Vận tải thủy đồng bằng sông Hồng vẫn “lép vế”:

Cần bổ sung đường thủy nội địa thuộc diện khuyến khích đầu tư

Xung quanh vấn đề làm thế nào để khai thác tối đa các thế mạnh, thúc đẩy vận tải thủy đồng bằng sông Hồng phát triển, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam Hoàng Hồng Giang về vấn đề này.

Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam Hoàng Hồng Giang.


Thưa ông, nguyên nhân nào khiến cho vận tải thủy vùng chưa phát triển xứng với tiềm năng sẵn có?

Hiện nay, hoạt động vận tải thủy vẫn khai thác dựa vào tự nhiên là chính, trên từng tuyến chỉ đạt 40 - 60% tần suất phương tiện đi lại. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước còn nhiều bất cập, chưa giải quyết kịp thời các vấn đề của thực tiễn hoạt động vận tải thủy nội địa; công tác rà soát, bổ sung, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật còn chưa kịp thời; nhân sự chưa đáp ứng yêu cầu; đoàn phương tiện khai thác cũ, lạc hậu, chậm đổi mới về công nghệ; công tác đầu tư kết cấu hạ tầng, duy tu, bảo trì chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, mô hình tổ chức kinh doanh vận tải của các doanh nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa gắn kết để phát huy lợi thế; cộng sự kết nối với các phương thức vận tải khác chưa đồng bộ để tạo thành mạng lưới giao thông liên hoàn... làm đội chi phí vận tải.


Vậy làm thế nào để khắc phục tình trạng này, thưa ông?

Để giải quyết các “điểm nghẽn”, phải rà soát lại toàn bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kết nối giữa đường thủy với các phương thức khác để xây dựng kế hoạch cụ thể, trọng tâm, trọng điểm ưu tiên đầu tư theo hình thức xã hội hóa, đẩy nhanh tiến độ và giám sát chất lượng các dự án đang triển khai.

Để vận tải thủy nội địa vùng phát triển tương xứng với tiềm năng mà thiên nhiên ưu đãi, tạo đột phá trong phát triển kinh tế khu vực thì cần có những chính sách đầu tư hợp lý, cũng như sự quan tâm phối hợp của các ngành, các cấp, các địa phương, cũng như sự quyết liệt đổi mới của tự thân ngành Đường thủy. Đồng thời, cũng cần huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội để phát triển vận tải thủy nội địa kết nối đồng bộ với các phương thức vận tải khác. Cùng với đó, khai thác có hiệu quả cơ sở hạ tầng hiện có, kết hợp với đầu tư mới việc xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, tập trung cải tạo, nâng cấp các tuyến đường thủy nội địa chính trong vùng.


Ông có thể cho biết, thời gian tới ngành ĐTNĐ có những giải pháp cụ thể gì để khai thác tối đa thế mạnh, phát huy hết khả năng vận tải thủy trong vùng?

Thời gian tới, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam sẽ đề nghị Chính phủ bổ sung đường thủy nội địa (đầu tư, bảo trì, khai thác) vào lĩnh vực khuyến khích, ưu đãi đầu tư; đồng thời, xây dựng và ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn Luật Giao thông đường thủy nội địa bổ sung, sửa đổi; xây dựng cơ chế thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường thủy nội địa để hoàn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa và rà soát, bổ sung các quy hoạch về đường thủy nội địa, đảm bảo có hệ thống kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa đồng bộ. Mặt khác, đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp trong lĩnh vực đường thủy nội địa theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GTVT. Tất các giải pháp này đều nhằm khai thác tối đa mọi nguồn lực, mọi kênh vốn đầu tư, nhất là nguồn vốn xã hội hóa của từng địa phương trong khu vực, nhằm xây dựng phát triển toàn diện vận tải thủy nội địa toàn vùng.


Cục ĐTNĐ Việt Nam đã thực hiện cải cách thủ tục hành chính như thế nào để tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp tại khu vực đồng bằng sông Hồng nói riêng và trong cả nước nói chung, thưa ông?

Cục ĐTNĐ Việt Nam đang rà soát và đề nghị Bộ GTVT cho sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực như: Quản lý vận tải, quản lý và bảo trì kết cấu hạ tầng; quản lý cảng, bến thủy, phương tiện thủy nội địa; đầu tư xã hội hóa... để đảm bảo hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đường thủy nội địa hoàn thiện, đồng bộ, hiệu quả trong thực tiễn. Đến thời điểm này, Cục ĐTNĐ Việt Nam đã công khai, minh bạch, số hóa toàn bộ các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đường thủy nội địa, kiến nghị tiết giảm từ 88 thủ tục hành chính xuống còn 57 thủ tục. Đến cuối năm 2015, cục sẽ cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với 25 thủ tục và trong năm 2016 hoàn thành cung cấp dịch vụ công trực tuyến cả 57 thủ tục.

Làm được điều này, Cục ĐTNĐ Việt Nam đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và các doanh nghiệp vận tải thủy được sử dụng dịch vụ công và tăng cường giám sát việc thực thi công vụ do các công chức, viên chức tại các cơ quan đơn vị trực thuộc. Cục đang thử nghiệm phần mềm quản lý cấp phép vào/rời cảng bến, cho phép chủ tàu có thể làm thủ tục vào/rời cảng bến qua các website, email, tin nhắn sms, fax, điện thoại... mà không phải trực tiếp làm việc với cảng vụ viên. Điều này sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian và tiền bạc của các chủ tàu và lái tàu khi vào/rời cảng bến.

Xin cảm ơn Cục trưởng!
Nhóm PV
“Điểm nghẽn” của vận tải vùng
“Điểm nghẽn” của vận tải vùng

Mặc dù có lợi thế về địa lý, giá cước vận tải rẻ... nhưng vận tải thủy nội địa đồng bằng sông Hồng vẫn chưa được khai thác hiệu quả do có nhiều “điểm nghẽn” về hạ tầng, cảng bến, thủ tục hành chính...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN