“Cuộc chiến” xóa bỏ lò gạch thủ ở Hà Nội:

Cần mạnh tay và vào cuộc đồng bộ

Hà Nội đã cơ bản xóa bỏ các lò gạch nung thủ công, nhưng vẫn còn một số lò gạch nung đang hoạt động tại một số địa bàn của Thủ đô. Đáng nói hơn là thời gian gần đây dư luận lại "dậy sóng", cho rằng có sự tiếp tay, "bảo kê" từ phía cán bộ chính quyền địa phương trong vấn đề này.

Hà Nội đã vào cuộc từ sớm, nhưng vẫn còn tồn tại một số lò gạch nung thủ công hoạt động không phép trên địa bàn.

Nhiều năm qua, thành phố Hà Nội đã quyết liệt và triển khai trên diện rộng về việc dẹp bỏ các lò gạch nung thủ công gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Năm 2012, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch về việc triển khai xóa bỏ các lò gạch thủ công trên toàn địa bàn, chủ yếu tập trung tại các huyện như: Thanh Oai, Mê Linh, Thường Tín, Thanh Trì, Hoài Đức, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Sóc Sơn, Thạch Thất, thị xã Sơn Tây. Hiện nay, toàn thành phố đã giảm được 1.751 lò gạch, giảm 93% tổng số lò gạch thủ công trên địa bàn.


Tuy nhiên, do một số nguyên nhân, nên số ít các lò gạch còn lại vẫn chưa được dẹp bỏ triệt để như: Tốc độ xây dựng trên địa bàn những năm qua rất lớn, nhu cầu vật liệu xây dựng, trong đó có gạch ngói nung ngày càng cao. Trong lúc đó, sản lượng gạch tuynel mới chiếm khoảng một nửa nguồn cung trên thị trường, nên chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ.


Nhiều lò gạch nung thủ công vẫn đang được hoạt động đến hết năm 2016 do quy định của thành phố năm 2013.

Bên cạnh đó, công tác quản lý của một số chính quyền địa phương còn hạn chế; một số huyện, xã chưa kiên quyết trong việc xóa bỏ lò gạch thủ công. Tại một số khu vực giáp ranh giữa các huyện như Quốc Oai, Thạch Thất; khu vực bãi sông thuộc các huyện Đan Phượng, Mê Linh, Đông Anh chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai thực hiện xóa bỏ sản xuất gạch thủ công. 


Một số nơi người dân còn tận dụng đất hạ cốt ruộng, đất đào ao, hồ, đất bãi ven sông để sản xuất gạch theo thời vụ, thậm chí đốt lò gạch ngay trên diện tích đất ruộng, vườn của gia đình, nên công tác quản lý của cơ quan chức năng gặp khó khăn. Hầu hết các huyện chưa triển khai xác định cụ thể vùng sản xuất vật liệu xây dựng trong đó có sản xuất gạch tuynel, vật liệu xây dựng không nung theo quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng của thành phố. Một số huyện có đề nghị được đầu tư xây dựng nhà máy gạch tuynel, vật liệu không nung, nhưng đang trong giai đoạn lập dự án và đang triển khai. Theo báo cáo của nhiều địa phương, nguồn thu từ làm gạch góp phần vào việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại các xã, thôn. Nhiều huyện không bố trí được kinh phí bằng nguồn ngân sách huyện cho việc hỗ trợ xóa bỏ.

Ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết, thời gian qua huyện đã nỗ lực thực hiện các biện pháp và đã xóa được khoảng 524 lò gạch nung thủ công. Hiện nay trên địa bàn còn khoảng 57 lò đang hoạt động, tuy nhiên đều được chuyển sang lò nung có công nghệ xử lý mới, hạn chế ô nhiễm môi trường. Trong số này, tất cả đều chưa có giấy phép xây dựng và giấy phép hoạt động, nhưng có hàng chục lò được hoạt động theo văn bản quy định của UBND thành phố Hà Nội sau khi họ đã áp dụng công nghệ mới chống ô nhiễm. Hiện còn không ít lò gạch mặc dù đã chủ động chuyển công nghệ mới, nhưng do chưa được sự đồng ý của UBND thành phố, hoạt động trái phép và Sở Xây dựng Hà Nội đã từng lập biên bản xử lý, phạt hành chính, buộc ngừng hoạt động, nhưng hiện vẫn chưa xử lý dứt điểm. 


Bên cạnh đó, có một thực tế là nhiều lò gạch đang hoạt động “không phép”, nhưng lại vẫn tồn tại theo căn cứ văn bản hiện hành của UBND thành phố Hà Nội. Năm 2013, thực hiện việc sắp xếp, dẹp bỏ lò gạch nung, Sở Xây dựng Hà Nội đã có báo cáo gửi UBND thành phố Hà Nội; trong đó đề xuất lựa chọn một số cơ sở sản xuất gạch đủ điều kiện thực hiện việc chuyển đổi áp dụng công nghệ mới xử lý khói, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; đề nghị UBND thành phố phê duyệt phương án chuyển đổi công nghệ, các chủ lò cam kết bảo vệ môi trường cơ sở sản xuất; kiểm soát đúng số lượng lò được phép chuyển đổi, không để các cơ sở, chủ lò, doanh nghiệp nhân rộng. Sở Xây dựng Hà Nội cũng đề xuất việc cho phép các huyện chuyển đổi lò nung thủ công sang áp dụng lò nung quy mô nhỏ 20 – 25 vạn viên/lò, sản lượng khoảng 3 triệu viên/năm/1 lò, theo công nghệ mới có xử lý khói thải đạt kết quả tốt như đã làm thí điểm tại huyện Ba Vì (Hà Nội). Cũng theo văn bản của UBND thành phố Hà Nội vào năm 2013 đã cho phép nhiều lò gạch áp dụng công nghệ mới nằm ở xa khu vực trung tâm tiếp tục hoạt động. Thời gian hoạt động theo quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng của thành phố đến hết năm 2016 (sau năm 2016 những lò chuyển đổi công nghệ này phải chấm dứt hoạt động). Vị trí áp dụng chủ yếu tại các huyện Sóc Sơn, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất, Đan Phượng, Ba Vì, Phúc Thọ, Phú Xuyên, Ứng Hòa.  Từ quy định này, nhiều lò gạch đã chuyển đổi công nghệ vẫn tiếp tục hoạt động đến hết năm 2016.

Nguyễn Văn Cảnh
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN