Đối với trường hợp phát hiện ra sai phạm trong công tác cán bộ, Bộ Nội vụ đã tham mưu, đề xuất cho Thủ tướng Chính phủ và các cấp có thẩm quyền xử lý, thực hiện nghiêm quy định của pháp luật.
Có những quy định "vượt rào"
Qua vụ việc có dư luận về việc bổ nhiệm Phó Giám đốc Sở ngoại vụ tỉnh Bình Định, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định đã có biện pháp tổ chức kiểm tra ngay, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý theo thẩm quyền.
Bộ Nội vụ với tư cách là cơ quan tham mưu chính, quản lý chung đã có văn bản báo cáo Thủ tướng, chỉ đạo giao các bộ, ngành, địa phương thực hiện. “Qua theo dõi, trên cơ sở kết quả báo cáo của Bình Định, chưa phù hợp thì chúng tôi sẽ báo cáo Thủ tướng, Chính phủ để chỉ đạo thực hiện theo đúng quy định”, Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức (Bộ Nội vụ) Trương Hải Long nói.
Ông Trương Hải Long cũng cho rằng quan điểm chung trong công tác cán bộ giai đoạn hiện nay là tất cả cấp ủy Đảng và các cơ quan phải thực hiện nghiêm quy định. Thời gian trước đây, do quy định của trung ương về thu hút cán bộ trẻ, tạo nguồn cán bộ ở các cấp chưa cụ thể nên bộ, ngành, địa phương tự đặt ra chính sách để thu hút, trong đó có những quy định "vượt rào".
"Nếu hỗ trợ bằng kinh phí, bằng tiền hoặc bằng các quy định mang tính hỗ trợ chính sách thì không sao, nhưng thu hút cán bộ trẻ mà trái với quy định chung thì qua thanh tra, kiểm tra, Bộ Nội vụ đều có kiến nghị các bộ, ngành, địa phương phải sửa đổi. Bộ Tư pháp nếu thấy trái các quy định của Chính phủ hay của Đảng thì cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung, chấm dứt ngay các chính sách vượt so với quy định chung", ông Trương Hải Long cho hay.
Theo ông Trương Hải Long, hiện nay đang trong quá trình triển khai Nghị quyết 26 (về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ), việc thu hút, trọng dụng nhân tài vẫn là chủ trương đúng đắn của Đảng.
Nghị quyết 26 khẳng định chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài là một trong 5 khâu đột phá, tiếp tục thực hiện chính sách cán bộ, giao Ban cán sự Đảng Chính phủ phối hợp với Ban tổ chức Trung ương và các cơ quan triển khai xây dựng chiến lược quốc gia về nhân tài.
Về vấn đề có chuyện lợi dụng chế độ thu hút người tài để "cài cắm" không tích cực, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho rằng: Có trường hợp rất muốn vào làm việc trong cơ quan nhà nước, song cũng có một số trường hợp, thậm chí là số đông, đang rời cơ quan nhà nước ra ngoài làm.
"Hiện nay, nhiều tổ chức nước ngoài thu hút được nhân sự rất cao cấp, nếu không có biện pháp cạnh tranh, không có chính sách tốt thì không khéo chúng ta không thu hút được người tài", ông Thừa nói.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết, vừa qua, Bộ Nội vụ được Bộ Chính trị và Thủ tướng giao thực hiện Kết luận 86 của Bộ Chính trị năm 2014.
Chính phủ đã ra Nghị định 140 năm 2017 về chính sách thu hút sinh viên xuất sắc và nhà khoa học trẻ... Khi thiết kế ban hành nghị định này, Bộ Nội vụ tham mưu, đề cập đến việc làm sao thực sự thu hút được người tài và có chế độ đãi ngộ tốt mới giữ chân được.
“Vì chúng tôi quan điểm phải xây dựng quy định để không thể, không dám, không muốn làm việc sai. Chúng tôi thiết kế, đối tượng thu hút phải xuất sắc, trong độ tuổi trẻ, là tiến sỹ hoặc thạc sỹ. Tuy nhiên đội hình này rất đông, nhiều đồng chí "tiến sỹ giấy", "thạc sỹ giấy", nhiều loại hình đào tạo, từ xa, không tập trung cũng tiến sỹ với thạc sỹ. Do vậy, “bộ lọc” thứ hai là phải có bài báo ở nước ngoài, hoặc công trình khoa học nghiên cứu được cấp có thẩm quyền đánh giá. Thứ nữa, đã là người tài, khi học phổ thông trung học phải được từ giải 3 trở lên... Những người đáp ứng đủ điều kiện được ưu tiên tuyển dụng thẳng, không phải thi. Về chế độ, khi ra trường được hưởng ngay bằng lương của chuyên viên chính bậc 1, tiến sỹ thì bậc 2...”, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa nêu rõ.
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa cũng cho rằng có sự đãi ngộ, thu hút, đặc biệt là có sự sàng lọc để tránh chuyện “cài cắm”, lựa chọn những người không thực sự xuất sắc. Chính sách này tuy đã được rà soát kỹ, trong quá trình thực hiện, đặc biệt là năm đầu tiên chúng tôi sẽ có những sơ kết đánh giá. Mong báo chí theo dõi, phát hiện ra nhân tài cũng như tìm ra những điểm chưa tốt, gây cản trở trong quá trình thực hiện để chúng tôi tiếp thu, tham mưu cho Chính phủ để có những giải pháp tốt hơn.
Về việc điều chuyển và tiếp nhận cán bộ của Bộ Nội vụ
Cũng tại họp báo, trả lời câu hỏi về việc phân công bố trí công tác khác với ông Nguyễn Quốc Khánh - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và việc tiếp nhận, bổ nhiệm bà Hà Thị Dung (Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ) khi có dư luận đang xem xét có vi phạm, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa khẳng định: Bộ luôn thực hiện công tác cán bộ theo quy định của pháp luật.
“Bộ Nội vụ hết sức gương mẫu, như Bộ trưởng chúng tôi nói phải làm sạch nhà mình trước”, ông Thừa nhấn mạnh. Ông cho biết, vừa qua Bộ Nội vụ đã ra một nghị quyết chuyên đề về lĩnh vực này. Bộ trưởng, Bí thư Ban cán sự Đảng bộ đã thành lập Tổ công tác gồm các vụ trưởng, Chánh Thanh tra... giúp cho Bộ trưởng, Bí thư Ban cán sự nắm bắt tình hình các đơn vị, tham mưu, đề xuất việc bố trí nhân sự.
“Trong một thời gian ngắn, tổ công tác hoạt động có hiệu quả, tham mưu tích cực cho Ban cán sự, lãnh đạo Bộ. Trong nghị quyết chúng tôi cũng nêu rõ: Việc sắp xếp, thuyên chuyển giữa các đồng chí giữ vị trí cấp trưởng, cấp phó, cán bộ diễn ra bình thường và thường xuyên trên cơ sở đánh giá xem xét năng lực, sở trường, yêu cầu công tác...”, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa nói.
Ông cũng khẳng định, việc bố trí công tác đối với bà Hà Thị Dung được xem xét theo nhu cầu công tác, điều động cán bộ. “Các đồng chí đặt vấn đề việc thuyên chuyển này khi đang xem xét vi phạm thì hiện nay, chúng ta chưa thể nói là vi phạm hay không vi phạm. Nếu xem xét có vi phạm thì bất cứ ở vị trí nào cũng bị xem xét, kể cả chuyển công tác hay được đề bạt ở vị trí cao hơn. Nếu trong thời hiệu vẫn còn thì vẫn bị xem xét. Vấn đề này, Ban cán sự và Bộ trưởng đang xem xét và có tính toán”, theo Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa.