Một vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên Quốc lộ 1A đoạn đi qua thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận). |
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận, trong 5 tháng đầu năm nay, tình hình tai nạn giao thông trên tuyến Quốc lộ 1 (đoạn không có dải phân cách giữa qua địa bàn huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) diễn biến phức tạp, nguy cơ tiềm ẩn xảy ra tai nạn giao thông vẫn còn cao, nhất là tai nạn giao thông đối đầu giữa các phương tiện ôtô.
Thống kê từ ngày 16/12/2016 đến ngày 15/5/2017 cho thấy, tai nạn giao thông đoạn đường trên đã xảy ra 26 vụ, làm chết 18 người, làm bị thương 5 người. So với cùng kỳ năm 2016, số vụ tai nạn giao thông tăng 30% và số người chết tăng 38,5%, số người bị thương giảm 50%.
Ngày 18/4/2017, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo nền, mặt đường Quốc lộ 1 đoạn Phan Thiết - Đồng Nai theo hình thức BOT tại Quyết định số 1141/QĐ-BGTVT.
Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt bổ sung đầu tư mở rộng nền, mặt đường, lắp đặt dải phân cách các đoạn tuyến qua địa bàn tỉnh Bình Thuận và mở rộng cầu Phú Sung, cầu Ông Hạnh, cầu Tà Mon. Hiện nay, Tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng) đã thi công hoàn thành việc mở rộng nền, mặt đường và lắp đặt dải phân cách giữa 6,3 km (đoạn từ Km 1725+200 đến Km 1731+500).
Nhằm góp phần hạn chế, giảm tai nạn giao thông do đối đầu, UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị Bộ Giao thông Vận tải quan tâm chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm hoàn thiện các thủ tục đầu tư dự án, ưu tiên triển khai thi công các đoạn tuyến còn lại và các cầu qua địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Trước đó, ngày 1/6, UBND tỉnh Bình Thuận cũng có văn bản gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam về những bất cập tại các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Cụ thể, việc đặt trạm thu phí tại vị trí nào thì nhân dân địa phương có xe ô tô ở khu vực xung quanh trạm thu phí bị thiệt thòi, bất cập trong việc thu phí.
Chẳng hạn như tại trạm Sông Phan (Bình Thuận) thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ Quốc lộ 1 đoạn Phan Thiết – Đồng Nai dài 113,7 km; trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Bình Thuận dài 70 km và trạm Km1661+600 với chiều dài dự án là 50 km với mức phí 35 ngàn đồng đối với xe ô tô dưới 10 chỗ ngồi.
Tuy nhiên, ô tô của nhân dân địa phương ở khu vực lân cận trạm thu phí này khi lưu thông qua trạm thu phí chỉ vài km cũng thu phí bằng mức thu phí cả dự án là bất cập. Đồng thời, chất lượng cung cấp dịch vụ chưa tốt vào những ngày cuối tuần, lễ, tết xe ô tô đều bị ùn ứ do thu phí chậm.
Do đó, UBND tỉnh Bình Thuận kiến nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam cần có chính sách giảm mức thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với xe ô tô có biển số ở địa phương với mức giảm phù hợp với từng vị trí đặt trạm để đảm bảo quyền lợi của người dân địa phương tại khu vực trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ. Nguyên do vì lưu lượng ô tô của địa phương qua trạm không nhiều nhằm ưu đãi cho địa phương nơi đặt trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ.