Dồn lực kéo giảm tai nạn giao thông cuối năm

Tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ trong 8 tháng qua giảm sâu, nhưng tai nạn đường sắt, đường thủy lại tăng so với cùng kỳ năm 2014. Để đảm bảo mục tiêu kéo giảm tai nạn giao thông về số vụ, số người chết và bị thương cả năm 2015, những tháng còn lại, ngành giao thông vận tải phải dồn lực quyết tâm thực hiện các mục tiêu đề ra.

Vẫn “ám ảnh” con số thương vong vì tai nạn

Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết: 8 tháng năm 2015, toàn quốc xảy ra 14.622 vụ TNGT, làm chết 5.821 người, bị thương 13.234 người. So với cùng kỳ năm 2014, TNGT giảm sâu cả ba tiêu chí, về số vụ giảm được 2.086 vụ (-12,49%), giảm 241 người chết (-3,98%), giảm 2.528 người bị thương (-16,04%). Chỉ tính riêng trong tháng 8/2015, cả nước đã xảy ra 1.712 vụ, làm chết 654 người, làm bị thương 1.591 người. So với cùng kỳ năm 2014, giảm 260 vụ (-13,18%), giảm 39 người chết (-5,63%), giảm 413 người bị thương (-20,61%). Mặc dù giảm sâu các tiêu chí, nhưng số người thương vong vẫn là nỗi ám ảnh đối với ngành giao thông, trong bối cảnh toàn ngành quyết tâm thực hiện các mục tiêu đề ra.

Lực lượng chức năng kiên quyết xử lý xe quá tải.


Đáng lo ngại là TNGT đường sắt đã xảy ra 22 vụ nghiêm trọng, làm chết 18 người, bị thương 12 người, so với cùng kỳ năm 2014 tăng 12 vụ (+120%), tăng 9 người chết (+100%), tăng 11 người bị thương (+1100%). TNGT đường thủy tăng 400% về số vụ. Đặc biệt, còn 13 địa phương có số người chết vì TNGT tăng trên 10% là: Cần Thơ, Bình Dương, Nam Định, Bắc Giang, Đà Nẵng, Cà Mau, Ninh Thuận, Vĩnh Long, Quảng Ninh, Gia Lai, An Giang, Trà Vinh, Bắc Kạn.

Phân tích nguyên nhân TNGT đường sắt, đường thủy gia tăng, theo ông Khuất Việt Hùng, Chỉ thị 12/TTg của Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương; Bộ GTVT cũng đã làm việc với các địa phương về công tác đảm bảo ATGT. Do vậy, có thể thấy, trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương chưa gắn chặt với công tác đảm bảo ATGT.

“Chúng ta hay nói cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhưng đồng thời cũng phải giao những nhiệm vụ cụ thể cho cá nhân người đứng đầu chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng phải chịu trách nhiệm về vấn đề ATGT đường sắt, đường thủy đi qua địa phương mình. Nếu chỉ dùng khẩu hiệu chung là huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thì sẽ bị “mờ” trách nhiệm cá nhân. Trong hệ thống chính trị ai làm gì, trách nhiệm như thế nào cần phải chỉ rõ mới thực hiện được nhiệm vụ chung về đảm bảo trật tự ATGT, đặc biệt là ngăn chặn, đẩy lùi các vụ TNGT”, ông Khuất Việt Hùng khẳng định.

Thực hiện các giải pháp cấp thiết

Một trong những nguyên nhân gây ra nỗi ám ảnh về TNGT đường bộ thời gian qua là tình trạng xe quá tải vẫn hoạt động ngang nhiên, thách thức pháp luật, trong khi mục tiêu toàn ngành hết năm 2015 sẽ xử lý dứt điểm xe quá tải hoạt động. Vì vậy, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã giao trách nhiệm cho lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với Sở GTVT, Công an các địa phương tăng cường kiểm soát, kiên quyết xử lý xe quá tải chạy đêm trên đường cao tốc, tại các cửa ngõ quốc lộ, cảng biển… nhằm chấm dứt tình trạng xe quá tải phá đường, gây TNGT vào cuối năm nay.

Riêng lãnh đạo các Cục Đường sắt, Đường thủy nội địa, Hàng hải, ngay trong tháng 9 phải có báo cáo đánh giá phân tích nguyên nhân TNGT và giải pháp cấp thiết để kéo giảm TNGT những tháng cuối năm; đồng thời phối hợp với Cục CSGT tập trung lực lượng giải tỏa hành lang an toàn đường bộ theo Quyết định 1856/CP và Quyết định 994/CP mới ban hành của Chính phủ. Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, ngành đường sắt phải phân tích rõ nguyên nhân gây tai nạn để đưa ra giải pháp thiết thực kéo giảm TNGT đường sắt. Ngành đường thủy nội địa và hàng hải phải xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn trong việc xã hội hóa nạo vét luồng tuyến, thu hồi tất cả các loại giấy phép cấp trước đây mà chưa triển khai.

Thêm vào đó, người đứng đầu ngành giao thông còn đề nghị tăng cường phạt nguội qua hệ thống giám sát hành trình, phạt nguội vi phạm qua camera trên cao tốc, để nâng cao tính răn đe. Ngoài ra, trong tháng 9 Bộ GTVT sẽ hoàn chỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nghị định 171 sửa đổi về xử phạt vi phạm giao thông theo hướng bám sát thực tế cuộc sống, dự báo được tình hình giao thông trong thời gian, nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn vi phạm giao thông.
“Từ nay đến cuối năm, Bộ GTVT sẽ hoàn thành đưa vào khai thác nhiều dự án giao thông lớn như: Nâng cấp, mở rộng QL1, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và hàng loạt các dự án đường bộ, đường thủy, cảng biển… Các dự án hạ tầng mới đưa vào khai thác sẽ phải có đánh giá về việc góp phần đảm bảo ATGT tốt lên hay xấu đi, để công khai trước dư luận”, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định.

Tiến Hiếu
Đèo Tô Na tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông
Đèo Tô Na tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông

Đèo Tô Na nằm trên tuyến quốc lộ 25, nơi tiếp giáp giữa thị xã Ayun Pa và huyện Krông Pa (Gia Lai) là đoạn đường tiềm ẩn cao nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông do 2 bên vách núi bị sạt lở nghiêm trọng, đất đá đổ xô xuống mặt đường khiến người tham gia giao thông đặc biệt lo âu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN