Báo cáo của tỉnh Bình Định cho thấy, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch, đề án và đề ra các giải pháp cụ thể để đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập theo đúng mục tiêu, yêu cầu và lộ trình quy định.
Sở Y tế tỉnh Bình Định đã xây dựng đề án thành lập Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh trên cơ sở hợp nhất 5 trung tâm thuộc lĩnh vực y tế dự phòng. Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Định đã có phương án đối với các xã có từ 2 trường trở lên sẽ xem xét, sắp xếp theo hướng hợp nhất, đảm bảo trên địa bàn mỗi xã chỉ còn một trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở.
Huyện Hoài Nhơn xây dựng đề án giải thể Phòng Y tế, chuyển nhiệm vụ quản lý nhà nước về y tế vào Văn phòng HĐND và UBND; hợp nhất các cơ quan văn phòng Huyện ủy với Văn phòng HĐND và UBND, Ban Tổ chức huyện ủy với Phòng Nội vụ; Ủy ban Kiểm tra huyện ủy với Thanh tra huyện; nhất thể hóa Trưởng ban Dân vận huyện ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện; Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã.
Huyện Vân Canh thực hiện phương án nhất thể hóa Trưởng ban Tổ chức huyện ủy đồng thời là Trưởng phòng Nội vụ huyện; Trưởng ban Tuyên giáo huyện ủy kiêm Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện; Trưởng ban Dân vận huyện ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện…
Trong năm 2017, tỉnh Bình Định đã chuyển 10 đơn vị sự nghiệp sang thực hiện cơ chế tự chủ hoàn toàn về tài chính; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét chuyển 5 đơn vị sự nghiệp công lập ngành giao thông, xây dựng, nông nghiệp thành công ty cổ phần; sáp nhập các trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên – hướng nghiệp cấp huyện thành một đầu mối; sáp nhập 2 trung tâm thuộc sở, ban ngành và UBND tỉnh thành 3 ban quản lý đầu tư xây dựng chuyên ngành trực thuộc UBND tỉnh.
Tổng số biên chế hiện có của tỉnh Bình Định là 31.454, giảm 1.191 biên chế so với năm 2015. Tổng số biên chế công chức dự kiến tinh giản từ năm 2015 – 2021 là 259 biến chế, đạt tỉ lệ 10,3%; đến nay đã tinh giản được 103 biên chế. Đối với biên chế viên chức, dự kiến tinh giản 2.451 biên chế; đến nay đã tinh giản được 1.297 người…
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng, tỉnh Bình Định đã có nhiều chương trình hành động cụ thể hóa các Nghị quyết Trung ương 6 và 7, Nghị quyết của Thủ tướng Chính phủ về chương trình hành động cải cách nền hành chính; có chương trình thực hiện tinh giản biên chế và theo chỉ tiêu hàng năm của Bộ Nội vụ giao. Tuy nhiên, toàn bộ 1.034 đơn vị sự nghiệp công lập mới tinh giản biên chế được hơn 3%, vẫn thấp hơn so tỉ lệ bình quân của cả nước 4%.
Thời gian tới, Bình Định cần tiếp tục thực hiện nghị quyết của Trung ương, Quốc hội về sắp xếp lại bộ máy và đội ngũ cán bộ có trọng tâm, trọng điểm, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh.
Đồng thời, Bộ trưởng cũng yêu cầu tỉnh Bình Định tiếp tục chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 26/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước; chỉ đạo sắp xếp lại cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện, nhất là cơ quan chuyên môn công lập. Cần tập trung định hướng tinh giản biên chế, sắp xếp lại tổ chức, bộ máy, cán bộ chủ yếu từ cách điều chỉnh, cân đối nội bộ.
Đối với các cơ sở giáo dục, y tế, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh: Bình Định tiếp tục thực hiện theo chủ trương chung của Trung ương là chỉ xã hội hóa mà không được tư nhân hóa.
Riêng việc sáp nhập các đơn vị hành chính, Bộ trưởng cho biết sẽ có những lộ trình chung để các địa phương cùng thực hiện.