Những tuyến đường ùn tắc kinh niên
Ùn tắc kéo dài trên 2 tuyến đường Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân) và Nguyễn Trãi (quận Hà Đông) của Hà Nội từ lâu nay đã trở thành bệnh “kinh niên”, vì có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào trong ngày, không kể giờ cao điểm. Tuy nhiên, hai tuyến đường này lại là “cửa ngõ” ra vào nội đô, nên người tham gia giao thông dù rất muốn tránh nhưng vẫn không còn cách nào khác là phải chịu trận chen chân và chấp nhận hít không khí ô nhiễm hàng ngày.
Từ năm 2016, TP Hà Nội đã vận hành tuyến vận tải hành khách công cộng BRT số 01 Bến xe Kim Mã – Bến xe Yên Nghĩa, với hy vọng giải pháp tình thế này sẽ thu hút người tham gia giao thông, giảm thiểu sử dụng phương tiện cá nhân trên 2 tuyến đường. Thời gian đầu, giải pháp này đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, đến nay, giải pháp tình thế này có vẻ đã thất bại. Cùng với BRT, nhiều tuyến buýt thường cũng hoạt động dày đặc, nhưng ùn tắc vẫn gia tăng.
Có thể thấy, tình trạng ùn tắc thường trực là do các phương tiện lưu thông, nhất là người đi xe máy trên hai tuyến đường quá lộn xộn, không theo trật tự nào, mạnh ai nấy chạy. Trên đường Lê Văn Lương, mật độ phương tiện tham gia giao thông cá nhân lớn, trong khi mặt đường dành cho các phương tiện hẹp, phương tiện bị dồn ứ từ các ngã tư không kịp lưu thông sau tín hiệu đèn, khiến tuyến đường liên tục rơi vào cảnh hỗn độn, còn buýt nhanh BRT thì không còn làn riêng di chuyển, thường xuyên phải lấn làn xe máy để “thoát thân”…
Đường Trần Phú - Nguyễn Trãi dù được kết nối với hơn 40 tuyến xe buýt, được trang bị nhiều cầu bộ hành, có hầm chui, tuyến đường được thiết kế đến 6 làn xe, song luôn ken kín phương tiện. Cảnh tượng quen thuộc hàng ngày là dòng xe máy nối đuôi nhau nhích bánh, tranh nhau leo lên vỉa hè, nhưng cũng không thoát được ùn tắc.
Người dân sinh sống trên tuyến phố đang băn khoăn không biết khi tuyến đường sắt đô thị trên cao Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động thì có khắc chế được ùn tắc?
Nhiều tuyến đường khác như: Xuân Thủy (quận Cầu Giấy), Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên), Phạm Hùng (quận Cầu Giấy), Giải Phóng (quận Hoàng Mai)… cũng đều là những tuyến phố “biết rồi khổ lắm nói mãi” về cảnh ùn tắc đã diễn ra lâu nay của Hà Nội, mà ngày càng khó có thuốc chữa nếu Hà Nội không sớm có các giải pháp căn cơ ngay từ bây giờ.
Thí điểm cấm xe máy có khả thi?
Trước thực tế này, TP Hà Nội đang nghiên cứu đề xuất thí điểm cấm xe máy, trước mắt sẽ triển khai trên 2 tuyến đường Lê Văn Lương và Nguyễn Trãi, để đảm bảo cho vận tải hành khách công cộng vận hành, thu hút người tham gia giao thông và đón đầu cho tuyến đường sắt đô thị trên cao Cát Linh – Hà Đông sắp khai thác thương mại tới đây. Nếu triển khai thí điểm hiệu quả, việc cấm xe máy sẽ được nhân rộng, nhằm đảm bảo lộ trình hạn chế xe máy vào năm 2030.
Theo ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, việc thí điểm cấm xe máy ở những tuyến đường nào sẽ được nghiên cứu thấu đáo, trên cơ sở tổng hợp ý kiến người dân và các cơ quan liên quan, nhằm đưa ra phương án khả thi, không ảnh hưởng tới điều kiện đi lại, sinh hoạt bình thường của người dân ở khu vực liên quan. Đề xuất này nằm trong dự kiến đề án phân vùng hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng giai đoạn 2019 - 2020.
Theo đó, phương án đề xuất hạn chế trên 2 tuyến đường thí điểm sẽ cấm hoạt động xe máy vào giờ cao điểm từ thứ 2 đến thứ 6, bố trí làn ưu tiên cho xe buýt, ngoài thời gian cấm trên sẽ xem xét cho phép xe máy có thể hoạt động trên làn ưu tiên của xe buýt.
Trao đổi về vấn đề này, các chuyên gia giao thông lo ngại việc cấm xe máy thí điểm sẽ ảnh hưởng giờ học, giờ làm của người dân và cấm phương tiện trên 2 tuyến đường sẽ khiến phương tiện dồn sang các tuyến đường khác, tiếp tục gây ùn tắc trên các tuyến đường lân cận. Bên cạnh đó, khi vận tải hành khách công cộng chưa đồng bộ, các tuyến buýt nhanh BRT, buýt thường hay đường sắt trên cao sắp vận hành chưa thể thay thế hoàn toàn xe máy, thì việc cấm khó khả thi. Vì thực tế, các tuyến buýt hay đường sắt trên cao hiện chưa kết nối khép kín điểm đầu – điểm cuối để đáp ứng nhu cầu của người tham gia giao thông.
Những bất cập này cũng được không ít người tham gia giao thông phản ánh. Tuy nhiên, trong bối cảnh hạ tầng đô thị không theo kịp tốc độ gia tăng của phương tiện, khiến ùn tắc gia tăng nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô, thì việc thí điểm cấm xe máy trên một số tuyến phố của Hà Nội cũng cần được nghiên cứu triển khai thử, và trên cơ sở kết quả thu được sẽ có các biện pháp cũng như kế hoạch triển khai, để thực hiện được lộ trình hạn chế xe máy vào năm 2030.