Cải cách tiền lương để tăng năng suất lao động, tạo động lực phát triển

Trả lời phỏng vấn báo chí bên hành lang Quốc hội, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, cải cách chế độ tiền lương chỉ có thể đạt được khi tinh giản bộ máy nhà nước.

Xin ông đánh giá nỗ lực cải cách biên chế của chúng ta trong nhiều năm qua?

Chúng ta đã trải qua mấy chục năm cải cách bộ máy nhà nước và cải cách chính sách tiền lương. Chính sách tiền lương của chúng ta cải cách từ năm 2004, nhưng đến nay không có gì thay đổi ngoài việc điều chỉnh tiền lương cơ sở.

Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi. Ảnh: TTXVN

Bây giờ muốn làm vấn đề này, chúng ta phải tập trung cải cách bộ máy, cải cách tổ chức và sau đó chúng ta mới có điều kiện để cải cách chính sách tiền lương. Còn lâu nay, đánh giá một cách khách quan thì cải cách bộ máy của chúng ta chưa đạt yêu cầu cũng như tinh thần các Nghị quyết của TƯ.

Thực tế, tiền lương của chúng ta có “phần cứng thấp hơn phần mềm”. Suy cho cùng, thu nhập phải căn cứ vào tiền lương và phải căn cứ vào năng suất lao động. Có thể đánh giá một cách khái quát rằng, công cuộc cải cách bộ máy của chúng ta cho đến giờ phút này hiệu quả chưa cao và chưa đạt yêu cầu. Cải cách tiền lương thì chưa đáp ứng đúng bản chất của tiền lương là trả theo số lượng và chất lượng lao động.

Nghị quyết TƯ 6 khóa XII đã bàn đến việc tổ chức, sắp xếp lại bộ máy hệ thống chính trị, góp phần giảm gánh nặng tiền lương cho ngân sách nhà nước. Suy nghĩ của ông về vấn đề này?

Vấn đề quan trọng trong hội nghị TƯ 6 là nghiên cứu đề án về đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập. Đây là một bộ phận viên chức chiếm tỷ trọng lớn nhất trong phần chi ngân sách của Nhà nước. Nếu đề án này được thực thi thì bộ máy của các đơn vị sự nghiệp công lập sẽ tinh gọn và đi theo hướng xã hội hóa. Vấn đề quan trọng là nó làm giảm chi ngân sách cho bộ phận viên chức này, nó chính là một phần để tạo nguồn cho chúng ta cải cách chính sách tiền lương cho khu vực công chức nhà nước.

Tôi nghĩ rằng đã đến lúc chúng ta phải nghiên cứu đề án cải cách chính sách tiền lương để làm sao nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công chức nhà nước. Đó là một trong những yếu tố để tăng năng suất lao động và làm cho bộ máy nhà nước của chúng ta tinh gọn, hiệu lực hơn. Nó sẽ tạo ra động lực phát triển cho đất nước.

Thưa ông, chúng ta nên cải cách thế nào để tiền lương công chức, viên chức xứng đáng với những đóng góp của họ?

Bản chất của tiền lương là trả theo số lượng và chất lượng lao động, chính là giá cả sức lao động. Vấn đề quan trọng, anh muốn thúc đẩy tăng năng suất lao động thì quan trọng là tiền lương và nguyên tắc của tiền lương như thế nào. Bao giờ tốc độ tăng tiền lương bình quân cũng chậm hơn mức độ tăng năng suất lao động để nó có quá trình tích tụ và tái sản xuất mở rộng. Một trong những nguyên tắc cơ bản của tiền lương chính là động lực để thúc đẩy làm việc của công chức, viên chức nhà nước.

Bây giờ muốn cải cách chính sách tiền lương, chúng ta phải xác định được vị trí việc làm của công chức. Khi một người làm công chức ở vị trí này thì anh ta hiểu biết về vấn đề gì, đã qua đào tạo gì, làm được việc gì và việc đó tương xứng với chi trả sức lao động của anh ta là bao nhiêu. Đó chính là nguyên lý để chúng ta cải cách chính sách tiền lương.

Tôi nghĩ rằng chúng ta phải bám chặt lấy chức năng, nhiệm vụ, vị trí việc làm của từng công chức để xác định tiền lương tương ứng như thế nào. Và nếu tiền lương chúng ta đáp ứng đúng yêu cầu như vậy thì có nghĩa nó chính là đòn bẩy và động lực để công chức nhà nước phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đây chính là điều kiện để tăng năng suất lao động.

Bộ máy công chức ngày càng phình to khiến ngân sách nhà nước tốn một phần lớn để chi trả lương. Ảnh minh họa: TTXVN

Khi thảo luận ở tổ, có một số đại biểu cho rằng, con số tăng trưởng biên chế của chúng ta quá nhanh. Ông nghĩ sao về tốc độ tăng biên chế của Việt Nam, nó có ảnh hưởng đến cải cách tiền lương hay không?

Tăng biên chế mà không đáp ứng được nhiệm vụ, chức trách công việc thì nó làm cho năng suất lao động giảm đi. Cho nên vấn đề quan trọng của chúng ta là phải bố trí, sắp xếp làm sao cho bộ máy tinh gọn và phải đáp ứng yêu cầu hiệu lực, hiệu quả.

Tôi nghĩ rằng, muốn cải cách, phát triển đất nước không có con đường nào khác là cải cách từ chính bộ máy, kể cả hệ thống chính trị, hệ thống các đoàn thể và tổ chức chính trị - xã hội. Nếu chúng ta không gọn nhẹ bộ máy thì làm sao có động lực để phát triển được bộ máy. Đông người mà không hoàn thành nhiệm vụ, không tập trung để giải quyết công việc thì nó lại cản trở sự phát triển.
 
Cải cách tiền lương là một vấn đề cấp thiết trong giai đoạn hiện nay và tương lai. Nếu chúng ta không cải cách tiền lương thì rõ ràng sức mạnh phát huy năng lực và tái tạo động lực phát triển xã hội không có. Tiền lương chính là động lực để phát triển đất nước, là động lực để tăng năng suất lao động.

Xu hướng cải cách tiền lương trong thời gian tới sẽ như thế nào và làm thế nào để công chức, viên chức có thể sống bằng tiền lương, thưa ông?

Nguyên tắc tiền lương phải đảm bảo cho người lao động tái sản xuất giản đơn và tái sản xuất mở rộng. Nếu tiền lương không đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu thì làm sao có động lực để phát triển và làm sao để nó tạo được năng suất lao động. Thế nên, vấn đề quan trọng đầu tiên là tiền lương phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Sau đó, tiền lương tăng bao nhiêu phải căn cứ vào tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả công tác.

Hiện nay, chúng ta vẫn có những cơ quan đơn vị, những lĩnh vực mà tốc độ tăng tiền lương bình quân cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động và điều này là nguy hiểm. Muốn cải cách chính sách tiền lương thì phải đảm bảo lương ngang nhau cho lao động như nhau. Anh làm ở những vị trí công tác này hoặc vị trí việc làm này thì tiền lương phải bằng nhau cho cả nam và nữ. Và dù được đào tạo hay không đào tạo, năng lực như thế nào tôi không biết nhưng đã sắp xếp đúng vị trí đó thì phải được trả lương bằng nhau.

Chúng ta đang có tình trạng: Nhiệm vụ hoàn thành thấp, vị trí thấp nhưng tiền lương lại cao hơn vì chúng ta quá nặng về thâm niên công tác. Tiền lương phải căn cứ vào năng suất lao động, vị trí việc làm, căn cứ vào kết quả nhiệm vụ anh đạt được. Còn những khu vực như đơn vị sự nghiệp công lập, những lĩnh vực có quan hệ lao động như khu vực sản xuất kinh doanh thì rõ ràng phải trả lương theo chất lượng lao động và năng suất lao động.

Xin cám ơn ông!

Hoàng Dương/Báo Tin Tức (ghi)
Xây dựng chính sách tiền lương trong doanh nghiệp theo cơ chế thị trường
Xây dựng chính sách tiền lương trong doanh nghiệp theo cơ chế thị trường

Làm việc với Bộ LĐTB&XH chiều 26/10, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công đề nghị Bộ làm rõ thực trạng, xây dựng chính sách tiền lương trong các loại hình doanh nghiệp theo hướng thỏa thuận về giá cả sức lao động theo cơ chế thị trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN