Các tỉnh ven biển chủ động đối phó với diễn biến bão lũ

Hồi 8 giờ ngày 14/9, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 15,5 độ vĩ Bắc; 110,1 độ kinh Đông, cách bờ biển Đà Nẵng-Quảng Ngãi khoảng 140km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 60 đến 75km một giờ), giật cấp 9-10.


Ngày 14/9, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai-Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn có Công điện khẩn số 27 điện: Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiến cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ từ Thanh Hóa đến Bình Thuận và các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk; Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Giao thông vận tải, Ngoại giao chủ động đối phó với diễn biến của cơn bão số 3 và mưa lũ.


Ban Chỉ đạo yêu cầu các địa phương và các Bộ, ngành nêu trên tiếp tục thực hiện nội dung Công điện số 26 ngày 13/9 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn. Đồng thời kiên quyết kêu gọi các phương tiện hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão, để di chuyển vào bờ hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm, được điều chỉnh là vùng biển Nam Vĩ tuyến 17,5; Bắc Vĩ tuyến 14,5 và Tây Kinh tuyến 113.


Trong khoảng 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15km. Đến 19 giờ ngày 14/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,3 độ Vĩ Bắc; 108,6 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Quảng Nam-Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 60 đến 75km một giờ), giật cấp 9-10.


Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 15km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp. Đến 07 giờ ngày 15/9, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 14,8 độ Vĩ Bắc; 106,8 độ Kinh Đông, trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 40km một giờ).


Do ảnh hưởng của bão, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9-10. Biển động mạnh. Khu vực ven biển các tỉnh Quảng Trị-Quảng Ngãi có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9-10. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.


Từ ngày 14-16/9, ở các tỉnh Trung Trung Bộ và Bắc Tây Nguyên có mưa to đến rất to. Từ ngày 15-18/9 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ và đồng bằng Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.


Trên các sông từ Thanh Hóa đến Bình Định và khu vực Bắc Tây Nguyên xuất hiện một đợt lũ. Mực nước trên các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định có khả năng lên mức báo động 1 đến báo động 2, các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi và khu vực Bắc Tây Nguyên có khả năng lên mức báo động 2 đến báo động 3, có nơi trên báo động 3. Đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng vùng trũng tại các tỉnh trên. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 2.

Ngoài ra, khu vực vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8. Khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển ngoài khơi các tỉnh Bình Thuận đến Cà Mau có gió tây nam mạnh cấp cấp 6, giật cấp 7-8 và có mưa dông mạnh. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.
Hiện m ực nước các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình đang lên, các sông khác ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên có dao động nhỏ. Mực nước lúc 01 h/1 4 /9, trên sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ: 5 , 21 m; sông Gianh tại Mai Hóa: 1,65 m; sông Kôn tại Thạnh Hoà: 5,31 m (lúc 7h/13/9).

Dự báo ngày 14/9, mực nước các sông ở Hà Tĩnh, Quảng Bình tiếp tục lên, các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An, từ Bình Định đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên có dao động. Từ tối và đêm nay, mực nước trên các sông từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi sẽ lên. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên thượng nguồn sông La, các sông ở Thừa Thiên Huế, Quảng Nam có khả năng lên mức BĐ1-BĐ2, các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị và Quảng Ngãi có khả năng lên mức BĐ2-BĐ3.

Theo Báo cáo số 360 ngày 14/9 của Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ đội Biên phòng : Tính đến 6h00 ngày 14/9, Biên phòng các tỉnh, thành phố tuyến biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng đã thông báo, kiểm đếm và hướng dẫn cho 40.898 phương tiện, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản/210.047 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh. Cụ thể hoạt động ở khu vực giữa Biển Đông có 471 tầu/5.197 người; lồng bè, lều chòi canh nuôi trồng thủy sản 112/ 515 người.


Theo báo cáo số 01 ngày 13/9 của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình về việc cứu nạn tàu HD 1597 và cứu hộ tàu QB 92780/4 thuyền viên. Lúc 11h/13/9, tàu HD 1597 (ông Nguyễn Văn Binh quê ở Hải Dương là chủ tàu) đang thi công nạo vét tại cửa Gianh bị mắc cạn và chìm. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo 1 tàu/9 Cảnh sát biển của Hải đội 2 tổ chức cứu nạn, hiện đã đưa được 4 thuyền viên vào bờ an toàn. Lúc 9h30’ ngày 13/9, tàu QB92780TS (ông Lê Văn Chung ở Bố Trạch, Quảng Bình là chủ tàu) bị mắc cạn cạnh bờ phía Nam cửa Nhật Lệ, hiện người đã vào bờ an toàn và đang liên hệ giúp đỡ kéo tàu vào bờ.


* Ứng phó với bão số 3: Học sinh thành phố Đà Nẵng được nghỉ học từ trưa 14/9


Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra, sáng 14/9, UBND thành phố Đà Nẵng đã có công điện khẩn yêu cầu các đơn vị khẩn trương triển khai phương án ứng phó với bão.


Theo đó, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Nẵng nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, giữ thông tin liên lạc với các tàu thuyền khác; các địa phương và lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy, Chi cục Thủy sản thành phố phối hợp tổ chức di dời toàn bộ tàu thuyền trên sông Hàn vào khu trú tránh bão Âu thuyền Thọ Quang và vịnh Mân Thái; nghiêm cấm tàu thuyền neo đậu trên sông Hàn; hướng dẫn sắp xếp tàu thuyền neo đậu an toàn. Học sinh trên toàn thành phố được nghỉ học bắt đầu từ trưa ngày 14/9; giao Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo theo dõi diễn biến mưa bão, quyết định thời điểm phù hợp cho học sinh đi học lại và báo cáo UBND thành phố.

UBND các quận, huyện chỉ đạo các địa phương thông báo tin bão khẩn cấp cho nhân dân biết để chủ động phòng tránh; triển khai ngay các phương án phòng chống bão, lũ, lũ quét; triển khai ngay phương án sơ tán nhân dân tại những vùng trũng, thấp, vùng ven biển; chủ động dự trữ lương thực thực phẩm, nước uống để phòng lũ lớn; tổ chức chằng chống nhà cửa, nhất là nhà tạm chờ tái định cự... Bên cạnh đó, UBND huyện Hòa Vang, quận Liên Chiểu, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng triển khai phương án phòng chống lụt bão hồ chứa, tổ chức trực 24/24 giờ trên hồ chứa, đảm bảo thông tin liên lạc với địa phương; sẵn sàng ứng cứu hồ chứa và sơ tán dân ở hạ du. Ngoài ra, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn yêu cầu các ngành và địa phương tổ chức trực ban 24/24 giờ để chủ động ứng phó với bão...

Đến sáng 14/9, thành phố Đà Nẵng có138 phương tiện đang hoạt động trên biển với 1.270 lao động. Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng thành phố đã liên lạc với tất cả các tàu để hướng dẫn vào nơi neo đậu tránh trú bão gần nhất.

Văn Hào - Đinh Văn Nhiều (TTXVN)
Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành cơn bão số 3
Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành cơn bão số 3

Áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành cơn bão số 3 trên Biển Đông kể từ đầu năm đến nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN