Bộ Nội vụ triển khai Hệ thống quản lý văn bản và một cửa điện tử

Bộ Nội vụ khẩn trưởng xây dựng Hệ thống quản lý văn bản và một cửa điện tử để chính thức đưa vào sử dụng với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương từ ngày 1/1/2019.

Chú thích ảnh
Người dân đến làm thủ tục hành chính tại quận Ngô Quyền, Hải Phòng. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Triển khai Nghị định số 61/2018/NĐ-CP và Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính và việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước, Bộ Nội vụ đã khẩn trương xây dựng Hệ thống quản lý văn bản và một cửa điện tử tại Bộ để chính thức đưa vào sử dụng hoàn toàn văn bản điện tử hành chính có xác thực chữ ký số, đồng thời kết nối với trục liên thông văn bản của Chính phủ để gửi, nhận văn bản điện tử với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương từ ngày 1/1/2019. Nhằm đưa Hệ thống quản lý văn bản, một cửa điện tử vào hoạt động hiệu quả, ngày 26/9, Bộ Nội vụ đã tổ chức Tập huấn triển khai hệ thống này và tập huấn về kiểm soát thủ tục hành chính, tiêu chuẩn ISO.

Theo số liệu thống kê của Văn phòng Bộ Nội vụ, bình quân một ngày văn thư Bộ tiếp nhận và xử lý khoảng 200 văn bản; cung cấp dịch vụ công đối với 32 thủ tục hành chính và 8 quy trình liên thông. Đây là khối lượng công việc rất lớn, đòi hỏi phải nhanh chóng, kịp thời, chính xác và linh hoạt phù hợp với lịch công tác của lãnh đạo Bộ, thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ. Thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành tại Bộ đã đạt một số kết quả, từng bước tạo môi trường làm việc điện tử hiện đại; giảm thời gian luân chuyển văn bản; xác định rõ trách nhiệm của từng công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ; tiết kiệm chi phí, nhân lực; nâng cao hiệu lực, hiệu quả làm việc, góp phần cải cách hành chính, vận hành Chính phủ điện tử tại Bộ.

Tuy nhiên, đến nay, văn bản đi và đến của Bộ Nội vụ chưa đáp ứng được yêu cầu chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Bộ. Tỷ lệ xử lý công việc điện tử chưa cao, hồ sơ trình lãnh đạo Bộ chưa được thực hiện trên môi trường mạng, văn bản điện tử của Bộ chưa đủ điều kiện pháp lý để xử lý khi gửi, nhận văn bản điện tử với Chính phủ, với các bộ, ngành và địa phương.

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, khi Hệ thống quản lý văn bản, một cửa điện tử đi vào sử dụng, các chức năng quản lý văn bản đi, đến, văn bản trình ký, quản lý lịch họp sẽ được tự động hóa giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của Bộ Nội vụ. Đồng thời, với cơ sở dữ liệu tập trung, giải pháp sẽ lưu được toàn bộ trạng thái xử lý văn bản, giúp lãnh đạo Bộ và lãnh đạo các đơn vị nhìn bao quát cũng như chi tiết về tình trạng xử lý văn bản tại các đơn vị thông qua hệ thống báo cáo tổng hợp như: số lượng văn bản chậm tiến độ xử lý, văn bản đang xử lý, văn bản đã xử lý. Từ đó, giúp lãnh đạo có thông tin điều hành và đôn đốc các đơn vị xử lý công việc.

Mặt khác, với việc đưa vào sử dụng phiên bản trên các thiết bị di động, ứng dụng chữ ký số sẽ giúp cho lãnh đạo Bộ và thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ có thể xử lý văn bản ở bất cứ đâu. Hệ thống cũng kết nối với trục liên thông văn bản quốc gia, tiếp nhận và chuyển văn bản điện tử các văn bản đến và đi giữa các bộ, ngành và Chính phủ với hệ thống văn bản điện tử tại Bộ Nội vụ.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thường xuyên đăng nhập vào hệ thống để tiếp nhận, xử lý văn bản điện tử; chỉ đạo, phân công xử lý, theo dõi tiến độ xử lý văn bản trên môi trường mạng đúng quy định.

Chu Thanh Vân (TTXVN)
Bộ Nội vụ cần hoàn thiện các đề án, dự luật cần sửa đổi về tổ chức bộ máy, công chức, viên chức
Bộ Nội vụ cần hoàn thiện các đề án, dự luật cần sửa đổi về tổ chức bộ máy, công chức, viên chức

Ngày 21/8, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị chuyên đề xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực tổ chức cán bộ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN