Các địa phương khẩn trương phòng chống bão Tembin

Nhằm chủ động ứng phó thời tiết bất lợi do ảnh hưởng của cơn bão Tembin, các địa phương đang khẩn trương thực hiện phương án phòng chống bão.

Tạm dừng các cuộc họp không cần thiết

Tàu, thuyền tránh trú bão tại Cảng cá Bình Thắng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre . Ảnh: Trần Thị Thu Hiền/TTXVN

Sáng 23/12, ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo phát công văn thông báo đến các trường học chuẩn bị phương án phòng tránh, ứng phó với bão Tembin đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên, giáo viên và các trang thiết bị trường học; các trường cho học sinh, sinh viên nghỉ học từ ngày 25 - 26/12. Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Võ Thành Hạo yêu cầu lãnh đạo các huyện, sở, ngành tạm ngưng các cuộc họp không cần thiết để chuẩn bị công tác ứng phó bão.

Các phương tiện thông tin thường xuyên cập nhật, phát các bản tin về tình hình bão đến người dân; riêng Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Bến Tre, 15 phút/lần phải cập nhật bản tin mới. Các huyện cần rà soát, chuẩn bị sẵn sàng phương án di dời, sơ tán dân; nắm chắc lượng người cần di dời, sơ tán; khu vực, địa điểm bố trí sơ tán đến; lực lượng, phương tiện hỗ trợ sơ tán; chuẩn bị hậu cần tại các điểm bố trí sơ tán...

Trong đó, ưu tiên di dời các đối tượng dễ bị tổn thương (người già, người khuyết tật, trẻ em, phụ nữ...); người dân các khu vực xung yếu, có nguy cơ cao bị ảnh hưởng (trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản); vùng ven biển cửa sông có nguy cơ bị sóng to, gió lớn, ngập sâu; khu vực có nguy cơ sạt lở, các cồn; người dân sống trong các nhà tạm bợ, không đảm bảo an toàn. Thời gian hoàn thành công tác di dời, sơ tán dân trước 12 giờ ngày 25/12, đồng thời có biện pháp cưỡng chế đối với các trường hợp không chấp hành lệnh sơ tán.

Theo Đại tá Nguyễn Chí Quang, Phó Chỉ huy trưởng - Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bến Tre, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã thực hiện việc nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi kể từ 8 giờ ngày 23/12. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo 3 Đồn Biên phòng (Hàm Luông, Cổ Chiên, Cửa Đại) sử dụng hệ thống thông tin liên lạc của đơn vị thông báo cho số phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh; thống kê, kiểm đếm số lượng tàu, người, khu vực hoạt động. Đến sáng 23/12, đã có 2.680 phương tiện tàu, thuyền tìm được nơi neo đậu tại các bến, bãi của tỉnh và khu vực các đảo; hiện còn 487 phương tiện/1.948 người đang hoạt động trên biển ngoài khu vực nguy hiểm.

Tương tự, tỉnh Tiền Giang cũng đang chủ động thực hiện các giải pháp tích cực nhằm ứng phó bão Tembin, kiên quyết không để ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản cũng như sản xuất, đời sống nhân dân.

Ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã phân công cụ thể và giao trách nhiệm cho từng thành viên để kịp thời chỉ đạo, hỗ trợ các địa phương lên phương án ứng phó hiệu quả. Bên cạnh đó, tăng cường thông tin cập nhật diễn biến bão để nhân dân chủ động chằng chống nhà cửa, di dời đồ đạc, có biện pháp bảo vệ tài sản và tính mạng phù hợp với thực tế.

Lãnh đạo tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị rà soát những phương án ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng” nhằm bảo đảm năng lực và hiệu quả phòng chống thiên tai, chú trọng những địa bàn trọng điểm như: Ven biển Gò Công, huyện cù lao Tân Phú Đông,..

Trước diễn biến phức tạp của bão Tembin, Tiền Giang cũng xây dựng phương án di dời khoảng 120.000 dân ở những nơi nguy hiểm đến các chỗ trú ngụ an toàn. Về tàu thuyền đánh bắt trên biển, Tiền Giang có 564 tàu với gần 4.500 ngư dân đã vào bờ an toàn. Tỉnh đang tiếp tục cập nhật thông tin diễn biến đường đi của bão để các phương tiện còn hoạt động trên biển biết, hướng dẫn phương tiện khẩn trương vào bờ hoặc tìm chỗ tránh trú an toàn, không để xảy ra thiệt hại về người và phương tiện.

Chủ động ứng phó, rà soát các vùng trọng điểm

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận, hiện nay, tất cả các hồ chứa trên địa bàn đều đạt xấp xỉ mực nước dâng bình thường; có 3 hồ chứa đang tiến hành xả lũ điều tiết qua tràn để hạ thấp mực nước, đảm bảo an toàn cho công trình là các hồ Phan Dũng, Đá Bạc, Núi Đất. Tính đến chiều tối 22/12, số tàu thuyền đang hoạt động trên biển là 683 chiếc với 3.432 lao động, trong đó tàu đánh bắt xa bờ là 56 chiếc với 348 lao động. Các tàu thuyền đang được kêu gọi vào bờ, tìm nơi trú an toàn và giữ liên lạc với các đồn biên phòng, các đài thông tin Duyên hải khu vực, thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan chức năng theo quy định.

Toàn tỉnh Bình Thuận có 60 bè/1.325 lồng nuôi trồng thủy sản trên biển. UBND các địa phương đã thông báo cho các chủ bè biết tình hình thời tiết, ảnh hưởng của bão Tembin để gia cố, chằng buộc an toàn, thu hoạch sớm hoặc vớt đưa lên bờ tránh bão, kiên quyết không để người trên các lồng bè. Tỉnh cũng lên phương án khi bão đổ bộ trực tiếp, toàn tỉnh sẽ có 35 điểm dân cư, với 35.209 khẩu của 7 địa phương phải thực hiện di dời.

Về công tác phòng, chống bão Tembin, UBND tỉnh đã chỉ đạo công tác ứng phó và triển khai phương án phòng chống các tuyến đê biển xung yếu, bảo vệ khu dân cư. Đồng thời, chỉ đạo Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh thông báo và ban hành Công điện đến các địa phương, các sở, ngành, đơn vị liên quan trong tỉnh về tình hình thời tiết, diễn biến của bão, lượng mưa và mực nước trên các sông để các địa phương chủ động triển khai công tác ứng phó, thông tin cho người dân phòng tránh bão, mưa, lũ, không bị động; rà soát các vùng trọng điểm, vùng trũng, ven biển để có kế hoạch di dời, sơ tán dân...

Tại tỉnh Ninh Thuận, UBND tỉnh đã tổ chức họp khẩn cùng với các sở, ngành, lãnh đạo các huyện, thành phố lên phương án ứng phó với bão Tembin.

Lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức họp khẩn lên các phương án ứng phó với cơn bão Tembin. Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN

Hiện tại, toàn tỉnh có 2.651 phương tiện nghề cá với 16.474 lao động hoạt động. Số tàu, thuyền đang hoạt động trên biển là 409 chiếc với 3.269 lao động đã liên lạc được, còn 2.242 chiếc tàu, thuyền đang neo đậu tại các bến, cảng.

UBND tỉnh chỉ đạo Chi cục thủy sản, Ban quản lý khai thác các cảng cá tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền và giữ liên lạc thường xuyên với các tàu, thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra; tăng cường lực lượng kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu tại bến, khu vực neo đậu để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện. Các đơn vị sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó, đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều, các công trình ven biển, lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản có nguy cơ ảnh hưởng do nước dâng, triều cường và gió mạnh.

Các đơn vị chức năng thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo kịp thời cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào vùng nguy hiểm.

UBND các huyện, thành phố ven biển như: Huyện Ninh Hải, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, huyện Thuận Nam tiếp tục tăng cường kiểm tra tình hình an toàn bờ biển, các công trình ven biển, nhà dân để báo cáo kịp thời cho Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh khi xảy ra sự cố. Các địa phương lên phương án sẵn sàng di dời một số hộ dân có khả năng gặp nguy hiểm khi có sóng biển lớn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam cho biết: "Theo dự báo, Ninh Thuận nằm trong vùng ảnh hưởng của bão Tembin, cơn bão có tốc độ di chuyển nhanh, phức tạp. Do đó, các địa phương phải chủ động lên các phương án cụ thể để phòng chống; tập trung chuẩn bị các phương tiện, vật tư sẵn sàng ứng phó. Các đơn vị khẩn trương rà soát toàn bộ các tuyến đê, kè biển tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm đang sạt lở do triểu cường, sóng to để khắc phục, tránh kéo rộng quy mô sạt lở".

Các huyện, thành phố tiếp tục theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến của gió mạnh trên biển, cơn bão Tembin trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động sẵn sàng ứng phó.

Phóng viên TTXVN tại các địa phương
Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện chủ động ứng phó bão Tembin
Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện chủ động ứng phó bão Tembin

Chuẩn bị sẵn sàng mọi lực lượng và phương tiện để chủ động ứng phó hiệu quả, kịp thời với bão Tembin, tránh tư tưởng chủ quan, kiên quyết di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, đảm bảo an toàn về người và tài sản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN