, nhằm khơi dậy tiềm năng, thúc đẩy phát triển lĩnh vực ĐTNĐ vốn là hình thái giao thông thế mạnh của Việt Nam, nhưng chưa được đầu tư tương xứng.

Nguyên vật liệu xây dựng hiện nay chủ yếu vận chuyển bằng qua đường thủy nội địa.

Trước đây, khi chưa có tuyến vận tải ven biển này, các doanh nghiệp vận tải thường phải sử dụng tàu biển để chở hàng đi vào miền Nam. Tàu biển có mức đầu tư lớn hơn rất nhiều so với những tàu sông pha biển cùng tải trọng. Nếu một chiếc tàu biển loại 1.000 tấn có mức đầu tư khoảng từ 27 - 30 tỷ đồng, chỉ chạy bằng đường biển, thì 1 chiếc tàu sông pha biển 2.000 tấn chỉ khoảng 13 tỷ đồng, có thể cập các cảng thủy nội địa để đón chở hàng.

Đại diện Công ty Cổ phần Thương mại và Vận tải Thái Hà (huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) cho biết, là đơn vị tiên phong chạy tàu vận tải tuyến hành lang ven biển, đây là bước đột phá mang lại những lợi ích rất to lớn cho doanh nghiệp.  Thực tế, việc đưa vào khai thác tuyến vận tải ven biển đã giúp cho các doanh nghiệp giảm được rất nhiều chi phí đầu tư, vận hành trong hoạt động vận tải, đặc biệt là tăng cường mạnh mẽ sức cạnh tranh, tạo “cú hích” mạnh cho phương thức vận tải vốn là thế mạnh quốc gia, nhưng còn chậm phát triển này.

Theo Cục ĐTNĐ Việt Nam, sau gần 3 năm hoạt động, tuyến vận tải ven biển đầu tiên được triển khai đã đem lại bước đột phá lớn, kết nối vận tải đường sông - ven biển - đường bộ thông suốt Bắc - Trung - Nam.

Đến đầu năm 2018, tuyến ĐTNĐ hành lang này đã có gần 42.000 lượt tàu thuyền trọng tải lớn vào và rời cảng, bến thủy nội địa, cảng biển, với hơn 35.300.000 tấn hàng hóa được vận chuyển. Riêng năm 2016, vận chuyển hàng hóa trên tuyến vận tải này tăng trưởng 254% so với năm 2015.

Hàng hóa được vận chuyển trên tuyến khá đa dạng. Trong đó, chặng từ Quảng Ninh, Hải Phòng đi Thanh Hóa, Hà Tĩnh chủ yếu là vật liệu xây dựng, thiết bị máy móc, than... Chiều ngược lại từ Nghệ An, Hà Tĩnh đi Hải Dương chủ yếu là vật liệu đá. Chặng từ Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn đi các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế là nguyên liệu, phụ gia cho các nhà máy xi măng, xăng dầu và hàng hóa tổng hợp. Tuyến từ TP Hồ Chí Minh đi Vũng Tàu, Kiên Giang và ngược lại gồm các mặt hàng tổng hợp như: Gạo, phân bón, vật liệu xây dựng, gỗ, hàng tiêu dùng...

Theo đánh giá của Bộ GTVT, tuyến vận tải ven biển đã khắc phục những hạn chế trong việc khai thác lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của đất nước ta, nhờ đó thúc đẩy mạnh mẽ cho sự phát triển lĩnh vực ĐTNĐ. Đây cũng đang tuyến ĐTNĐ duy nhất giảm tải cho đường bộ trên tuyến hành lang vận tải Bắc - Nam, thực hiện tốt chiến lược phát triển dịch vụ vận tải, thúc đẩy tái cơ cấu và tạo sự kết nối trong lĩnh vực vận tải.

Tháo gỡ bất cập để phát triển ổn định

Ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết, tuyến vận tải hành lang này đã thực sự “chia lửa” cho vận tải đường bộ, với hơn 900 doanh nghiệp tham gia vận chuyển hàng hóa.

Tàu trọng tải lớn khó lưu thông qua các cầu có khoang tĩnh không thông thuyền thấp, thường phải đợi thủy triều xuống. Đây là bất cập lớn cần tháo gỡ.

“Sản lượng vận tải của tuyến tương ứng với số lượng hàng hóa được giảm áp lực vận tải cho QL1. Với sản lượng vận tải trên 35 triệu tấn, đã giảm khoảng 1,2 triệu xe ô tô tải loại 30 tấn. Đó là minh chứng rõ hiệu quả và thiết thực nhất”, ông Hoàng Hồng Giang khẳng định.

Tuy nhiên, việc kết nối tuyến vận tải này hiện còn nhiều bất cập cần tháo gỡ. Cụ thể là theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, trên toàn tuyến, nhu cầu tàu trọng tải cỡ lớn trên 20.000 tấn vẫn khó lưu thông do luồng lạch hạn chế; tàu thuyền thiếu tính kết nối giao dịch vận tải để tạo thành trục lưu thông hàng hóa chính; các doanh nghiệp vận tải ĐTNĐ còn nhỏ lẻ, thiếu hệ thống đồng bộ phục vụ các giao dịch vận tải, dẫn đến tình trạng nhiều tàu chuyển hàng từ Bắc vào Nam rồi chạy rỗng chiều ra hoặc ngược lại; công tác giám sát hành trình chưa được nâng cao...

Về vấn đề này, Cục ĐTNĐ Việt Nam đang phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng sàn giao dịch vận tải, nhằm kết nối hàng hóa một cách hiệu quả, tăng sản lượng vận tải cho ĐTNĐ.

Ngoài ra, Cục ĐTNĐ Việt Nam sẽ sớm hoàn thiện cơ sở phần mềm dữ liệu kết nối đồng bộ với Cục Hàng hải Việt Nam và Cục Đăng kiểm Việt Nam, để siết chặt và bắt buộc các tàu vận tải trên tuyến phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; đồng thời, tăng cường đối thoại doanh nghiệp để giải quyết kịp thời những bất cập thực tiễn trong quá trình hoạt động của tuyến, cũng như mở rộng phạm vi hoạt động của tàu thuyền tới các nước Campuchia, Thái Lan, Myanmar ở phía Nam và Trung Quốc ở phía Bắc.

Tiến Hiếu - Huy Hùng/Báo Tin tức
‘Giải cứu’ người dân ven Kênh Chợ Gạo
‘Giải cứu’ người dân ven Kênh Chợ Gạo

Kênh Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) đang bị sạt lở nghiêm trọng. Hàng ngày, hàng trăm hộ dân sinh sống dọc bờ kênh hiện nay vẫn “nơm nớp” lo sợ ngôi nhà, mảnh vườn của mình và tuyến giao thông “độc đạo” ven kênh có thể bị hà bá nuốt chửng bất cứ lúc nào, nếu như dư án giai đoạn 2 Đầu tư xây dựng, nâng cấp kênh tiếp tục “dậm chân tại chỗ”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN