Hai nạn nhân xấu số trong vụ giếng sập ngày 2/11 nêu trên là vợ chồng ông N.Đ.H (sinh năm 1964) và bà T.T.L (sinh năm 1963), trú thôn Nam Hải, xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh.
Tại thời điểm đó, bà L đang chế biến thức ăn cạnh giếng nước, ông H sử dụng máy bơm nước lên bồn thì bất ngờ giếng nước có tiếng động lớn, sau đó, thành giếng đổ sụp kéo theo vợ chồng ông bà xuống giếng khiến cả hai tử vong.
Theo lãnh đạo xã Vạn Ninh, người dân ở đây có thói quen đào giếng sâu, rộng, sau đó xây thành giếng và đậy nắp bê tông lên để bảo vệ. Giếng nước lâu ngày không được bảo dưỡng, bị xói lở bên trong nhưng không được kiểm tra, phát hiện kịp thời nên rất nguy hiểm, có thể sập giếng bất cứ lúc nào.
Sau vụ việc, nhiều người dân có giếng đào trên địa bàn bày tỏ lo lắng và cẩn trọng hơn khi sử dụng giếng.
Bà Nguyễn Thị Lý, ở xã Vạn Ninh cho biết, trong nhà bà đang có một giếng đào trải qua nhiều năm sử dụng và hiếm khi kiểm tra, xem xét tình trạng của giếng. Sau vụ việc, gia đình bà rất cẩn trọng mỗi khi ra giếng lấy nước.
Cũng giống bà Lý, nhà ông Nguyễn Văn Toản (ở xã Vạn Ninh) đã kiểm tra giếng đào nhà mình. Ông cho biết, giếng nước có tình trạng xói lở, sụt hàm ếch và xuống cấp do sử dụng nhiều năm. Gia đình ông đang sửa chữa, nếu cảm thấy an toàn thì sử dụng, còn không ông quyết định lấp đất bỏ giếng.
Ông Nguyễn Hữu Lương, Chủ tịch UBND xã Vạn Ninh cho biết, người dân ở đây có thói quen đào các giếng khơi để lấy nước phục vụ ăn uống và sinh hoạt. Nhiều giếng nước có thời gian sử dụng đã lâu lại không được kiểm tra thường xuyên nên có nguy cơ bị xói lở, sụt hàm ếch bên trong rất nguy hiểm, tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Hiện, trên địa bàn xã Vạn Ninh có khoảng hơn 1.000 giếng nước, trong đó, nhiều giếng nước đã qua sử dụng hàng chục năm. Dù hiện nay người dân đã chuyển qua sử dụng nước sạch nhưng các giếng nước vẫn được bà con giữ lại phục vụ mục đích khác. Chính quyền địa phương đang yêu cầu người dân kiểm tra để có biện pháp duy tu, khắc phục xuống cấp, đảm bảo an toàn khi sử dụng.