Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa sau hoàn lưu bão, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động các phương án ứng phó với lũ, lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi; kiểm soát chặt chẽ giao thông qua khu vực ngầm tràn, đò ngang, đò dọc, đường bị ngập sâu; sẵn sàng phương án cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh tiếp tục tăng cường bơm tiêu úng để hạn chế thiệt hại diện tích lúa vụ mùa mới gieo xạ, sẵn sàng kế hoạch phục hồi, tổ chức lại sản xuất phù hợp đối với diện tích lúa bị mất trắng. Kiểm tra, rà soát và triển khai phương án đảm bảo an toàn hệ thống hồ chứa thủy lợi, thủy điện, nhất là các hồ chứa nhỏ xung yếu, đã tích đầy nước. Tổ chức tính toán vận hành liên hồ chứa hệ thống sông Hồng, các hệ thống liên hồ chứa khu vực miền Trung phù hợp với diễn biến tình hình mưa lũ, đảm bảo an toàn chống lũ theo quy trình được duyệt.
Các bộ, ngành, địa phương theo chức năng nhiệm vụ được giao, chỉ đạo các biện pháp sẵn sàng ứng phó lũ quét, sạt lở đất; triển khai các lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó, cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xấu xảy ra. Riêng Tập đoàn Điện lực Việt Nam ưu tiên đảm bảo cung cấp điện phục vụ các trạm bơm tiêu úng. Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Theo báo cáo của các địa phương, thiệt hại bước đầu tính đến 7 giờ ngày 20/7 có 1 người bị thương tại Nghệ An, 21 nhà bị sập (Yên Bái 8 nhà, Hòa Bình 1 nhà, Quảng Ninh 1 nhà, Thanh Hóa 3 nhà, Nghệ An 7 nhà, Hà Tĩnh 1 nhà); 827 nhà bị ngập (Yên Bái 17 nhà, Hòa Bình 34 nhà, Quảng Ninh 46 nhà, Thanh Hóa 730 nhà); 365 nhà phải di dời khẩn cấp (Sơn La 15 nhà, Yên Bái 11 nhà, Hòa Bình 118 nhà, Quảng Ninh 206 nhà, Thanh Hóa 15 nhà); 3.964 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; 2.868 ha diện tích thủy sản bị ảnh hưởng (Thanh Hóa 542 ha; Nghệ An 2.326 ha).
Tại tỉnh Sơn La, Quốc lộ 6 đoạn qua khu vực xã Lóng Luông sạt lở 1000m3 đất, đá; có 7 điểm bị ngập úng cục bộ trên các tuyến tỉnh; một số tuyến đường liên xã bị cô lập do ngập nước. Đến tối 19/7 các vị trí đã cơ bản được xử lý đảm bảo thông tuyến.
Do ngầm tràn đang bị ngập sâu 2m nên tại thị trấn Ba Chẽ, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh, giao thông chia cắt không vào được.
Tuyến đường Hương – Phú – Hành, tuyến đường xã Đồng Văn đi Tân Hợp, tuyến đường trên bịa bàn xã Thọ Sơn, Bình Sơn, Thành Sơn, Cao Sơn (tỉnh Nghệ An) bị chia cắt tại một số điểm ngầm tràn đang bị ngập sâu.
Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tính đến 17 giờ ngày 19/7, đã có 69.890 ha lúa bị ngập úng (Nam Định 27.530 ha; Ninh Bình 5.290 ha; Hòa Bình 80 ha; Hà Nội 293ha; Thanh Hóa 14.590 ha; Nghệ An 12.250 ha; Hà Tĩnh 6.940 ha); 12.570 ha hoa màu bị ngập úng (Thanh Hóa 2.600 ha; Nghệ An 6.740 ha; Hà Tĩnh 3.200 ha).
Hiện nay, các khu vực thấp trũng ven biển từ Nam Định đến Hà Tĩnh vẫn đang ngập sâu. Các địa phương đã triển khai vận hành các trạm bơm và mở các cống tiêu để tiêu nước cho vùng diện tích ngập úng (Nam Định 307 máy bơm và 6 cống tiêu; Ninh Bình 284 máy bơm và 11 cống tiêu; Thanh Hóa 236 máy bơm và 10 cống tiêu).
Riêng tỉnh Yên Bái, từ 19 giờ ngày 19/7 đến 9 giờ ngày 20/7, trên địa bàn có mưa vừa, có nơi mưa to và dông. Đặc biệt là ở các huyện, thị xã khu vực phía Tây có mưa to kéo dài nhiều giờ gây thiệt hại nặng về tài sản của Nhà nước và nhân dân. Hiện các địa phương đang tập trung khắc phục hậu quả và đề phòng diễn biến bất thường của thời tiết để đưa ra các biện pháp phòng chống kịp thời.
Toàn tỉnh Yên Bái có 54 ngôi nhà bị hư hỏng do mưa lũ, trong đó có 3 nhà bị thiệt hại hoàn toàn, chủ yếu ở huyện Lục Yên, huyện Văn Chấn và huyện Trạm Tấu. Nhiều nhà dân bị ngập nước, trong đó 11 hộ ở thị xã Nghĩa Lộ phải di dời người và tài sản, 15 hộ dân khác ở huyện Trạm Tấu có nguy cơ bị sạt lở đất gây ảnh hưởng đến đời sống…
Mưa lũ cũng làm hơn 9,19ha lúa bị hư hỏng; sạt lở 100m kè bờ đất suối Thia tại xã Sơn A, huyện Văn Chấn; kè bê tông và bờ suối Nung bị sạt dài hơn 240m; sạt lở kè suối giáp mố cầu treo bản Bay, xã Nghĩa Phúc, thị xã Nghĩa Lộ gây nguy cơ bị sập cầu treo; 1 cột điện 35KV bị đổ tại bản Đao, xã Phù Nham, huyện Văn Chấn. Tại huyện Lục Yên nhiều cây xanh bị gẫy đổ do mưa dông…
Về giao thông, nhiều đoạn đường trên các tuyến như Quốc lộ 32 từ Yên Bái đi Nghĩa Lộ và đi huyện Mù Cang Chải bị ách tắc do sạt lở hoặc do lũ tràn vào; tỉnh lộ 174 ( Nghĩa Lộ đi Trạm Tấu) liên tục bị ách tắc do nước suối chảy và bùn tràn qua đường tại nhiều vị trí; nhiều đường xá ở các khu dân cư thuộc thị xã Nghĩa Lộ bị úng ngập….
Hiện nay, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Lục Yên, thị xã Nghĩa Lộ và các cơ quan chuyên môn liên quan đã trực tiếp xuống cơ sở để kiểm tra và động viên, thăm hỏi các gia đình bị thiệt hại; bố trí cho các gia đình đang sống trong vùng nguy hiểm chuyển đến ở nơi an toàn; đồng thời huy động lực lượng tại chỗ giúp đỡ các hộ bị thiệt hại khôi phục nhà cửa để sớm ổn định cuộc sống.
Tỉnh Yên Bái yêu cầu các địa phương, ngành chức năng bố trí và phân công lực lượng cảnh giới tại các khu vực xung yếu, nghiêm cấm người và phương tiện qua lại các khu vực không đảm bảo an toàn...