Đây là một vấn đề rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập, đời sống của người lao động và tác động đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đòi hỏi phải cân nhắc kỹ cả về nội dung cải cách và lộ trình thực hiện.
Nhân dịp này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã phỏng vấn ông Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, về chính sách tiền lương và ý nghĩa đối với công chức, viên chức, công nhân lao động trong giai đoạn hiện nay.
Thưa ông, việc Trung ương triển khai khảo sát chính sách tiền lương có ý nghĩa như thế nào đối với công chức, viên chức, công nhân lao động trong giai đoạn hiện nay? Qua 13 năm thực hiện cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa VIII) “Một số vấn đề về tổ chức, bộ máy và tiền lương, trợ cấp xã hội thuộc ngân sách nhà nước” và các Kết luận của Hội nghị Trung ương 8 (khóa IX), Hội nghị Trung ương 6 (khóa X), đã đạt được một số kết quả bước đầu, nhưng nhìn chung chưa đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra.
Chính sách tiền lương chưa tạo được động lực động viên người lao động gắn bó, tận tâm với công việc. Ảnh minh họa: Hoàng Nguyên/TTXVN |
Thực tế, chính sách tiền lương chưa tạo được động lực động viên cán bộ, công chức, viên chức, công nhân lao động (gọi chung là người lao động) gắn bó, tận tâm với công việc. Mức lương tối thiểu hiện nay (lương tối thiểu vùng áp dụng đối với khu vực có quan hệ lao động; lương cơ sở áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức khu vực hành chính sự nghiệp) vẫn chưa bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Quan hệ tiền lương hiện hành trong khu vực hành chính, sự nghiệp còn mang tính bình quân và thấp hơn nhiều so với quan hệ tiền lương trên thị trường. Hệ thống thang, bậc lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang còn phức tạp và lạc hậu.
Việc nâng bậc, nâng ngạch chưa thực hiện được theo yêu cầu vị trí việc làm, chưa khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ. Việc mở rộng đối tượng và số lượng các loại phụ cấp đã tạo ra bất hợp lý trong tương quan chung. Cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập hiện còn nhiều bất cập. Tiền lương của cán bộ lãnh đạo, quản lý ở một số doanh nghiệp nhà nước chưa gắn với với hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đang là sự bất hợp lý với người lao động trong doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức khu vực hành chính, sự nghiệp.
Do đó, Ban Chỉ đạo Trung ương về “Cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi với người có công” triển khai khảo sát chính sách tiền lương để xây dựng đề án trình cấp có thẩm quyền quyết định có ý nghĩa rất lớn trong việc hoàn thiện chính sách tiền lương trên cơ sở khắc phục những tồn tại hiện nay, đáp ứng yêu cầu bảo đảm cải thiện đời sống của người lao động; đồng thời tạo động lực, khuyến khích người lao động hoàn thành tốt nhiệm vụ, đóng góp nhiều sáng kiến, sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong hoạt động cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.
Theo ông, mức lương cơ sở hiện tại có những bất cập gì? Về mức lương cơ sở, đây là khái niệm lần đầu xác lập tại Nghị định số 66/2013/ ngày 27/6/2013 của Chính phủ “Quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang”, thay thế mức lương tối thiểu chung Chính phủ quy định trước đó.
Về bản chất, mức tiền lương cơ sở chưa có tài liệu nào làm rõ, nhưng thực tế đang là cơ sở tính mức tiền lương của từng bậc lương cụ thể trong thang, bảng lương ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP của Chính phủ về “Chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang”. Mức lương cơ sở hiện hành quá thấp so với mức tiền lương tối thiểu vùng áp dụng cho khu vực có quan hệ lao động theo Bộ luật Lao động, chưa phản ánh được quan hệ tiền lương trên thị trường. Căn cứ vào mức lương cơ sở để tính lương, trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức là chưa bảo đảm mức sống tối thiểu cho họ và gia đình họ, nhất là đối với những người trẻ mới được tuyển dụng vào cơ quan, đơn vị. Mức tiền lương cơ sở, cùng với chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức hiện nay chưa có sức thu hút người có tài năng vào làm việc cho cơ quan, đơn vị của nhà nước, chưa tạo động lực cho cán bộ, công chức, viên chức thực sự hăng hái phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao. Do đó, mức tiền lương cơ sở đang là bất hợp lý không nhỏ trong chính sách tiền lương hiện hành.
Chính phủ cần có giải pháp gì để việc cải cách tiền lương đạt hiểu quả, thưa ông ? Chính sách tiền lương là chính sách rất quan trọng và nhạy cảm, là cơ sở để bảo đảm cuộc sống hàng ngày và các chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức người lao động, gia đình họ, gắn liền và tạo động lực góp phần phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Việc cải cách chính sách tiền lương phải có sự quyết tâm chính trị cao mới thực hiện được. Thời gian tới, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị Đảng, Chính phủ quan tâm 5 vấn đề sau: